|
DN tư nhân hiện nay vẫn chịu nhiều bất bình đẳng so với DN nhà nước. |
(VietNamNet) - Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, gần 4 năm kể từ khi Luật Doanh nghiệp (DN) có hiệu lực đã thực sự ''cởi trói'' cho DN, giải phóng sức sản xuất và quan trọng hơn là làm thay đổi tư duy, cách nhìn đối với DN tư nhân. Cái nhìn đối với DN đang được nâng lên nhưng thực tế, vẫn còn nhiều gian truân khi ai đó có ''mộng'' làm DN. Có những cản trở trong đó lại xuất phát từ cơ quan công quyền.
Vượt qua cửa ải ''đầu tiên''
Theo Tổ công tác thi hành Luật DN, ở nhiều địa phương và đối với đa số ngành, nghề, thời hạn kinh doanh trên thực tế đã rút ngắn xuống còn 10 ngày so với 15 ngày theo quy định. Đánh giá này có vẻ khả quan nhưng còn nơi này nơi kia, sự sách nhiễu của cán bộ đăng ký kinh doanh đã làm mất thời gian và chi phí của người đăng ký. Tuỳ vào ''chủ quan'' của cán bộ đăng kinh doanh, người đăng ký có thể phải thêm xác nhận về địa điểm kinh doanh, lập điều lệ công ty theo mẫu... trong khi Điều 9, Luật DN về điều kiện đăng ký kinh doanh không yêu cầu. Những ''sách nhiễu'' làm đội thời gian và chi phí của người đi đăng ký kinh doanh, thay vì lệ phí chứng nhận chỉ 100-200 nghìn đồng, họ có thể tiêu tốn đến hàng triệu đồng.
Sau gần 4 năm thực thi Luật Doanh nghiệp, đến hết tháng 9/2003 đã có 72.601 DN mới đăng ký, đưa tổng số DN đăng ký của khu vực tư nhân ở Việt Nam lên khoảng 120 nghìn DN. Số vốn đăng lý (gồm cả đăng ký mới và đăng ký bổ sung) đạt hơn 145 nghìn tỷ đồng. Các DN tư nhân đã đóng góp 48,5% kim ngạch xuất khẩu (không tính dầu thô) trong năm 2002. Các DN tư nhân thành lập mới trong gần 4 năm qua tạo ra hơn 1 triệu việc làm, đưa số lao động trong khu vực này lên khoảng 1,8 triệu người, bằng số lao động của DN nhà nước. |
Đối với một số ngành nghề, DN không được đăng ký kinh doanh và không thể đầu tư phát triển kinh doanh được vì chưa có quy định về điều kiện kinh doanh hoặc ''Chính phủ chưa có chủ trương'' như cách trả lời của một số công chức. Với cách này, Công ty TNHH An Thái (Thái Bình) đã bị từ chối đăng kinh doanh và xây dựng nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô vận tải nhẹ phục vụ nông nghiệp thay thế cho xe công nông.
Trong khi đăng ký kinh doanh có phần ''thắt chặt'' thì lại lộ ra nhưng ''lỗ hổng''. Đăng ký kinh doanh hiện vẫn chưa có công cụ hiệu quả để kiểm tra nhân thân của người đăng ký kinh doanh nên chưa ngăn chặn được những tổ chức, cá nhận thuộc đối tượng bị cấm đăng ký kinh doanh. Một số cán bộ, công chức, một số người làm trong các đơn vị quân đội công an, làm trong DN nhà nước đã trực tiếp hoặc gián tiếp đăng ký được DN. Vì không xác định được nhân thân người đăng ký nên có thực tế là ''xe ôm làm chủ DN'', còn ông chủ thật thì đứng đằng sau giật dây để chuyên lừa đảo, mua bán hoá đơn. Tuy nhiên, gian lận hoá đơn của DN, điều đáng nói là ở nhiều trường hợp có sự tiếp tay của cán bộ hải quan, thuế.
Chi phí gia nhập thị trường quá cao
Theo Tổ công tác thi hành Luật DN, chi phí gia nhập thị trường ở nước ta (về thời gian và tiền bạc) so với nhiều nước trên thế giới vẫn còn quá cao. Ở trường hợp bình thường, DN tiến hành 4 bước: đăng ký kinh doanh, khắc con dấu, đăng ký mã số thuế và mua hoá đơn tài chính. Trong đó, ''bước'' đăng ký mã số thuế và mua hoá đơn gần đây nổi lên bức xúc của DN như DN thành lập mới muốn mua hoá đơn phải vẽ sơ đồ DN... Tổ công tác tính toán hoàn tất 4 bước trên phải mất khoảng 50 ngày với chi phí gần 2 triệu đồng, chưa kể chi phí nếu phải qua các dịch vụ.
Ngoài ra, DN thành lập mới còn phải đăng báo trên 3 số liên tiếp về những nội dung đăng ký kinh doanh chủ yếu với chi phí 600-750 nghìn đồng. Như vậy, tổng chi phí gia nhập thị trường ở nước ta đối với trường hợp ''tốt nhất'' vào khoảng 3 triệu (chưa kể thuế môn bài), bằng khoảng 49% thu nhập bình quân đầu người (GDP/người) hàng năm. Còn theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2004, thành lập DN ở Việt Nam qua 11 thủ tục, mất 63 ngày và tốn 29,9% GDP/người hàng năm. Trong khi đó, thành lập DN ở Australia có 2 thủ tục và thời gian 2 ngày, phí bình quân 2,0% GDP/người; thành lập DN ở Thái Lan qua 9 thủ tục, 42 ngày và chi phí 7,3% GDP/người hàng năm...
Để dỡ bỏ những rào cản trên, Tổ công tác thi hành Luật DN đã đưa ta giải pháp đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, đanh giá lại các hồ sơ, thủ tục, chi phí và điều kiện gia nhập thị trường nhằm đơn giản hoá thủ tục, bãi bỏ chi phí bất hợp lý. Đồng thời, Tổ công tác sẽ cùng Văn phòng Chính phủ tập hợp nhưng văn bản trái với Luật DN và các nghị định hướng dẫn luật này để trình Thủ tướng ra các quyết định bãi bỏ.
|