Quản lý, khai thác khoáng sản ở Yên Bái: Lỏng lẻo và bừa bãi
17:54' 21/10/2003 (GMT+7)

Mỏ đá núi Chuông.

Yên Bái là một địa phương có trữ lượng tài nguyên (nhất là các loại đá quý, đá vôi trắng chất lượng cao...) lớn của cả nước. Chủ trương của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Yên Bái là thu hút các thành phần kinh tế đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản. Tuy nhiên, việc quản lý, cấp phép khai thác tài nguyên thời gian qua ở Yên Bái lại khá lỏng lẻo và bừa bãi.  

"Linh động" trái luật

Theo "báo cáo kết quả kiểm tra hoạt động khai thác đá và ảnh hưởng của hoạt động này đến cảnh quan môi trường" của đoàn kiểm tra Cục Địa chất và Khoáng sản, trong số 4 đơn vị trên địa bàn tỉnh Yên Bái được kiểm tra thì có 2 đơn vị khai thác trên cơ sở giấy phép khai thác đá tận thu "chưa phù hợp với quy định của Luật Khoáng sản".

Đánh giá ảnh hưởng của hoạt động khai thác đến môi trường, báo cáo cho biết có đến 4/6 khu vực khai thác ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc ký quỹ để phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật cũng chưa được các đơn vị thực hiện...

Theo tìm hiểu sai phạm lớn nhất, chính là việc tỉnh Yên Bái có quyết định cho phép Công ty TNHH Hùng Đại Dương (trụ sở tại 84/1 Sương Nguyệt Ánh, quận 1, TP.HCM) khai thác đá cẩm thạch tại núi Chuông, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên. Ngày 19/6/2001, khi Công ty Hùng Đại Dương đến UBND tỉnh Yên Bái nộp hồ sơ và đơn xin cấp giấy phép khai thác tận thu đá cẩm thạch, Giám đốc Sở Công nghiệp Yên Bái (khi đó là ông Nguyễn Văn Ngọc) đã có văn bản từ chối việc cấp phép này, vì nó hoàn toàn trái với tinh thần của Luật Khoáng sản và Nghị định số 76/2000/NĐ-CP ngày 15/12/2000 của Chính phủ quy định chi tiết về việc thi hành Luật Khoáng sản (sửa đổi).

Cụ thể là, khu vực mỏ núi Chuông không nằm trong khu vực được Bộ Công nghiệp bàn giao cho UBND tỉnh Yên Bái cấp giấy phép khai thác tận thu. Tuy nhiên, đến ngày 29/9, lại vẫn chính Sở Công nghiệp Yên Bái đã có tờ trình số 60/TT-CN do Phó Giám đốc Dương Văn Xuyên gửi UBND tỉnh đề nghị cấp giấy phép khai thác tận thu khoáng sản cho Công ty TNHH Hùng Đại Dương. Sau đó, UBND tỉnh Yên Bái đã cấp giấy phép số 225/QĐ-UB cho phép Công ty TNHH Hùng Đại Dương được khai thác, chế biến đá cẩm thạch dạng khối tại mỏ núi Chuông, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên.

Phải thu hồi giấy phép

Theo ông Nguyễn Tiến Sơn, Sở Công nghiệp và UBND tỉnh Yên Bái khi đó đều biết việc cấp phép trên là hoàn toàn trái Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn kèm theo, nhưng vì mục đích thu hút đầu tư nên tỉnh đã "linh hoạt" (!). Để hợp pháp hoá việc đã rồi, UBND tỉnh Yên Bái đã liên tiếp có 4 công văn gửi Bộ Công nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị phê duyệt và bàn giao khu vực khoáng sản cho tỉnh tổ chức quản lý và cấp giấy phép khai thác tận thu, trong đó có khu vực núi Chuông. Tuy nhiên, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam không đồng ý.

Phó Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, ông Trịnh Xuân Bền, trong văn bản gửi UBND tỉnh Yên Bái còn nhấn mạnh: "Các khu vực đá vôi Yên Bái đều nằm trong vùng có triển vọng về đá vôi trắng (cẩm thạch) có chất lượng cao, trữ lượng lớn, nên nếu có nhu cầu khai thác đề nghị UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo các sở, ban, ngành hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tiến hành thăm dò, khai thác theo quy mô công nghiệp, không khai thác tận thu".

Được biết, toàn bộ diện tích mỏ núi Chuông nằm trong khu vực đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giao cho Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam nghiên cứu, khảo sát khai thác đá quý (với diện tích 1.460m2 tại khu vực Lục Yên, Yên Bái). Chiếu theo Luật Khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu mà UBND tỉnh Yên Bái đã cấp cho Công ty TNHH Hùng Đại Dương phải được thu hồi ngay lập tức.

Theo Điều 70, Nghị định số 76/2000/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Luật Khoáng sản, ngoài việc bị thu hồi giấy phép thì Công ty TNHH Hùng Đại Dương còn phải di chuyển toàn bộ tài sản của mình ra khỏi khu vực khai thác, phục hồi môi trường, đất đai...

(Theo Lao Động)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thêm 3 nước châu Á mua hàng thuỷ sản của Cần Thơ (21/10/2003)
10 tháng: Trên 2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (21/10/2003)
Các nhà máy chế biến thuỷ sản đang thừa công suất (21/10/2003)
Triển lãm công nghiệp gỗ quốc tế tại Việt Nam 2003 (21/10/2003)
Thủ tướng sẽ chỉ thị tháo gỡ khó khăn thực hiện Luật DN (21/10/2003)
''Thị trường vốn trầm lắng và thiếu linh hoạt'' (21/10/2003)
Thu hồi hạn ngạch dệt may của 12 DN (21/10/2003)
Việt Nam được du khách “balô" trẻ ưa chuộng nhất thế giới (21/10/2003)
Giá bông nhập khẩu tăng 55% (21/10/2003)
Việt Nam, Thái Lan hợp tác về thông báo giá gạo (21/10/2003)
Ký gói thầu tư vấn giám sát quản lý dự án lọc dầu Dung Quất (21/10/2003)
Lã Thị Kim Oanh đã được các quan chức tiếp tay như thế nào? (21/10/2003)
Quy định mới của Hoa Kỳ đối với lương thực nhập khẩu (21/10/2003)
Hơn 1.500 tỷ đồng xây dựng Nhà máy Xi măng Sơn La (21/10/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang