|
Những cỗ xe máy thiết bị nằm "thất nghiệp". |
(VietNamNet) - Trước tình trạng "đuối sức", khiến công trình nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 16 Biên Hòa - Đồng Nai, bị chậm trễ, kéo dài, Công ty 584 đã đề xuất Ngân hàng cho phép được cầm cố quyền khai thác để lấy vốn thực hiện tiếp. Nếu đề xuất này được chấp nhận thì đây là giải pháp tháo gỡ chưa từng có trong các dự án đầu tư theo phương thức BOT (đầu tư, thi công và khai thác) tại Việt Nam.
Khởi công từ tháng 4/2001, dự án sửa chữa nâng cấp Tỉnh lộ 760, nay là tỉnh lộ 16, với chiều dài 9,6km, giá trị xây lắp khoảng 70 tỷ đồng (riêng phần đền bù giải tỏa cho 1.411 hộ dân với kinh phí khoảng 100 tỷ đồng, đã được chính quyền địa phương đảm nhiệm chu đáo), lẽ ra đã phải hoàn tất vào cuối năm 2002, vậy nhưng đến nay vẫn dang dở.
Ngổn ngang, dang dở công trình
Từ Quốc lộ 1A rẽ vào ngã ba Tân Vạn, qua khỏi khu du lịch Hồ Bình An, thuộc khu vực xã Hóa An, TP. Biên Hòa, là đã chạm mặt ngay cây cầu tạm chật hẹp, có giới hạn tải trọng chỉ bằng những cây cầu nông thôn (5- 8 tấn). Từ cây cầu này trở đi là cả một đoạn đường thi công dở dang, nền đá lởm chởm. Ngày mưa đường nhếch nhác lầy lội, ngày nắng đường mịt mù bụi bặm. Giữa nền đường ngổn ngang, ông Phan Văn Sáu - một người dân ở phường Tân Vạn, chỉ vào bãi đất trống tập kết những ống cống thoát nước, lắc đầu ngao ngán: "Con đường này từ khi nâng cấp sửa chữa còn tệ hại hơn! Nhiều lần người dân lên tiếng đều được nhà thầu hứa. Mới vừa rồi, họ lên TV nói rằng đầu tháng 9 sẽ hoàn thành. Vậy bây giờ là tháng mấy rồi? Cuối năm nay chắc cũng chưa xong, vì họ có làm gì đâu!?".
Thế chấp quyền khai thác
|
Thiếu thiết bị thi công mố cầu Thủ Huồng, chỉ có máy bơm là “hiện đại” nhất! |
Công trình thi công cầm chừng như thế, bao giờ xong? Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Công ty 584, ông Hoàng Đức Hậu không một chút giấu diếm: "Thật sự chúng tôi không đủ vốn thi công, công trình ngưng trệ vì phải chờ ngân hàng tiếp ứng". Nhưng vì sao không đảm bảo về vốn, mà đơn vị vẫn đảm nhận? Ông Hoàng Đức Hậu lý giải: "Hầu như các công trình BOT nào cũng vậy. Phía chủ đầu tư phải chi 30% trên tổng giá trị công trình để trang trải chi phí nhân công, thiết bị. Còn lại 70% là vốn vay ngân hàng. Riêng tình hình tài chính của Cienco 5 hiện nay, thật sự là nợ ngân hàng khá nhiều, nhưng các công trình trên cả nước cũng còn nợ lại Cienco 5, do đó mất cân đối. Có điều thiệt thòi là nợ của chúng tôi với ngân hàng thì phát sinh lãi. Còn nhiều đơn vị nợ chúng tôi cứ ì ra đó".
Cũng theo ông Hậu để hoàn tất công trình này, ngoài những hạng mục kinh phí đầu tư mua dầm cầu khoảng 4 tỷ đồng, riêng phần thảm nhựa bê tông mặt đường (hai lớp) suốt chiều dài toàn tuyến phải cần đến khoảng 25 tỷ đồng. Nhưng đến giờ phút này, phía chủ đầu tư không có khả năng. Để tháo gỡ khó khăn, phía chủ đầu tư và cơ quan chủ quản là Cienco 5 đang thảo luận với các ngân hàng tài trợ để ký hợp đồng cầm cố quyền khai thác thu phí dự án BOT. Theo ông Hoàng Đức Hậu, đây là giải pháp cứu vớt cho công trình, chưa hề có tiền lệ và có nhiều khả năng được chấp thuận. Nhưng, cho dù thế nào chăng nữa, vấn đề chính yếu là làm thế nào để hoàn thành công trình, không để người dân phải chịu đựng cảnh nắng bụi, mưa lầy; cầu đường ách tắc kéo dài như hiện nay…
|