Xúc tiến đầu tư phải đi bằng... hai chân!
10:45' 14/10/2003 (GMT+7)

TS. Phan Hữu Thắng.

Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang soạn thảo một chương trình xúc tiến đầu tư, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến những giải pháp nhằm chủ động "lôi kéo" nhà đầu tư thay vì thu hút đầu tư một cách thụ động như trước đây. TS. Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, đã có cuộc trao đổi với giới báo chí xung quanh vấn đề này.

- Thưa ông, chúng ta sẽ phải làm như thế nào để "lôi kéo" nhà đầu tư?

- Thời gian qua, phần lớn các nhà đầu tư tự tìm đến, số được chúng ta mời vào thì chưa có, đặc biệt là những dự án lớn, có tác động thay đổi cơ cấu của nền kinh tế. Trong khi đó, hoạt động xúc tiến đầu tư của chúng ta còn quá chung chung, không biết nhà đầu tư muốn gì và cần gì nên không thể lôi kéo được nhà đầu tư. Trong khi kinh nghiệm của Malaysia là "nắm thắt lưng" của nhà đầu tư, thậm chí họ còn đưa ra những chính sách ưu đãi đặc biệt để giữ chân những nhà đầu tư lớn. Muốn làm một dự án về công nghệ thông tin, Malaysia tìm hiểu tập đoàn của Nhật hay Mỹ có kế hoạch và khả năng thực hiện dự án, bằng mọi cách tiếp cận người có thẩm quyền quyết định việc đầu tư.

Công tác xúc tiến đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới cũng sẽ làm theo hướng này, tức là chủ động phân loại, nghiên cứu kỹ các đối tác của các quốc gia khác thông qua mạng lưới cộng tác viên, đầu mối của chúng ta ở nước ngoài và các cơ quan nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Việc phân loại đối tác cũng phải có trọng tâm, trọng điểm, xem đối tác nào có khả năng đáp ứng yêu cầu của mình... Tất cả vấn đề trên phải được tìm hiểu và phân tích kỹ thì hoạt động xúc tiến đầu tư mới thật sự đem lại hiệu quả. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu đề xuất với Chính phủ cho phép trích 1% các khoản thu nộp ngân sách của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để phục vụ công tác xúc tiến đầu tư.

Hiện có nhiều nhà đầu tư lớn đang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Một tập đoàn sản xuất giày da đang hoạt động tại Đồng Nai (đã đầu tư trên 100 triệu USD) đang cần 450ha đất để đầu tư 600 triệu -1 tỷ USD làm giày xuất khẩu, xây dựng khu dân cư, sân golf. Một dự án khác đầu tư vào Quảng Nam xây dựng hạ tầng, nhà ở... vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD. Một tập đoàn chuyên đầu tư hạ tầng của Mỹ cũng đặt vấn đề đầu tư một dự án hạ tầng với tổng vốn khoảng 500 triệu USD. Một hãng vận tải Đan Mạch cũng đang khảo sát để đầu tư vào cảng biển, với vốn đầu tư có thể đến hàng tỷ USD.  

- Như vậy chúng ta đã chuẩn bị gì để chào mời nhà đầu tư?

- Thời gian qua trong thu hút đầu tư chúng ta chưa xác định cụ thể mình muốn gì, cần gì và có gì... Chính điều này đã dẫn đến những chuyện không hay là dự án nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư, tức là nằm trong quy hoạch, nhưng khi nhà đầu tư đến tìm hiểu thì bị từ chối vì đã... thay đổi. Hiện nay đã và đang tổ chức các đoàn khảo sát đi rà soát lại tất cả quy hoạch ngành, quy hoạch vùng để có sự liên kết chung trong quy hoạch tổng thể.

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể này chúng ta phải xác định rõ mình cần gì, các dự án thuộc loại nào... để lập danh mục các dự án. Và khi đã có danh mục này rồi, bất kỳ nhà đầu tư nào có nhu cầu và chọn dự án trong danh mục sẽ được cấp phép ngay, chứ không phải bàn lại vấn đề quy hoạch, vấn đề địa điểm như thời gian vừa qua.

- Thưa ông, ngoài "lôi kéo" liệu còn cần gì nữa?

- Hoạt động xúc tiến đầu tư không thể đi bằng... một chân mà phải bằng hai chân. Chúng ta không chỉ lo tìm kiếm, tiếp thị với nhà đầu tư bên ngoài mà không lo tốt các điều kiện bên trong và ngược lại, bởi lẽ hai công việc này sẽ hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Hiện chúng tôi đang triển khai thành lập ba trung tâm xúc tiến đầu tư tại cả ba miền Bắc - Trung - Nam, mục tiêu là xây dựng thành những địa chỉ tin cậy của các nhà đầu tư, quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của nhà đầu tư, cung cấp miễn phí các dịch vụ cho nhà đầu tư. Cục Đầu tư nước ngoài cũng đang khảo sát và sẽ sớm tổng kết tất cả những vướng mắc, từ các loại hình dịch vụ cho đến hệ thống luật lệ chính sách, quản lý điều hành... trình lên Chính phủ để rà soát điều chỉnh lại, làm sao xây dựng cho được một môi trường đầu tư hết sức thông thoáng, thoải mái... Nếu chúng ta tạo điều kiện, hỗ trợ và giúp đỡ các nhà đầu tư đang làm ăn tại Việt Nam thành công, tức là làm tốt được "chân trong", sẽ tạo hiệu ứng tốt cho công tác xúc tiến đầu tư ra bên ngoài.

Theo tôi, có làm được như thế mới có thể thúc đẩy nhanh quá trình thu hút đầu tư. Tôi lấy sự thành công của Khu chế xuất Linh Trung làm ví dụ, hiện công ty hạ tầng đã hoàn tất KCX Linh Trung 1, 2 và đang xây dựng Linh Trung 3 tại Tây Ninh. Sự thành công này có được là do đơn vị kinh doanh hạ tầng đã không bỏ mặc nhà đầu tư, không thực hiện theo kiểu cho thuê đất xong rồi thôi mà họ đã đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư tất cả các khâu: cung cấp dịch vụ, làm visa, giải quyết các quan hệ lao động. Từ kinh nghiệm của KCX Linh Trung có thể thấy rằng sau cấp phép, chúng ta không thể để nhà đầu tư phải tự loay hoay xoay xở những vướng mắc nhỏ nhặt nhưng lại gây khó chịu, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư...

(Theo Tuổi Trẻ)

Tin liên quan:

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Xuất khẩu chè gặp khó khăn (14/10/2003)
An Giang đưa giá nông sản lên trang web (14/10/2003)
Khai trương đường bay thẳng Hà Nội - Seoul (14/10/2003)
Việt Nam ủng hộ phát triển đường sắt trong ASEAN (13/10/2003)
Quy định thời hạn làm báo cáo quyết toán vốn đầu tư (13/10/2003)
Chuyển đổi chủ đầu tư Khu công nghiệp Phú Mỹ I (13/10/2003)
Các thành viên APEC cùng nhau bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (13/10/2003)
Canada có nhu cầu nhập nhiều đồ gỗ sử dụng ngoài trời (13/10/2003)
Thu hồi những thửa đất có diện tích nhỏ hơn 20m2 (13/10/2003)
Hàng chục hợp đồng được ký tại Chợ Công nghệ và Thiết bị (13/10/2003)
Việt Nam xuất 15.000 tấn gạo sang Nga (13/10/2003)
''Phân bổ hạn ngạch dệt may vào Mỹ năm 2004 chưa minh bạch'' (13/10/2003)
Thuế xuất nhập khẩu năm 2004 sẽ đạt 46.000 tỷ đồng (13/10/2003)
Bộ trưởng KH-ĐT quảng bá đầu tư tại Hoa Kỳ (13/10/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang