(VietNamNet) - Chỉ tiêu này sẽ là "đích" phải tới của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2004. Theo báo cáo về nhiệm vụ kế hoạch năm 2003 và phát triển KTXH năm 2004 của Chính phủ, để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7,5% theo như mục tiêu của kế hoạch 5 năm đã đặt ra, trong 2 năm còn lại phải tăng GDP khoảng 8,2% năm. Chính phủ nhận định "đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề".
Với mục tiêu phấn đấu đạt nhịp độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2004 từ 7,5-8% thì trong đó, giá trị gia tăng trong các lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sẽ phải đạt trên 10%, dịch vụ trên 7%, nông lâm ngư nghiệp trên 4%. Trong năm tới còn phải thực hiện được nhiệm vụ tạo điều kiện để nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững để là tiền đề cho tăng trưởng kinh tế cao hơn trong năm 2005.
Trong số 7 nhiệm vụ kinh tế - xã hội đưa ra cho năm tới (sẽ được Chính phủ trình bày trước Quốc hội trong kỳ họp khai mạc ngày mai, 21/10), một nhiệm vụ hết sức quan trọng là phải khẩn trương rà soát lại các quy hoạch đã được duyệt, nhất là các quy hoạch phát triển ngành, vùng và sản phẩm quan trọng; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu đầu tư dựa trên các quy hoạch phát triển dài hạn, phát huy thế mạnh của từng vùng, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ; phát triển những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao, hạn chế những sản phẩm kém chất lượng hoặc phải bảo hộ ở mức cao; tiếp tục thực hiện chương trình giảm chi phí sản xuất kinh doanh, giảm dần và tiến tới loại bỏ những chi phí bất hợp lý, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Ngoài ra, trong năm 2004 phải triển khai các chính sách thích hợp nhằm tăng tỷ lệ tích luỹ trong nước và huy động vốn đầu tư chiếm trên 35% GDP; phấn đấu đạt thu ngân sách trên 21% GDP; thực hiện tốt Luật Ngân sách Nhà nước; phấn đấu chi đầu tư chiếm 30% tổng chi ngân sách Nhà nước; tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ mềm dẻo, linh hoạt, đảm bảo vừa ổn định kinh tế vĩ mô vừa đáp ứng tốt nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế...
Nâng cao hoạt động kinh tế đối ngoại; đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu; đẩy mạnh giải ngân và sử dụng có hiệu quả vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); tiếp tục thực hiện chủ động quá trình gia nhập AFTA; đẩy nhanh quá trình đàm phán gia nhập WTO trên cơ sở rà soát tất cả luật lệ, thể chế kinh tế đảm bảo đồng bộ và phù hợp với thông lệ quốc tế để đến năm 2005 Việt Nam có thể trở thành thành viên chính thức của tổ chức này;... cũng là những nhiệm vụ quan trọng cho năm 2004.
Về phát triển các vấn đề xã hội, mục tiêu đề ra là phải tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ; nâng cao nguồn nhân lực với cơ cấu hợp lý; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường bảo vệ tài nguyên môi trường; chú trọng chăm sóc sức khoẻ nhân dân; xây dựng một nền văn hoá đại chúng; phát triển hệ thống phát thanh truyền hình.
Bên cạnh đó, phải tập trung giải quyết cơ bản một số vấn đề xã hội bức xúc (trước hết là nạn ma tuý, mại dâm và tai nạn giao thông), thực hiện tốt chương trình, mục tiêu quốc gia, chương trình 135; đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính, xây dựng bộ máy hành chính thực sự trong sạch và làm việc công tâm; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức; có biện pháp xử lý thích đáng đối với những cán bộ, công chức thoái hoá và thiếu trách nhiệm với dân...
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2000 - 2005 đã "chạy" được hơn nửa chặng đường, tuy nhiều khó khăn, thách thức nhưng về cơ bản đã đạt được những thành tựu đáng kể. Trong 3 năm qua, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước đạt bình quân khoảng 7,1%, (trong khi kế hoạch đặt ra là 7,5%); giá trị nông, lâm, ngư nghiệp tăng 5% (kế hoạch là 4,8%); giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,6% (kế hoạch là 13,1%); các giá trị ngành dịch vụ tăng 7% (kế hoạch 7,5%).
Tuy nhiên, tổng kim ngạch nhập khẩu 3 năm qua đạt khoảng 59,9 tỷ USD (chỉ bằng 50% kế hoạch 5 năm), tăng bình quân 15,3%/năm. Thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 528 nghìn tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch (kế hoạch 5 năm là 840 tỷ đồng). Các mặt xã hội còn nhiều bức xúc; thu nhập và đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là ở nông thôn, vùng bị thiên tai; nạn tham nhũng, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông chưa giảm, trị an một số vùng còn phức tạp...
Với tình hình phát triển 3 năm qua như đã nêu trên, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không cần đặt vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu, nhưng phải rà soát xét lại mức phấn đầu 3 năm đã qua, có kế hoạch cụ thể cho 2 năm còn lại, để "tạo ra bước đột phá mới" hoàn thành được mục tiêu của kế hoạch 5 năm.
|