|
Doanh nghiệp nước ngoài tại Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu - một trong những “kênh” xúc tiến cho hàng Việt Nam. |
Giám đốc một doanh nghiệp trẻ hân hoan thông báo: "Cơ hội làm ăn bây giờ ở trên… mạng. Chỉ cần năng động và kiên trì, các doanh nghiệp tư nhân nhỏ cũng tìm kiếm được những hỗ trợ cụ thể từ các tổ chức xúc tiến thương mại".
Đi "săn" các chương trình hỗ trợ
Giám đốc Công ty TNHH Hoa Lâm cho biết, chị đăng ký sinh hoạt ở tất cả các tổ chức hội ngành nghề, trung tâm hỗ trợ DN như: VCCI (Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam), ITPC (Trung tâm Xúc tiến thương mại, đầu tư TP.HCM), Vietrade (Cục Xúc tiến Bộ Thương mại), bởi qua đó, chị chẳng những cập nhật thường xuyên thông tin thị trường cần thiết, mà còn có cơ hội tham gia một số đoàn DN đi tìm kiếm thị trường "ăn theo" các chuyến công tác của Chính phủ.
Theo chị, đây là những dịp hiếm hoi có thể gặp gỡ đối tác lớn, có uy tín và bàn những kế hoạch hợp tác với sự hỗ trợ của Chính phủ. Hai năm qua, theo chân các đoàn xúc tiến của lãnh đạo trung ương, lãnh đạo thành phố, không ít DN đã tìm được nhiều hợp đồng lớn. Công ty Tấn Hưng sau chuyến đi xúc tiến thị trường Mỹ (tháng 10/2002) với lãnh đạo TP.HCM đã có những hợp đồng xuất khẩu ổn định gạo, tiêu, nấm rơm, nấm đông cô vào thị trường Mỹ hàng tháng; Công ty Vạn Đạt xuất khẩu hơn 350.000 USD sản phẩm nhựa vào Mỹ; công ty Cầu Tre mở rộng thị trường tiêu thụ trà từ Los Angeles, Seatle sang New York…
Một tín hiệu đáng mừng là phong trào xúc tiến thương mại đang lan rộng và diễn ra sôi động ở hầu khắp các địa chỉ: từ cơ quan xúc tiến chuyên nghiệp đến các hiệp hội, các sở, ngành. Nhờ vậy, các DN trên mọi lĩnh vực, nhất là khối DN tư nhân nhỏ đều có thể tìm kiếm cho mình một cơ hội chào hàng ra nước ngoài bằng kinh phí hỗ trợ.
Trong khối DN trẻ, tư nhân, những DN không có thế mạnh về vốn đã hình thành phong trào lên mạng "săn" thông tin. Chị Phan Thị Thu Thủy, Giám đốc Công ty Mỹ nghệ VNV, một công ty mới ra đời được 2 năm nói rằng, nhờ "siêng" vào mạng của các cơ quan xúc tiến, năm ngoái sản phẩm mỹ nghệ bằng gỗ cao su của VNV đã vào được thị trường Nhật nhờ chuyến đi hội chợ do Jetro (Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản) tài trợ.
Còn năm nay, VNV chuẩn bị đi hội chợ hàng nội thất quốc tế tại Nhật tháng 11 tới nhờ vào sự tài trợ của Vietrade, đi hội chợ Singapore đầu năm tới với sự tài trợ của VCCI. Thật ra, chỉ cần năng động, siêng truy cập vào mạng, chịu khó liên hệ thường xuyên với các tổ chức xúc tiến, các DN cũng đã tìm được không ít cơ hội làm ăn.
Nhiều cơ hội mới cho 2004
Khó có thể tính hết TPHCM có bao nhiêu địa chỉ xúc tiến. Ít tiền thì tìm đến các tổ chức nhà nước như VCCI, Vietrade, ITPC, Jetro, Eurocham. Có khả năng hơn, có thể tìm đến thị trường Đức với chương trình chào hàng qua mạng và giới thiệu hàng vào Đức qua Trung tâm Trưng bày giới thiệu hàng hóa của Viet Euro, một công ty chuyên tư vấn xúc tiến vào thị trường Đức của một Việt kiều Đức. Cuối năm nay, các DN Việt Nam còn có thể "đánh" hàng vào Praha, Cộng hòa Séc qua Trung tâm trưng bày Viet House do Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Séc phối hợp Hội DN trẻ Việt Nam tổ chức.
Sở Thương mại TP.HCM, qua Công ty Xuất nhập khẩu TDA Trading, Inc (TDA) trụ sở tại California cũng đã tổ chức đưa thử hàng thực phẩm chế biến của các DN Việt Nam vào hệ thống siêu thị Albertsons, hệ thống siêu thị lớn thứ 2 ở Mỹ, với 2.300 siêu thị rải khắp nước Mỹ. Các mặt hàng được đưa vào đợt này gồm: đậu phộng Tân Tân, mì ăn liền Colusa, bánh tráng Sofaco, bánh kẹo Vinabico - Kotobuki, cà phê Trung Nguyên, trà Cầu Tre, nước mắm Liên Thành, nước tương Thanh Long. ITPC và Sở Thương mại cũng đang khởi động các hội chợ hàng Việt Nam tại Lào, Campuchia…
Có một sự chuyển động rất rõ, đó là một năm gần đây, các hoạt động xúc tiến thương mại do các trung tâm xúc tiến nhà nước tổ chức đã không còn kiểu ưu tiên riêng cho DN quốc doanh như trước. Ai năng động, ai thật sự có nhu cầu và qua được các đợt kiểm tra, đều có thể kiếm được một suất đi chào hàng hội chợ nước ngoài với phần hỗ trợ dao động tùy chương trình khoảng 50-95% từ ngân sách.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế, trong phong trào ngành ngành làm xúc tiến, các hoạt động xúc tiến của ta chỉ mới dừng ở mức lẻ mẻ, manh mún, các hoạt động xúc tiến chưa đa dạng, đơn thuần chỉ là hội chợ, triển lãm, tìm hiểu thị trường. Các dự án thành lập trung tâm giới thiệu hàng Việt Nam, cách tiếp thị sâu rộng cho thương hiệu Việt Nam tại nước ngoài vẫn là những kênh tiếp thị chưa được khai thông, dù Chính phủ đã thông qua chủ trương khá lâu.
Các DN đang rất nóng lòng đón chờ những cơ hội mới: dự án Trung tâm giới thiệu hàng hóa Việt Nam ở Dubai, Nga, Hoa Kỳ của Vietrade; dự án Nhà Việt Nam ở Singapore, Hoa Kỳ của TP.HCM.
Theo Cục Xúc tiến thuộc Bộ Thương mại (Vietrade), mỗi năm Chính phủ chi cho ngân sách xúc tiến khoảng 0,25% kim ngạch xuất khẩu (trừ dầu thô), tức khoảng 450 tỷ đồng/năm. Năm 2003 là năm đầu tiên có chương trình xúc tiến trọng điểm cấp quốc gia với 182 đề án thuộc 52 đơn vị, tổng chi khoảng 203 tỷ đồng. Vietrade cũng đã hỗ trợ cho 113 chương trình đi hội chợ, khảo sát thị trường của các tổ chức hiệp hội, doanh nghiệp. Vietrade cũng đã có thông báo có thể hỗ trợ 50% chi phí mua thông tin từ nước ngoài cho các hiệp hội ngành hàng, Bộ Thương mại cũng đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đi mở văn phòng ở các nước, nhất là các thị trường trọng điểm: Hoa Kỳ, EU. |
(Theo SGGP)
|