|
Các phụ kiện máy tính trên thị trường đã giảm giá khoảng 5% kể từ 1/7. |
Hai tháng sau khi áp dụng biểu thuế mới giảm 5% thuế suất thuế nhập khẩu cho linh kiện máy tính, giá các loại linh kiện trên thị trường đã giảm tương ứng. Hiện nay, giá của một máy tính lắp ráp từ linh kiện rời, với cấu hình Pentium IV 1.8GHz, ổ cứng 20GB khoảng 370 USD. Nếu muốn trang bị thêm các phụ kiện như webcam, tai nghe, loa... người tiêu dùng phải chi thêm khoảng 100 USD nữa.
Do vậy, nhiều người thường chọn mua máy đã qua sử dụng, vừa được xài hàng hiệu, giá rẻ hơn 20-30%. Cũng có người mua các linh kiện đã qua sử dụng để "dựng máy". Lúc này, giá một chiếc máy tính khoảng 2 triệu đồng, nhưng cấu hình rất thấp, thường thì chip Pentium II tốc độ 333MHz, 32MB RAM, ổ cứng 3,2GB. Tuy đáp ứng nhu cầu cơ bản về sử dụng tin học văn phòng, nhưng loại máy lắp từ đồ cũ không ổn định. Một rủi ro khác là linh kiện thay thế không có nhiều.
Các phụ kiện máy tính trên thị trường hiện nay khá đa dạng về chủng loại và gần như giá nào cũng có hàng. Hai mặt hàng có giá rẻ và thường phải thay thế nhiều là bàn phím và chuột. Bàn phím máy tính hiện có giá 3,5-17 USD. Nhìn qua, loại bàn phím ViBird 5126T do Trung Quốc sản xuất cũng không đến nỗi nào. Thử nghiệm gõ thử, các phím cũng nhạy và dễ đánh, tuy nhiên loại hàng này bán không được chạy lắm do tâm lý "tiền nào, của nấy" của người mua. Chuột máy tính có giá 1,5-19 USD, riêng loại chuột quang Logitech không dây giá đến 60 USD. Loại chuột rẻ nhất là E-Machines, giá 1,5 USD. Ngoài hai mặt hàng này, modem kết nối Internet gắn trong cũng rất rẻ. Loại modem gắn trong V90, dành cho mainboard Intel 810 có giá 0,5 USD, một mức giá có thể gọi là rẻ như cho.
Có nhiều cách lý giải về việc giá linh kiện máy tính giảm. Nguyên nhân đầu tiên là do tác động của việc giảm thuế nhập khẩu linh kiện. Theo ghi nhận của chúng tôi, các linh kiện máy tính giá rẻ có trên thị trường Việt Nam chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Với lợi thế cạnh tranh về giá nhân công, sản xuất công nghiệp nên các linh kiện sản xuất tại Trung Quốc có giá rẻ hơn so với hàng cùng loại của Ðài Loan, Hàn Quốc.
Một vị giám đốc công ty tin học đưa ra cách lý giải khác về linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo ông, hàng có xuất xứ từ Trung Quốc được chia thành hai loại, hàng chợ và hàng công ty. Loại hàng công ty có chất lượng ổn định, độ tin cậy cao, giá không chênh nhiều so với hàng Ðài Loan hay Hàn Quốc. Nhiều đơn vị nhập khẩu thường đặt hàng chợ do giá rẻ nhưng chất lượng không ổn định. Thường thì chất lượng hàng chợ sẽ tỷ lệ nghịch với số lượng đơn hàng, nhất là khi đặt hàng gấp, số lượng lớn. Vị giám đốc này hiện đang "ôm" cả ngàn bàn phím mang nhãn hiệu một hãng tên tuổi của Hàn Quốc, được sản xuất tại Trung Quốc. Với giá chưa tới 3 USD, loại bàn phím này dùng không quá 5 tháng thì bị chai phím, nên khách hàng trả lại. Theo ông, lợi nhuận từ kinh doanh loại hàng chợ cao hơn nhiều so với hàng công ty vì giá bán chỉ thấp hơn hàng công ty một chút.
Theo cách tính của vị giám đốc này, giá đặt hàng linh kiện "hàng chợ” của toàn bộ một máy Pentium IV tốc độ 1.8GHz vào khoảng 200 USD, rẻ gần một nửa so với giá lắp ráp "hàng công ty". Thí dụ, mainboard hàng chợ có giá khoảng 35 USD, trong khi giá hàng hiệu là 65 USD. Với kiểu "vàng thau lẫn lộn" như vậy, người tiêu dùng cần thận trọng khi mua hàng.
(Theo SGTT)
|