Kiểm tra thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế:
Tổng cục Du lịch đang làm khó các doanh nghiệp
17:46' 31/10/2003 (GMT+7)

Hướng dẫn viên du lịch đang hướng dẫn khách du lịch tại trung taamTP.HCM

Hơn 100 hướng dẫn viên du lịch quốc tế đang công tác tại các công ty du lịch ở TP.HCM đã đồng loạt ký tên vào bản kiến nghị tập thể gửi Tổng cục Du lịch và Sở Du Lịch TP.HCM. Đây là “phản ứng” phát sinh từ đợt kiểm tra thẻ hướng dẫn viên đang được ngành du lịch triển khai 2 tuần qua.

Chưa dạy đã phạt?

Nội dung lá đơn kiến nghị tập trung vào hai vấn đề. Một là đề nghị Tổng cục tạm thời hoãn việc thanh tra thẻ hướng dẫn viên đến cuối tháng 12/2003. Hai là kiến nghị Tổng cục tạm thời nới lỏng tiêu chuẩn cấp thẻ đối với các hướng dẫn viên thuộc các ngoại ngữ hiếm như: Đức, Italia, Tây Ban Nha, và nhóm hướng dẫn viên tiếng Pháp đã lâu năm lớn tuổi, mới có bằng C tiếng Pháp, chưa có bằng cử nhân như quy định.

Vì sao có lá đơn kiến nghị tập thể này? Anh T, hướng dẫn viên tiếng Pháp của Công ty Vidotour cho biết, từ tháng 12/2001, Tổng cục quy định các hướng dẫn viên không tốt nghiệp đại học chuyên ngành du lịch muốn được cấp thẻ phải có thêm bằng chứng chỉ nghiệp vụ du lịch và chứng chỉ ngoại ngữ du lịch (nếu không tốt nghiệp đại học ngoại ngữ) nhưng nay, Tổng cục Du lịch vẫn chưa xác định trường nào đào tạo .

Thật ra, ở thành phố có rất nhiều trường đào tạo nghiệp vụ du lịch nhưng Tổng cục lại yêu cầu chỉ những trường đào tạo do Tổng cục chỉ định thì bằng cấp mới được công nhận. Mãi đến tháng 5/2003, tức gần một năm rưỡi sau ngày ban hành quy định thẻ hướng dẫn viên, Tổng cục mới công bố danh mục 7 trường đại học được phép đào tạo. Cả phía Nam chỉ có 3 trường lọt vào danh sách, đó là ĐH Kinh Tế, ĐH Văn Lang, ĐH Hùng Vương, nhưng đến nay mới có ĐH Kinh tế mở lớp đầu tiên (6-2003) còn Hùng Vương và Văn Lang chưa xong thủ tục! Đây là lý do vì sao nhiều hướng dẫn viên ở thành phố muốn được chấp hành “pháp luật” để được cấp thẻ nhưng đến nay vẫn chưa có thẻ!

Tự làm khó mình

Công ty Du lịch Apec có 100 hướng dẫn viên nói tiếng Nhật, nhưng mới có 20 người được cấp thẻ. Khách đang vào rất đông, mỗi tuần gần cả nghìn khách Nhật, nên biết phạt cũng vẫn phải hướng dẫn khách đi, và kết quả là Apec bị phạt đến 13 triệu đồng! Giám đốc Apec than thở: “Vừa mới thoát được mấy tháng khủng hoảng, doanh thu chưa được bao nhiêu đã bị phạt”.

Cung cách phạt của đội ngũ thanh tra hiện nay chẳng những làm gián đoạn thời gian của khách mà còn gây cho khách những hình ảnh, ấn tượng không đẹp về đội ngũ hướng dẫn viên, về bộ mặt ngành du lịch Việt Nam. Điều đáng nói là hậu quả của kiểu “phạt khi chưa cắm xong biển báo” này làm đội ngũ hướng dẫn viên hoang mang, còn các công ty du lịch lo lắng vì sẽ đội thêm phí. Riêng ở TP.HCM, 100% công ty lữ hành quốc tế đều rơi vào tình trạng: còn nhiều hướng dẫn viên chưa có thẻ.

Theo Sở Du lịch, TP hiện có hơn 1.200 hướng dẫn viên nhưng mới có 413 người được cấp thẻ. Mỗi năm, thành phố đón hơn 240.000 du khách Nhật, hơn 105.000 khách Hàn Quốc nhưng chỉ có 21 hướng dẫn viên tiếng Nhật có thẻ. Các tiếng khác như Tây Ban Nha, Italia, Đức đều thuộc vào hàng quý hiếm, tìm được người phiên dịch thông thạo đã là may, làm sao đòi hỏi họ có thẻ ngay trong một thời gian ngắn với kiểu đào tạo cấp thẻ khó khăn và chậm trễ như trên.

Các công ty du lịch còn rơi vào một khó khăn khác, đó là số hướng dẫn viên có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, có bằng C ngoại ngữ nhưng chưa có bằng cử nhân, sẽ phải xoay xở như thế nào để được cấp thẻ, khi ngành giáo dục đào tạo nước ta chưa có hệ đào tạo tại chức trình độ cử nhân các ngoại ngữ Pháp, Đức, Tây Ban Nha? Chẳng lẽ cho họ chuyển nghề khác khi đội ngũ hướng dẫn viên đang rất thiếu và người giỏi nghề còn khá mỏng?

Bức xúc trước tình trạng này, không chỉ có lá đơn kiến nghị của 100 hướng dẫn viên, một số công ty du lịch cũng vào cuộc với đủ mọi kênh kiến nghị. Có công ty đề nghị giải pháp cho công ty làm đơn bảo lãnh, cho thời gian để hoàn tất thẻ cho hướng dẫn viên.

Thật ra mục đích cuối cùng của thanh kiểm tra là để nhắc nhở mọi người chấp hành pháp luật, chứ không phải làm khó doanh nghiệp hay người lao động. Do vậy, Tổng cục Du lịch có nên lựa đúng thời gian khách đang đến đông trở lại sau khủng hoảng SARS để kiểm tra, và phạt tiền với những quy định cấp thẻ cứng nhắc, khi đội ngũ hướng dẫn viên còn quá thiếu như hiện nay?

(Theo SGGP)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Mở dịch vụ gọi 171 cho điện thoại di động (31/10/2003)
Tiếp thị đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai tại Thượng Hải (31/10/2003)
Vàng đang đứng ở mức 738.000 đồng/chỉ (31/10/2003)
Linh kiện máy tính: giá nào cũng có (31/10/2003)
Công nghệ thông tin Việt Nam tiếp cận thị trường Mỹ (31/10/2003)
Xuất khẩu có khả năng về đích sớm (31/10/2003)
Pepsi chuyển sang bán Trà Lipton (31/10/2003)
Văn bản không rõ, doanh nghiệp ngành thép lao đao! (31/10/2003)
Hải Phòng giải ngân nhanh vốn cho đóng tàu (31/10/2003)
Khởi động dự án Nhà máy cấp nước quy mô lớn nhất Việt Nam (31/10/2003)
Sư Tử Đen "phun" dầu (31/10/2003)
EU chưa tăng hạn ngạch dệt may cho Việt Nam (31/10/2003)
Hạ thuỷ tàu chở container trọng tải 14.000 tấn (31/10/2003)
Đài Loan cảnh báo dư lượng kháng sinh trong đậu Hà Lan của Việt Nam (30/10/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang