(VietNamNet) - Bắt đầu sự nghiệp kinh doanh bằng việc nuôi một con lợn nái, câu chuyện nghe có vẻ khôi hài nhưng lại hoàn toàn có thật. Đó là câu chuyện của chị Hà Thị Sỹ, người dân tộc Tày. Chị đã kể lại với VietNamNet con đường từ những ngày đầu cơ hàn đến nay, khi chị đã là chủ DN tư nhân Quang Thắng với số vốn điều lệ 3 tỷ đồng - con số chỉ có trong mơ của những người dân tộc thiểu số như chị.
Bắt đầu từ... một con lợn nái
Năm 1980, 20 tuổi, chị Sỹ xung phong vào quân đội, nhà nghèo lại đông anh em nên khi đi cũng chỉ có độc một bộ váy và áo mặc trên người. Năm 1984, chị ra quân và xung vào Hội Phụ nữ huyện Na Hang. Chồng chị cũng là một quân nhân xuất ngũ. Hai vợ chồng bắt đầu bước vào cuộc sống với hai bàn tay trắng, căn nhà lợp lá 10m2 và một chiếc chõng tre, mùa đông thì rét cắt da cắt thịt.
Năm 1986, chị được huyện cử đi học Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương. Trong 3 năm đó, chị đã phải đối mặt với bao khó khăn, vất vả, vừa phải cố gắng trong học tập vừa chăm lo cho gia đình. ''Đồng lương ít ỏi của mình không đủ chi tiêu, nhìn cảnh bát gạo chia ba, nghèo khổ nên lại càng suy nghĩ và phấn đấu học hỏi, với quyết tâm sau này trở về sẽ vận dụng những kiến thức đã học cùng kinh nghiệm thực tiễn để giúp sức nhỏ bé cùng quê hương mình đi lên ngày càng giàu đẹp hơn''.
Năm 1989, sau khi học xong, chị trở về quê hương, với nhiều lo toan mới: việc nhà, chăm sóc con cái, công tác xã hội và kiếm kế sinh nhai. Quyết định táo bạo đầu tiên của chị là vay tiền ngân hàng để mua một con lợn nái. Chị nói: ''Lúc đó cũng lo lắm vì cơm không có đủ ăn, vay tiền nuôi lợn mà chẳng may lợn chết thì không biết trông vào đâu nhưng khổ quá nên phải liều thôi''.
Thế là với con lợn nái đầu tiên, chị cùng với chồng đã lặn lội đi mua ngô lúa ở các xã vùng sâu, vùng xa về chế biến nấu rượu và tận dụng phế phẩm để chăn nuôi. Trời thương hai anh chị nên chỉ 2 tháng sau, lứa lợn đầu tiên của chị đã ra đời. Chị đi tiếp tới quyết định vay thêm ngân hàng 500.000 đồng để mua thêm 3 con lợn nái. Đến năm 1991, chị xuất chuồng được 8 lứa, mở rộng chăn nuôi, nuôi lợn giống và bán con giống trong huyện. Rồi vừa nuôi lợn, chị kết hợp nuôi gà và tiếp đó là chăn nuôi bò. Trong 5 năm chăn nuôi, chị đã để ra được số vốn hơn 195 triệu đồng. Và một quyết định táo bạo khác lại đến với chị, đó là mua một mảnh đất 1.480 m2 phục vụ cho việc chăn nuôi trâu, bò.
Đến quyết định táo bạo
Năm 1997, mua đất và làm nhà ổn định, chị bỏ thời gian đi tìm hiểu thị trường và nhu cầu thực tiễn của địa phương. Nhận thấy Na Hang đã phát triển về kinh tế, văn hoá, xã hội, nhu cầu trao đổi hàng hoá và giao lưu qua lại giữa các vùng đòi hỏi ngày càng cao, chị vay thêm ngân hàng 70 triệu đồng để đầu tư mua 2 xe khách 24 chỗ ngồi, xin mở tuyến xe khách Na Hang đi Tuyên Quang. Nhờ sự nhanh nhậy này mà mỗi năm gia đình chị có nguồn thu nhập hơn 300 triệu đồng.
Cuối năm 2000, tận dụng lợi thế của địa phương là có rừng nguyên sinh, khu du lịch và nhiều chuyên gia đến làm việc cho các dự án đầu tư, chị quyết định mở rộng kinh doanh nhà khách. Tiền vốn ki cóp trong hơn 10 năm trời của chị là 800 triệu đồng vẫn chưa đủ để xây dựng nhà khách. Xây dựng xong, khoản tiền chị còn thiếu tới 500 triệu đồng, xoay xở vay ngân hàng vẫn chỉ được có 300 triệu đồng, còn thiếu tới 200 triệu đồng, chị "cắn răng" đi vay nợ lãi ngoài với mức lãi suất cao hơn hẳn.
Tháng 4/2002, công trình nhà hàng, khách sạn của chị đã xây dựng xong và hoạt động. Chị kể, hôm nào khách du lịch cũng tới rất đông mà mình không đáp ứng đủ phòng.
Hiện nay, DN của chị đã có cơ sở vật chất gồm: nhà khách 4 tầng 24 phòng trên diện tích 640m2, nhà khách 3 tầng 7 phòng, nhà hàng ăn uống trên diện tích 120m2, 1 ôtô Huyndai Ben trọng tải 15 tấn, 2 xe khách tuyến Na Hang - Tuyên Quang... Chị tâm sự: ''Tuy đồng vốn còn ít ỏi so với các DN lớn khác, nhưng với những chặng đường của cuộc đời tôi, một phụ nữ dân tộc sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn không có điều kiện đi học, lao động vất vả nên tôi rất tự hào với số vốn và số tài sản nói trên, vì đó là kết quả từ bàn tay, trí óc, từ lao động mà tôi cùng với chồng tôi xây dựng nên''.
Và... người tư vấn tin cậy của phụ nữ Na Hang
Là một doanh nhân giỏi, nhưng người dân Na Hang, các chị em phụ nữ Na Hang lại biết đến chị Sỹ nhiều hơn trong vai trò của một cán bộ hội phụ nữ, cán bộ hội nông dân đầy tâm huyết. Chị kể: ''Có lần đi Lào Cai, thấy ở đó nhiều khoai môn ngon mà lại dễ trồng, tôi liền mua tới 2 tấn về cho chị em trong hội làm giống. Bây giờ, ở Na Hang, khoai môn đã trở thành sản phẩm phổ biến và cho giá trị kinh tế cao''. Chị cũng chính là người tư vấn cho nhiều chị em không nên trồng ngô lai - giống ngô dễ trồng nhưng cũng dễ mọt mà nên chuyển sang trồng ngô nếp, cho giá trị kinh tế cao hơn mặc dù sản lượng thấp hơn. Rồi cũng chính chị làm đầu mối tiêu thụ những sản phẩm của chị em nông dân như rượu nếp, đậu phụ, mật ong...
Chị Sỹ tâm sự: ''Chị em dân tộc ở đây đời sống khổ lắm, không được học chữ, cũng không biết cách làm ăn nên nhiều khi không biết tính toán xem trồng gì, làm gì thì có giá trị kinh tế cao hơn. Được chị em tin tưởng, dù bận rộn trăm bề nhưng tôi luôn cố gắng giúp đỡ họ, vì mình cũng từng như họ và nếu có thể giúp họ vươn lên như mình ngày nay thì không gì có thể hạnh phúc hơn''.
|