Cá tra vay mượn thương hiệu cá basa
07:43' 28/10/2003 (GMT+7)
Có thể gọi tên chung cho cá da trơn Việt Nam là basa?

(VietNamNet) - Chuyện ông chủ tịch UBND tỉnh An Giang gửi công văn đến bộ Thủy sản, NN-PTNT, Thương mại, KHCN, Tư pháp... một mặt, để bảo vệ uy tín cho cá basa; mặt khác,  là để "phục hồi nhân phẩm" cho cá tra đã gây ngạc nhiên lớn. Thực tế đến bây giờ nhiều người mới được biết hiện chỉ có 5.000 tấn cá basa, còn tới 100.000 tấn cá tra và đây là nguồn xuất khẩu chủ lực. Phần lớn sản phẩm hiện bán tại thị trường nội địa cũng là  cá tra.

Cá tra và basa đều được tìm thấy tại hạ nguồn sông Mekong. Vào độ tháng 4, cá tra lại bơi ngược dòng về Biển Hồ (Campuchia), còn cá basa thường ngược dòng xa hơn, về tận vùng Păcxế (hạ Lào) là nơi có điều kiện sinh thái thích hợp để sinh sản. Sau khi nở, cá bột xuôi dòng về hạ lưu. Trước đây, người dân Châu Đốc (An Giang), Đồng Tháp vớt cá tra, basa bột để nuôi trong ao hoặc bè. Hiện nay, chúng ta đã chủ động cho việc nhân tạo hai loài cá này. Ông Trần Hữu Phú, Tổng Thư ký Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thuỷ sản An Giang, cho biết, hiện cá basa cũng chủ yếu được nuôi tại An Giang và huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp).

Theo tài liệu của Dự án Cá da trơn châu Á, hiện có khoảng 9 loài thuộc giống cá Tra, được tìm thấy ở Việt Nam, trong đó có cá tra (tên khoa học là P. hypohthalmus); basa (P. bocourti), cá bông lau (P. krempfi), cá hú (P. conchophilus). Trong đó, cá tra cho hiệu quả nuôi và hiệu suất chế biến cao nhất. Về kỹ thuật, cơ thịt cá tra dễ tạo độ quét dính dạng nhũ tương hơn, thích hợp để làm các sản phẩm giá trị gia tăng (chả cá, cá viên, lạp xườn cá... ).

(Tạp chí Thương mại Thuỷ sản, số 10/2003)

 

Việc lấy tên "basa" rất dễ nhớ và thuận miệng để gọi chung cả nhóm cá da trơn nuôi tại khu vực ĐBSCL, gồm nhiều loài, thuộc giống có tên khoa học chung là Pangasius (đều gọi là cá tra), đã được Câu lạc bộ Basa Việt Nam thống nhất từ năm 2001, vào lúc Mỹ cấm chúng ta sử dụng tên "catfish". Sau vụ kiện chống bán phá giá đầy tai tiếng của Mỹ, tên gọi "basa" bỗng nổi danh trên thế giới. Do đó, một số DN Việt Nam muốn đồng hóa tên gọi cá tra thành cá basa để tăng giá trị xuất khẩu. Thậm chí, ông Nguyễn Minh Nhị, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, còn dẫn chứng, gần đây, khi tập đoàn M. đến địa phương làm việc, chúng ta chào hàng cá basa thì họ chê đắt, rồi đưa cá tra thịt vàng (nuôi hầm) để so giá với cá basa và từ chối mua... Với cung cách làm ăn như vậy, trong thời buổi hội nhập, thì chỉ tiếp tục làm cho Việt Nam bị mất uy tín trên thương trường.

 

Hiện tượng lạm dụng tên tuổi của một sản phẩm có giá trị như thế là đã đến mức báo động. Trao đổi với PV VietNamNet, ông Bửu Huy, Giám đốc Công ty XNK Nông sản thực phẩm An Giang (Afiex) cũng cho biết, gần đây, ông cũng đã thấy hiện tượng này rất phổ biến đối với sản phẩm cá tra, basa, được bày bán trong các siêu thị tại TP.HCM. Ở Hà Nội, tình trạng này cũng không hiếm, khi chính một tiểu thương chợ Quan Hoa (Cầu Giấy) bán cá tra sống (có thể là được nuôi tại Hà Nội) khăng khăng với PV VietNamNet rằng, đó là cá basa chính hiệu! Dĩ nhiên, đi kèm việc lạm dụng tên cá là việc “đánh lận” cả giá bán.

 

Trên thực tế, bị cáo chủ chốt trong vụ kiện cá tra, basa là cá tra thịt trắng, chứ không phải là cá basa. Hơn 90% cá tra thịt trắng (so với hơn 1% cá basa) đã và đang xuất đi nhiều thị trường dưới tên gọi Mekong Basa, Hypo Basa... Một điều tất yếu nữa, theo ông Bửu Huy, là phần lớn cá tra hiện đã được nuôi trong bè, đặt tại dòng nước sông Mekong. Dòng nước thay đổi liên tục, lượng ôxi lớn, thức ăn bị cuốn trôi, lại không bị cảnh ao tù nước đọng, nên thịt cá trắng, thơm hơn. Thậm chí, cơ thịt cá cũng rất săn chắc nhờ cá thường xuyên "tập thể dục" trong dòng nước ngược. Cá tra cũng được nuôi trong ao, và loại cá này thường cho thịt màu vàng do bị hãm trong ao tù nước đọng, nguồn nước không luân chuyển, ít ôxi. Song, nuôi bè hay nuôi ao, yếu tố quan trọng dẫn đến giá thành cá nguyên liệu cao hay thấp là do mức độ đầu tư khác nhau. Thông thường, giá cá tra nuôi bè thường cao hơn 2.000-3.000 đồng/kg so với cá nuôi ao.

 

Như vậy, lý do chính khiến DN đánh lận tên cá tra và basa, một mặt, do giá cá basa, cá tra thịt trắng cao hơn; mặt khác, do tâm lý người tiêu dùng nội địa, vốn nghĩ là loài cá này được nuôi trong môi trường không sạch (ao tù đọng, thịt vàng và hôi mùi bùn). Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, 80% cá tra đã được nuôi tại bè. Bên cạnh đó, nếu để xuất khẩu, thì chính người tiêu dùng Mỹ cũng chỉ so sánh filê catfish của họ với filê đông lạnh cá tra thịt trắng của Việt Nam. Filê đông lạnh cá basa chỉ là chuyện cá biệt.

 

Theo ý kiến của lãnh đạo một DN, filê cá tra thịt vàng hay trắng, hay filê cá basa đều có thị trường riêng và giá riêng, chênh nhau chỉ 1-2 USD/kg. Người mua - kẻ bán trên thị trường đều hiểu rõ giá trị thương phẩm và nhóm khách hàng của họ. Do đó, vấn đề không phải dùng cá tra để đánh lừa người mua là cá basa, mà chính là khách hàng đặt cá basa hay cá tra thịt trắng với giá cao, thì DN, người bán lại đi trộn lẫn với cá tra thịt vàng. Theo vị lãnh đạo DN này, cái gốc là cá tra trắng vàng lẫn lộn là do vài DN không đủ bình tĩnh, nhịn một bước để hòa nhịp với cái tiến chung.

 

Nếu catfish là tên gọi mà người Mỹ coi là đặc quyền cho cá nheo thuộc họ Ictaluridae tại thị trường Hoa Kỳ, sardine được người Pháp ưu ái gọi chung cho nhóm cá trích của họ tại châu Âu, thì tại sao Việt Nam không dùng basa là tên gọi đặc quyền cho nhóm cá da trơn Pangasius của Việt Nam. Một tên gọi thuần Việt, là đặc sản do người Việt nuôi, đã từng nổi tiếng, thì rất dễ mang lại hiệu quả cao cho người nuôi và DN.

  • Hà Yên

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thêm hy vọng cho chất lượng công trình xây dựng (27/10/2003)
Áp dụng mô hình chuyên viên trực tuyến tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (27/10/2003)
Giá tân dược tăng mạnh do sản xuất trong nước trì trệ? (27/10/2003)
Thị trường nhà ở cho thuê, bao giờ mới có? (27/10/2003)
Ngừng nhập khẩu bò Australia về các tỉnh ĐBSCL (27/10/2003)
Chính phủ rà soát và tổng kết Luật Doanh nghiệp (27/10/2003)
Hà Nội mở chợ phiên giống vào các ngày Chủ nhật (27/10/2003)
Một lô đất được trả giá 46,5 triệu đồng/m2 (27/10/2003)
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 giảm 0,2% (27/10/2003)
Đà Nẵng quy hoạch bán đảo Sơn Trà để phát triển du lịch (27/10/2003)
Công chức, cán bộ cấp xã được hưởng lương từ ngân sách (27/10/2003)
Mở rộng thực hiện hoán đổi giá cả hàng hoá (27/10/2003)
Sắp xếp DN nhà nước: Chớ nên “ép mẹ, ép con”! (27/10/2003)
TP.HCM: 10 năm chỉ có một đợt kiểm tra xăng dầu (27/10/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang