|
Các sản phẩm gỗ mỹ nghệ tại Hội chợ Triển lãm Expo 2003 tổ chức tại TP.HCM rất được khách hàng nước ngoài ưa chuộng. |
Các DN chế biến gỗ Việt Nam phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, không đủ năng lực đáp ứng các đơn hàng lớn. Hơn nữa, DN Việt Nam chưa chú trọng đầu tư cho mẫu mã, các hợp đồng phần lớn là hàng gia công theo mẫu mã của đối tác nước ngoài và tình trạng sao chép mẫu mã lẫn nhau vẫn còn phổ biến. Đó chính là những nguyên nhân làm sản phẩm xuất khẩu Việt Nam giảm giá trị gia tăng và vẫn "dậm chân" ở thị trường cấp thấp.
Việt Nam đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu đồ gỗ...
Năm 2000, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ cả nước là 219 triệu USD, năm 2002 con số này tăng rất nhanh, đạt gần 500 triệu USD. 8 tháng đầu năm 2003, theo thống kê của Bộ Thương mại, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ tăng 41,6% so với cùng kỳ 2002. Ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ đã được chọn là ngành xuất khẩu chủ lực của cả nước vì sự phát triển nhanh chóng trong thời gian qua.
Tuy chỉ chiếm tỷ trọng 2,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành đứng thứ ba cả nước. Vừa qua, tập đoàn nhập khẩu lớn IKEA của Thụy Điển đánh giá Việt Nam là quốc gia xuất khẩu sản phẩm gỗ đứng thứ 3 trên thế giới, sau "đại gia" Trung Quốc và Thái Lan. Gỗ Việt Nam đã xây dựng được những thị trường quen thuộc như châu Âu, Nhật và một số nước châu Á khác, là những khu vực tiêu thụ đồ gỗ mạnh trên thế giới.
Gần đây, các DN chế biến gỗ Việt Nam đã mở được thị trường Mỹ, tuy kim ngạch xuất khẩu còn thấp nhưng triển vọng phát triển rất lớn. Từ đầu năm đến nay, Mỹ đã nhập khẩu một số lượng đồ gỗ Việt Nam trị giá 98 triệu USD. Bà Kat Callo, Giám đốc Công ty Tư vấn Rosetta (Anh), cho biết khuynh hướng của châu Âu là sử dụng đồ gỗ gia dụng của châu Á. Chỉ tính riêng ở Anh, 50% sản phẩm gỗ có nguồn gốc châu Á. Do chi phí sản xuất, kinh doanh đồ gỗ ở EU cao nên tỷ lệ nhập khẩu đồ gỗ ở EU cao so với xuất khẩu, và tỷ lệ này ngày càng tăng. Tình hình đó mở ra tương lai sáng cho đồ gỗ Việt Nam.
Ông Võ Trường Thành, Tổng giám đốc Công ty Trường Thành, cho biết: Các DN chế biến gỗ Việt Nam hiện nay đang hiện đại hóa nhà máy và sản xuất. Từ việc làm bằng tay là chính đến nay đã đưa máy móc vào sử dụng. Từ chỗ sản phẩm đạt tiêu chuẩn tối thiểu đến nay sản phẩm có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn của Anh, Mỹ, Nhật... Khả năng tiếp thị của mặt hàng gỗ Việt Nam ra nước ngoài cũng có nhiều cơ hội do xu hướng các nhà nhập khẩu nước ngoài mua sản phẩm trực tiếp từ các DN mà không qua các nhà thương mại trung gian.
Các hợp đồng phần lớn là hàng gia công
Bà Kat Callo cho biết: Tuy là hai nhà xuất khẩu sản phẩm gỗ lớn trên thế giới nhưng Việt Nam và Trung Quốc đang chia nhau thị trường ở cấp thấp nhất, sản phẩm bình dân giá rẻ. Việt Nam mạnh ở mặt hàng ngoài trời, vòng đời sản phẩm ngắn, số lượng tiêu thụ nhiều nhưng giá trị gia tăng thấp. Mặt khác, sản phẩm cồng kềnh nên phí vận chuyển cao, góp phần giảm lợi nhuận. Ông Thành cho rằng: Các nhà sản xuất Việt Nam đang mất dần lợi thế giá lao động rẻ, chi phí nhập khẩu nguyên liệu tăng và phải mua nguyên liệu ở xa hơn.
Thành viên của tập đoàn gỗ AA cho biết: UBND TP.HCM đã cấp một khu đất 45ha cho Hiệp hội Chế biến gỗ và Thủ công mỹ nghệ TP.HCM xây dựng khu sản xuất tập trung. Các DN sẽ có nơi mở rộng sản xuất, đáp ứng những đơn hàng lớn.
(Theo NLĐ) |