|
Các sáng kiến của những nhân vật này đều được nảy ra từ quá trình họ lao động sản xuất. |
(VietNamNet) - Kết thúc Hội chợ Công nghệ và thiết bị Việt Nam 2003, 8 gương mặt đã được Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng bằng khen về đóng góp tích cực trong phong trào quần chúng lao động sáng tạo. Họ đều là những người nông nhân, công nhân chưa từng qua một trường lớp đào tạo chuyên ngành nào nhưng những sáng kiến của họ lại vô cùng thiết thực và giá thành rẻ, phù hợp với hoàn cảnh lao động của bà con.
Từ ''thần đèn'' di dời nhà
Được tuyên dương trong đợt này có ''thần đèn'' Nguyễn Cẩm Luỹ, người đã lập nên kỳ tích di dời trên 160 ngôi nhà lớn nhỏ. Trao đổi với PV VietNamNet, ông Luỹ nói: ''Người dân mình phải đổ bao mồ hôi, công sức mới xây dựng được ngôi nhà, vậy mà vì một lý do nào đó mảnh đất bị thu hồi, ngôi nhà bị đập đi thật là đáng tiếc. Xuất phát từ tâm tư đó, mà mấy chục năm nay, tôi tâm huyết với việc di dời nhà cho bà con''.
Ông Luỹ cho biết, ông chưa từng học qua một lớp về xây dựng hay kỹ thuật nào cả, chỉ là kinh nghiệm của bàn tay người thợ trong quá trình làm móng, xây nhà cộng với những tính toán, suy luận của bản thân ông. Ông đã từng tiến hành nâng móng, chống nghiêng cho ngôi nhà rộng trên 500 m2, trọng lượng trên 3.500 tấn.
Ông Luỹ tâm sự, tâm nguyện hiện nay của ông là nâng những cây cầu ở Đồng bằng sông Cửu Long cho bà con khỏi khổ trong mùa bão, lũ và nâng móng, cải tạo những công trình di tích lịch sử, nhưng điều đó, ông nói: ''Có lẽ một mình tôi tâm huyết chưa đủ mà còn cần đến sự đóng góp của bà con và sự quan tâm giúp đỡ của Nhà nước''.
Đến những ''thần'' sản xuất máy giá rẻ, chất lượng cao
Cùng được Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng trong đợt này, ngoài ''thần đèn'' Nguyễn Cẩm Luỹ là 7 nông dân, công nhân với những thành tích cải tiến kỹ thuật làm lợi cho đồng đất, nâng cao năng suất gieo trồng.
Ông Đặng Tám, nông dân tỉnh Đăk Lăk được biết đến với chiếc péc nhựa tưới cà phê tiết kiệm nước và giá thành rẻ 3-4 lần so với các sản phẩm nước ngoài. Ông cho biết, trên thị trường hiện nay, chiếc péc tưới cà phê của Liên Xô rẻ nhất cũng phải 1 triệu đồng/cái, của Tiệp cũng phải 500.000 đồng, nông dân trồng cà phê phải chật vật mới đủ tiền mua. Từ cái khó của bản thân mình, ông Tám suy nghĩ, tại sao mình không tự làm ra một sản phẩm với giá thành rẻ hơn hẳn, trước hết là cho vườn cà phê của mình, sau đó là cho bà con xóm giềng, cho dân quê mình. Mơ ước của ông đi vào hiện thực, không những chỉ bà con tỉnh Đắk Lăk mà từ Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước cũng lặn lội lên mua.
Ông Huỳnh Thái Dương, thợ thủ công tỉnh Bình Thuận được trao thưởng với sản phẩm máy tẻ bắp lai nguyên vỏ. Ông Nguyễn Đức Tâm, nông dân tỉnh Lâm Đồng mang đến Chợ sản phẩm máy cắt lúa cải tiến gồm cả chức năng cắt cỏ.
Ngoài ra, được trao thưởng lần này là các ông Nguyễn Phấn (nông dân tỉnh Đồng Nai) với máy gieo hạt giống và bón phân nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Thanh (TP.HCM) với công nghệ chế tạo vật liệu chống cháy, ông Bùi Hữu Nghĩa (công nhân tỉnh Long An) với máy gặt xếp dãy và máy gặt đập liên hợp, ông Lê Văn Ký (nông dân Quảng Trị) với thiết bị đào giếng. Chưa qua trường lớp đào tạo nào nhưng những sáng kiến cải tiến của họ do ''nẩy ra'' trong quá trình lao động sản xuất nên đều rất thực tế và hữu ích. Mong ước tha thiết nhất của họ hiện nay là có thể sớm đăng ký sở hữu trí tuệ và nhãn hiệu sản phẩm để đưa những máy móc, thiết bị này nhân rộng trong sản xuất, gieo trồng.
|