|
Hải quan kiểm tra hàng tại Cảng Hải Phòng. Ảnh: NGUYÊN VŨ. |
(VietNamNet) - Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, sự thông thoáng cùng với những quy định miễn kiểm đã tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu của DN. Tuy nhiên, Luật Hải quan đôi khi lại là ''con dao hai lưỡi'' mà một số DN lợi dụng qua mặt lực lượng hải quan để buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế.
Cái được lớn nhất
Sau gần 2 năm Luật Hải quan đi vào cuộc sống, theo đánh giá của các DN, Luật đã tạo ra một môi trường pháp lý thông thoáng cho hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu. Quy trình, thủ tục hải quan được đơn giản hoá từ chỗ một lô hàng kiểm tra thực tế phải đi qua 17 ''cửa'' công chức hải quan, đến nay đã rút xuống còn 7-8 người, đối với các lô hàng miễn kiểm tra, số lượng công chức giải quyết chỉ còn 3 hoặc 5 người.
Thời gian làm thủ tục hải quan cho một lô hàng xuất khẩu đã giảm từ ít nhất 1 ngày xuống chỉ còn 1-2 giờ, với lô hàng nhập khẩu trước đây là 2 ngày, nay giảm xuống tối đa là một ngày. Số lượng các chứng từ phải nộp hoặc xuất trình đối với một lô hàng nay cũng giảm xuống chỉ còn 4 loại với hàng xuất khẩu bình thường và 7 loại với hàng có tính chất phức tạp. Do đó, chi phí hành chính cho các DN xuất nhập khẩu đã giảm hẳn so với những năm trước đó.
Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tỷ lệ DN đánh giá luật này đã và đang tạo thuận lợi cho DN chiếm 68%, số DN đánh giá mức độ gây khó khăn chỉ là 7%.
Bà Lê Thị Thanh, Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Mây tre Việt Nam cho biết, ''Đòi hỏi của khách hàng về chất lượng ngày càng cao, ngay cả ở thị trường trong nước, thời gian sản xuất cũng phải thật khẩn trương và số lượng hàng không ngừng tăng lên. Việc miễn kiểm đối với một số mặt hàng đã mang lại cho chúng tôi nhiều thuận lợi, chúng tôi có thể giao hàng vào bất kỳ ngày giờ nào và ở địa điểm thuận tiện, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ''.
Và kẽ hở cho DN gian lận, buôn lậu, trốn thuế
Để phù hợp với tốc độ thương mại và quản lý của khu vực và quốc tế, Luật Hải quan đã quy định tỷ lệ việc kiểm tra thực tế hàng hoá xuất nhập khẩu giảm tới mức có thể. Phần lớn hàng hoá được kiểm tra xác suất và miễn kiểm tra. Song đây cũng là kẽ hở cho một số DN kinh doanh không lành mạnh lợi dụng. Chính Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trương Chí Trung cũng thừa nhận, ''một số DN đang lợi dụng các điều kiện thuận lợi cho kinh doanh mà Luật quy định và những hạn chế, khó khăn của các cơ quan quản lý để buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế theo các hình thức khác nhau''.
Mặt khác, quy định về địa bàn hoạt động của Hải quan hiện hành mới chỉ bó hẹp ở nơi làm thủ tục, trong khi lĩnh vực chống buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng qua biên giới hầu như còn ''trống''. Những thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế ngày càng tinh vi, trong khi mức độ hiện đại hoá hoạt động hải quan, nhất là việc áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro, hạn chế kiểm tra tại cửa khẩu kết hợp với kiểm tra sau thông quan chưa theo kịp yêu cầu thi hành Luật nên vẫn còn tình trạng kiểm tra tràn lan, gây phiền hà cho các DN làm ăn chân chính.
Ông Trung khẳng định: ''Ngành tài chính tới đây sẽ tăng cường các biện pháp quản lý nội bộ, nâng cao năng lực cán bộ Hải quan, bảo đảm đội ngũ này thực sự đáp ứng được đòi hỏi của công tác hải quan hiện đại''.
|