Tránh tình trạng đầu cơ mặt nước biển
15:08' 20/10/2003 (GMT+7)
(VietNamNet) - Luật Thuỷ sản, văn bản pháp lý cao nhất thay cho cái áo quản lý Nhà nước về thuỷ sản đã trở nên quá chật, đang chờ Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 4 lần này thông qua. Những vấn đề mới, như chuyện cấp "sổ đỏ" mặt nước biển, chuyện phân định ngư trường "chung - riêng"… sẽ được đưa ra bàn thảo lần cuối. Để làm rõ vấn đề này, PV VietNamNet đã trao đổi với ông Đinh Xuân Thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thủy sản.

Giới hạn giao, cho thuê diện tích mặt nước biển nhất định cũng là để tránh tình trạng đầu cơ.

- Thưa ông, giao và cho thuê mặt nước biển đối với cá nhân, các tổ chức, được quy định trong Luật Thuỷ sản, là vấn đề hoàn toàn mới?

- Theo dự thảo Luật Thuỷ sản, cá nhân ở đây bao gồm cả từng cá nhân đơn lẻ và cả một hộ gia đình, do một cá nhân đứng ra đại diện. Về tổ chức, đó có thể là một DN: tư nhân, Nhà nước hay nước ngoài. Tuỳ vào đối tượng tham gia hoạt động thuỷ sản, cụ thể là chủ thể, để phân giao diện tích cho phù hợp.

Hiện nay, thời hạn giao mặt nước biển là 20 năm, nhưng hạn mức giao bao nhiêu, cho thuê bao nhiêu thì Quốc hội giao Chính phủ quyết định. Vì đến thời điểm này, chúng ta chưa có quy định và thống kê cụ thể để biết được quỹ mặt nước biển, cũng như mặt nước nội địa có khả năng NTTS. Do vậy, chưa thể quy định được diện tích cụ thể giao cho cá nhân, tổ chức như trong Luật Đất đai. Chúng tôi dự kiến, hạn mức này cho cá nhân là 1ha, theo Luật đất đai thì tối đa là 3ha, nhưng điều này sẽ được xem xét cụ thể và xin ý kiến rộng rãi tại các địa phương. Đối với hạn mức cho thuê, quy định cứng dự kiến không quá 30 ha/dự án. Cũng có đại biểu đề nghị là 50 hay 70ha, nhưng việc này cần được xem xét. Đối với việc cho thuê, diện tích mặt nước còn phải tương xứng vào quy mô dự án.

- Lấy ý kiến đóng góp vào Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuỷ sản, nhiều ý kiến cho rằng, việc giao diện tích (chỉ 1ha) mặt nước biển cho cá nhân để nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) thì quá nhỏ. Ông nhận xét như thế nào?

- Ý kiến đó cũng có lý. Ngay cả khi thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng không thể quy định cứng nhắc hạn mức giao hoặc cho thuê vào trong Luật. Trong Nghị định hướng dẫn mà Bộ Thuỷ sản đang soạn thảo và lấy ý kiến, cũng để cho UBND các tỉnh, căn cứ vào quỹ mặt nước biển của địa phương mình, ra quy định cho phù hợp. Tức là có thể có sự co giãn. Song, nếu giao nhiều quá, sau này khi giá trị mặt nước tăng, thậm chí là siêu lợi nhuận như ở Nauy, thì sẽ tạo điều kiện cho những người đầu cơ nhận sẵn diện tích mặt nước, sau này chuyển nhượng lại kiếm lời bất hợp pháp. Đó là điều không nên và chúng tôi muốn tránh, vì thế không đưa ra con số tối đa, như 5ha chẳng hạn.

- Vậy, bao giờ ngành thuỷ sản mới tiến hành điều tra quỹ mặt nước biển, bởi nếu được thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần này, Luật Thuỷ sản sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2004?

- Quy hoạch tổng thể của phát triển ngành thuỷ sản, đang chờ được Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó, Bộ Thuỷ sản sẽ phối hợp với UBND các tỉnh để quy hoạch diện tích mặt nước biển dành cho NTTS. Tất nhiên, chúng tôi sẽ làm sớm, trước khi Luật có hiệu lực thi hành để kịp áp dụng vào thực tiễn. Hiện nay, nhiều địa phương, nhất là ở phía Nam, đã bắt tay vào làm việc này để “đón đầu” Luật.

- Một vấn đề nữa cũng đang có nhiều ý kiến khác nhau là phân chia ngư trường. Luật có đề cập đến việc sẽ giao cho từng tỉnh quản lý và khai thác ngư trường thuộc địa bàn mình. Có ý kiến cho rằng, điều đó là không khả thi, chỉ nên giao quyền quản lý về ngư trường NTTS thôi, còn ngư trường khai thác phải là ngư trường chung?

- Ở đây có hai lĩnh vực. Về mặt nước biển để NTTS, theo tinh thần của Luật sẽ giao toàn quyền cho các địa phương quản lý, có nghĩa là vùng nước NTTS ra đến bao nhiêu hải lý cũng được, miễn là trong vùng biển của Việt Nam. Đối với lĩnh vực khai thác, Chính phủ có trách nhiệm phân định vùng biển, vùng tuyến khai thác để giao phần ven bờ cho địa phương quản lý. Dự kiến trong vòng 3-6 hải lý, rồi giao lại cho cá nhân có trách nhiệm bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản tại vùng đó. Các địa phương khác chỉ có quyền đi ngang qua, chứ không được phép khai thác. Trên nguyên tắc chung, phân định vùng biển là để các tỉnh quản lý và khai thác vùng biển ven bờ nhằm bảo vệ nguồn lợi, chứ không được tạo cát cứ, ngăn cấm tàu bè của các tỉnh khác đi lại.

Tôi xin nói rõ là dự kiến chỉ giao tuyến khai thác ở vùng ven bờ thôi. Còn phía bên ngoài (từ 6 hải lý trở ra) sẽ là ngư trường chung do Trung ương quản lý, tất cả mọi tàu thuyền đều có thể tham gia đánh bắt. Kinh nghiệm cho thấy, hiện ở Australia và Mỹ, người ta giao cho các bang quản lý đến 3 hải lý, có nước 6-7 hải lý, Nhật Bản là 10 hải lý. Điều này còn phụ thuộc vào năng lực quản lý của từng nước, từng địa phương. 

- Xin cảm ơn ông!

  • Hà Yên
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
''Không hề bỏ qua thành tích 4 tháng của DN'' (20/10/2003)
Hoãn đấu giá 1,3 ha đất sau Phủ Tây Hồ, Hà Nội (20/10/2003)
Lấy ý kiến về cơ chế phân bổ hạn ngạch dệt may vào Mỹ (20/10/2003)
Giá phân bón đang tăng (20/10/2003)
Chuẩn bị thành lập Cục Xúc tiến du lịch (20/10/2003)
Đề nghị bổ sung cán bộ hải quan tránh ùn tắc tại cảng (20/10/2003)
Bố trí 6 làn xe ô tô và đường song hành cho xe 2-3 bánh (20/10/2003)
Người phụ nữ dân tộc làm kinh doanh giỏi (20/10/2003)
Đầu tư hạ tầng cơ sở là xây dựng tương lai (20/10/2003)
Ai được mua nhà ở khu chung cư An Trung 2, Đà Nẵng? (20/10/2003)
Nông dân ở B’Lao lao đao vì trà (20/10/2003)
33.000 trường hợp vi phạm quản lý, sử dụng đất ở TP.HCM (20/10/2003)
Năm 2004, phấn đấu GDP đạt từ 7,5 - 8% (20/10/2003)
Gạo xuất khẩu Việt Nam giá cao, bán chạy (19/10/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang