|
Giáo sư Phạm Đỗ Chí. |
"Với lời cảnh báo mới đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế về mức âm quá cao của cán cân vãng lai Hoa Kỳ (do các bội chi của cả hai khu vực tư nhân và chính phủ) khiến đồng USD có thể mất giá trong lâu dài gây các bất quân bình nghiêm trọng cho nền tài chính thế giới, vàng sẽ được coi là nơi "ẩn trú" an toàn cho tài sản và giá sẽ còn vọt cao". Đó là nhận định của GS. Phạm Đỗ Chí, chuyên viên kinh tế tài chính tại Vientiane trong cuộc trao đổi với báo chí.
- Xin ông cho biết tóm lược các yếu tố cung cầu hay yếu tố "gây sốt" trong năm nay đã khiến giá vàng lên trên 380 USD/ounce vào cuối tháng 9 trên thế giới và hiện trên 7 triệu VND/cây.
- Về phần cung đã từ nhiều năm, giá vàng xuống dưới mức 300 USD/ounce, có lúc tới 250 USD/ounce và đã khiến các hãng sản xuất đóng cửa nhiều hầm mỏ có mức vốn sản xuất bình quân là 320-350 USD/ounce (tức trên giá bán thấp trước đây). Vì vậy, mức cung tổng thể đã giảm từ nhiều năm. Ngoài ra, còn có yếu tố ít được biết hơn là các ngân hàng trung ương trên thế giới đồng ý hạn chế số vàng bán ra mỗi năm là 400 tấn/năm. Về phía cầu, nhu cầu về nữ trang và sản xuất công nghệ vẫn tăng đều, do đó trên căn bản đã có bội cầu và làm giá tăng. Nhưng thật sự giá chỉ tăng vọt vì các yếu tố "đột xuất" như các căng thẳng vì chiến tranh Iraq, cơn sụt giá của đồng USD trong mấy tháng qua.
Riêng ở Việt Nam, giá vàng lúc trước thấp hơn giá vàng thế giới chút ít nay "bắt kịp lại" và nhảy vọt do một phần dân chúng bắt đầu tích trữ đầu tư hay các tay có "máu đầu cơ".
- Giá vàng đang tạm im trong tháng 10 để giảm dần xuống mức 300 USD/ounce hay sẽ tăng bộc phát trở lại vượt mức tâm lý quan trọng 400 USD/ounce?
- Không ai có thể tiên đoán chính xác biến chuyển của giá vàng, nhất là cho tương lai xa. Sau kỳ họp thượng đỉnh của APEC ở Bangkok tuần này, nếu áp lực của Hoa Kỳ thành công với Trung Quốc để cho tiền yuan (Nhân dân tệ) lên giá và kéo theo sự phá giá cùng lúc của USD với tiền EUR, yên và các đồng tiền châu Á, giá vàng có thể nhanh chóng vượt giá 400 USD/ounce trong thời gian ngắn. Nhìn xa hơn, có các yếu tố khác nhau gây phản ứng trái ngược trên giá vàng: Yếu tố quan trọng nhất là tỷ lệ lạm phát ở Mỹ và các nước công nghệ: các dự báo quốc tế đều cho biết lạm phát được kiểm soát chặt chẽ trong các quốc gia này. Các ngân hàng trung ương có thể can thiệp bằng cách tung vàng dự trữ bán ra hơn mức quy ước 400 tấn/năm như đã nói trên. Đây sẽ là yếu tố kìm giữ giá vàng hữu hiệu nhất để làm "chùn tay" các "trùm" đầu cơ.
Thêm vào đó, cũng do yếu tố trên, các ngân hàng trung ương, nhất là của Trung Quốc và các nước châu Á, có thể mua vàng thay USD trong khối ngoại tệ dự trữ của họ và gây thêm áp lực tăng giá vàng. Sau cùng với sự tham gia của các tay có "máu" nhảy vào đầu cơ, sẽ có thể xảy ra hiện tượng quả bong bóng cho cơn sốt vàng.
- Giáo sư nghĩ có nên mua bán vàng lúc này?
- Tôi tránh không muốn trả lời trực tiếp câu hỏi này với ý nghĩa thúc đẩy đầu cơ hay làm ăn "mánh". Tuy nhiên trong địa hạt tư vấn đầu tư, các chuyên viên hay khuyên nên giữ độ 5% tài sản bằng vàng hay bạch kim. Và nguyên tắc căn bản vẫn là "không để tất cả trứng vào trong một rổ".
- Theo ý đó, thưa Giáo sư, cho một người trung lưu có chút vốn đầu tư nên làm gì?
- Câu trả lời tuỳ theo hoàn cảnh cá nhân, nhất là mức độ chịu được rủi ro đầu tư (nói rõ hơn là thua lỗ) của mỗi người. Ngoài vàng như đã nói trên, có thể giữ ngoại tệ nhưng bớt đi USD và thay bằng EUR, các tiền mạnh của châu Á như tiền baht của Thái Lan hay đôla Singapore và nhất là tiền yuan của Trung Quốc. Điều sau này có lẽ sẽ dễ áp dụng nhất cho các ngân hàng có dự trữ ngoại tệ. Cho những ai có kiến thức hay điều kiện tham gia thị trường chứng khoán qua các trương mục ở ngoài nước, đây có lẽ là lúc tốt để mua các cổ phiếu châu Á như của Nhật Bản, Hongkong, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan... hay Australia (nhất là cổ phiếu của một số hãng có mỏ vàng bạc).
- Thế còn thị trường nhà đất nóng hổi của Việt Nam, không thấy Giáo sư nhắc đến?
- Chính vì cái "nóng hổi" đó mà làm tôi ngần ngại nhắc đến, dù đã có người giàu nhanh chóng trong mười mấy năm nay vì nhà đất. Tôi ở xa về nên không rõ lắm về khía cạnh này ở Việt Nam, nhưng nghe nói giá đất lên đến 30-40 cây/m2 trong nội thành của vài thành phố lớn của Việt Nam cũng "phát ớn", hơn cả giá bên Mỹ hay châu Âu. Nếu có nhu cầu nhà ở thì cái nhà đầu tiên vẫn là đầu tư với ưu tiên số một cần làm. Nhưng tung tiền để mua thêm nhà đất ở nội thành Hà Nội hay TP.HCM lúc này, theo ý kiến của tôi, là hơi liều. Tuy nhiên, ở vài khu vực ngoại vi gần thành phố đang được quy hoạch có bài bản với trung tâm thương mại, bệnh viện trường học và nhất là nếu giá đất còn hợp lý thì đây có lẽ vẫn là cơ hội tốt về địa ốc.
(Theo Thanh Niên) |