|
Nay 10 triệu đồng cũng mua được 1ha trà lên xanh |
Nhiều tháng nay hàng ngàn nông dân trồng trà ở B’Lao (Bảo Lộc, Lâm Đồng) lao đao vì không có thị trường tiêu thụ...“Phần lớn trà ở Bảo Lộc được chế biến thành chè đen để xuất sang Iraq, nên khi thị trường Iraq tê liệt thì nông dân B’Lao cũng tê liệt theo! Thị trường chủ lực thay thế chưa tìm ra nên cây trà B’Lao gượng dậy không nổi”, anh Nguyễn Xuân Tiến, vừa đầu tư 200 triệu đồng cho nhà máy chế biến trà bằng tiền vay ngân hàng, bè bạn... nhưng giờ đây máy móc nằm im lìm, cho biết.
Khi trà là... bèo!
Những người nông dân hái trà nói rằng không dám đầu tư, càng bón phân càng lỗ nặng, càng nhiều diện tích càng đuối, càng thê lương. Một sào trà bón năm phải dăm ba đợt, mỗi đợt hai tạ NPK, trị giá gần 600.000 đồng/đợt. Và với giá bán 700 đồng/kg như hiện tại thì bán đến mấy năm cho... hoà tiền phân. Vậy là phân không bón, thuốc sâu không phun, mà cỏ cây cũng không buồn dọn..., thế là những đám trà cứ teo quắt, nhăn nheo.
Trước đây thương lái tìm vào lên tới rẫy trà ở xa để mua, nay thì ngược lại: phải chở ra còn bị chê lên chê xuống. Nguyễn Xuân Trường, một thanh niên 23 tuổi, cho biết phải hi sinh một nửa diện tích để dồn lực giữ lấy phần còn lại. Vậy là 5 sào trà đang ở tuổi thu hoạch bị đốn hạ sạch, bỏ đất trống. Chưa hết, dân Lộc Thành đổ xô chuyển sang nuôi heo để kiếm tiền giữ gốc trà, ai dè heo rớt giá khiến hàng loạt gia đình đổ nợ, thê lương thêm.
Chưa hết, những núi trà đã qua sơ chế ước chừng phải đến vài chục tấn cũng đang phủ kín từ nhiều tháng qua.
Rao bán cả đồng trà
Bà Ba Chí, một lưu dân trồng lúa xứ Phù Mỹ, Bình Định, giờ là một chủ vựa buôn trà búp tươi ở khu vực Lộc Thành mà gần như ngày nào cũng có người đến nhà đòi nợ, xiết nợ. Nhìn căn nhà ván bé nhỏ, tạm bợ xin dựng ké ở vườn một nông dân khác trong một góc khuất trên đường vào vùng sâu Tà Ngào của người lái buôn sừng sỏ này ai cũng chạnh lòng khi mới đây thôi người ta vẫn còn thấy bà ở trong căn nhà xây to đùng cạnh mặt tiền trung tâm xã, sát đường nhựa. Bà Chí thú thật là phải đến vài cái nhà như thế đem bán mới trả hết nợ. Trà mất giá, người ta nợ nần lẫn nhau, trước chồng lên sau. Nhiều nông dân nói giờ đây đi tìm người không nợ ngân hàng ở đây khó lắm!
Rồi chuyện gì đến cũng đã đến: bán vườn trà. Nông dân trẻ Nguyễn Như Hoàng cho biết muốn mua cả trăm ha trà cũng có. Hai năm trước giá 1 sào đất chưa trồng trà giá 10 triệu, nay chừng đó tiền cũng mua được 1ha trà lên xanh. Nông dân rao bán rẫy trà, có người bán một phần, có người bán đứt nhưng chẳng mấy ai mua.
Tuy vậy, nhiều nông dân trồng trà ở B’Lao vẫn lạc quan, hy vọng rồi sóng gió cũng đi qua. Rồi đây thị trường Iraq sẽ được khơi thông trở lại. Nhưng chắc chắn rằng tới đây chè đen Việt Nam không chỉ có Iraq mà còn ở nhiều nước khác, có thế nông dân trồng trà mới không lao đao.
(Theo Tuổi Trẻ)
|