|
Motomichi Ikawa phụ trách MIGA, thuộc nhóm WB. |
Các nước đang phát triển và các thị trường mới nổi rất cần đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Theo dự tính thận trọng nhất, các quốc gia đang phát triển cần 465 tỷ USD đầu tư hàng năm cho hạ tầng cơ sở để duy trì nguồn dự trữ hiện tại và khuyến khích tăng trưởng hàng năm của GDP ở mức 2%. Ông Motomichi Ikawa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), phụ trách MIGA, thuộc nhóm WB, đã có bài viết xung quanh vấn đề này.
Việt Nam đang ở bước ngoặt quan trọng về mặt hạ tầng cơ sở. Nhu cầu đầu tư của Việt Nam đang ở mức mà khu vực tư nhân đóng vai trò trọng yếu để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng lên. Đầu tư tư nhân không những có thể bù đắp chỗ thiếu hụt trong cấp vốn cần thiết để phát triển những hạ tầng quan trọng, nó còn giải phóng cho Chính phủ khỏi một số nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng, và thay vào đó cho phép Chính phủ tập trung vào việc cung cấp những dịch vụ thiết yếu như trường học và bệnh viện. Điều này rất quan trọng đối với Việt Nam, dù trong những năm 1990 đã đạt được một số thành quả to lớn. Điều khó khăn là phải phát huy những thành tích đó và chuyển chúng thành tăng trưởng dài hạn bền vững.
Việt Nam đã thực hiện một loạt các chương trình cải cách quan trọng nhằm làm cho quốc gia có một địa chỉ đầu tư hấp dẫn hơn. Cam kết của Chính phủ Việt Nam thực hiện chương trình cải cách đã được ghi nhận. Những đánh giá về rủi ro quốc gia ngày càng tốt hơn, trong đó các hãng đánh giá nước ngoài xác nhận nhận thức về môi trường đầu tư cải thiện hơn. Các nhà đầu tư và cho vay vốn càng ngày càng quan tâm đến các dự án trong nước, đặc biệt là ngành điện và ngành dầu khí, nhưng họ đã sai lầm khi quá thận trọng trong khi Việt Nam có những tiến bộ rất tích cực.
Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng xảy ra mới các thị trường mới nổi sau khi "Sự thần kỳ châu Âu" kết thúc, gây ra sự suy giảm đáng kể của tư nhân tham gia vào hạ tầng cơ sở. Tuy vậy, nhu cầu đối với các dịch vụ này vẫn còn. Các công trình cấp nước và vệ sinh của Việt Nam cần những khoản đầu tư to lớn để theo kịp đà tăng trưởng của đô thị và nhu cầu ngày càng lớn của công nghiệp. Các nhà đầu tư của những khu vực khác, ví dụ như sản xuất, phàn nàn về hệ thống hạ tầng cơ sở giao thông của Việt Nam chưa phát triển, bao gồm cả đường bộ, đường sắt sân bay và bến cảng, và cho rằng những hạ tầng cơ sở khá đắt đỏ, không đủ, đặc biệt là viễn thông, là những hạn chế đối với đầu tư vào Việt Nam.
Tại Việt Nam, MIGA có 3 hợp đồng bảo lãnh cho 2 dự án trong ngành điện và viễn thông, với tổng số 128,2 triệu USD và bảo lãnh của MIGA trị giá 54,1 triệu USD. Kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên của MIGA, tổ chức này đã hỗ trợ 5 dự án, với số bảo lãnh từ 1,9 triệu USD cho dự án kinh doanh nông nghiệp đến 13,5 triệu USD cho một dự án các dịch vụ tài chính. Dự tính tổng số đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam được MIGA hỗ trợ lên đến 845,7 triệu USD. |
Chính vì có nhu cầu như vậy, và vì đầu tư hạ tầng cơ sở có lợi nhuận khá mà các nhà đầu tư vẫn sẵn sàng tiếp tục đầu tư vào khu vực này, nếu các rủi ro được chia sẻ và giảm thiểu một cách hợp lý. Cách quan trọng để giảm thiểu rủi ro là sự tham gia của cả khu vực công và tư. Sự kết hợp này đã tạo ra một cơ chế chia sẻ trách nhiệm và rủi ro giữa các nước đầu tư, kinh doanh, các định chế tài chính, và các ngân hàng phát triển. Những hợp tác như thế rất hấp dẫn đối với các nước nhận đầu tư, vì nó đảm bảo sở hữu đối với công trình, trong khi vẫn cho phép các nước này thu thập những kiến thức quan trọng về vận hành, bảo dưỡng và quản lý một công trình. Các nhà đầu tư được lợi chủ yếu nhờ không phải huỷ bỏ một khoản đầu tư vốn, trong khi vẫn tạo thu nhập khai thác công trình.
Tổ chức Bảo lãnh đầu tư đa phương (Multilateral Investment Guarantee Agency, MIGA), một bộ phận của nhóm ngân hàng thế giới, có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro cho các kết hợp đầu tư công và tư. MIGA đưa ra bảo hiểm (hoặc bảo lãnh) rủi ro chính trị cho các nhà đầu tư và cho vay, giúp các nước đang phát triển thu hút đầu tư tư nhân, và làm trung gian hoà giải những bất đồng giữa các nhà đầu tư và các nước nhận đầu tư. MIGA cũng giúp cải thiện môi trường đầu tư và khuyến khích các cơ hội đầu tư của các nước phát triển là thành viên của MIGA.
MIGA cùng các nhà đầu tư thiết kế các dịch vụ của mình cho phù hợp hơn với nhu cầu của họ. Trong hạ tầng cơ sở, các dịch vụ này gồm bảo lãnh vi phạm hợp đồng tổng hợp hơn, để đáp lại mối lo ngại của các nhà đầu tư và khuyến khích họ đầu tư vào các thị trường chưa yên tâm. MIGA cũng hợp tác có hiệu quả với các đối tác khu vực, đa phương và song phương, ví dụ như Ngân hàng Phát triển châu Á. Gần đây MIGA hỗ trợ dự án Nhà máy Điện Phú Mỹ 3 thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. MIGA bảo lãnh 138 triệu USD trong tổng số vốn của dự án bao gồm việc xây dựng, khai thác và bảo dưỡng một nhà máy điện tuốc-bin khí hỗn hợp có công suất 716,8 MW. Dự án này là một trong những dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam, và dự tính sẽ giúp thu hút thêm nguồn đầu tư vốn cho việc phát triển hạ tầng cơ sở ở Việt Nam.
Điều cơ bản là có rất nhiều cơ hội chín muồi cho những nhà đầu tư trong tương lai ở các nước đang phát, triển đặc biệt là Việt Nam. MIGA có thể giúp bảo đảm những quả chín này không bị chua sau khi thu hoạch. Vụ thu hoạch sẽ mang lợi cho tất cả các bên tham gia (nhà đầu tư, bên cho vay, người dân và chính phủ của nước nhận đầu tư). Trong lúc đó, điều quan trọng đối với Việt Nam là giữ vững lòng tin của nhà đầu tư thông qua đẩy nhanh chương trình cải cách.
(Theo Thanh Niên) |