Nợ kéo dài tại các công trình thuỷ lợi ĐBSCL
09:41' 01/11/2003 (GMT+7)
Nguy cơ phá sản đang đe doạ nhiều DN thuỷ lợi.
(VietNamNet)
- Các đơn vị xây dựng thuỷ lợi tại ĐBSCL đang “than trời” vì đã hoàn thành và bàn giao hàng chục công trình thuỷ lợi cấp bách, trọng điểm, vượt lũ với giá trị chưa thanh toán tới 1.300 tỷ đồng. Ban quản lý dự án thuỷ lợi và hàng chục DN đang rối như tơ vò trước
tình trạng “nợ đồng lần” kéo dài, trong đó nhiều món nợ bị “ngâm” 2-3 năm.

Tập thể lãnh đạo Công ty CP Xây dựng 40 (Công ty 40) đã gởi “Đơn cầu cứu khẩn thiết” (lần thứ hai) lên Thủ tướng Chính phủ, các Bộ Tài chính, KH-ĐT, NN-PTNT để cấp báo tình trạng bế tắc của đơn vị. Tại ĐBSCL, nhiều công trình thuỷ lợi trọng điểm, do Công ty 40 hoàn thành từ 2 năm trước, với tổng giá trị ngân sách còn nợ đọng gần 64 tỷ đồng; trong đó, các công trình cấp Bộ chiếm 44,76 tỷ đồng. 9 tháng qua, đơn vị phải trả 4,23 tỷ đồng lãi vay ngân hàng; hơn 54 tỷ đồng nợ đáo hạn không thể trả. 350 CBCNV đang "ngồi chơi". Xe máy, thiết bị đang gỉ sét. Để chống đỡ tình hình, cuối tháng 9, lãnh đạo Công ty 40 đã phải huy động vốn ngắn hạn từ cổ đông để tránh nguy cơ phá sản.

Ông Trần Đính, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty 40, cho VietNamNet biết, do đặc thù, việc thi công các công trình thuỷ lợi tại ĐBSCL khó khăn nhiều so với các công trình khác. Muốn hoàn tất, phải chạy đua với nước lũ, phải xử lý thật tốt yếu tố “nền đất yếu”. Song, lo ngại lớn nhất là vài năm gần đây, nguồn vốn cung ứng cho các công trình vừa ít, chậm lại vừa thiếu trầm trọng. Bất kể đó là công trình do Bộ giao hay do đấu thầu, bao giờ DN cũng phải chủ động ứng vốn và thi công trước. Nếu bảo đảm được tiến độ thi công - thanh toán gối đầu kịp thời sau mỗi hạng mục hoặc gói thầu, thì tuy cũng khó nhưng có thể tạm “giật gấu, vá vai” được.

Song, trên thực tế, kế hoạch vốn thường quá chậm, có khi chậm đến hàng năm trời. Tình trạng khan vốn, thiếu vốn cho các công trình cấp bách rất khó lý giải và kéo dài. Với Công ty 40, đơn vị CPH duy nhất trong ngành xây dựng thuỷ lợi của Bộ NN-PTNT ở phía Nam (vốn cổ đông 75%), hoạt động tháng 7/2001, thì khó khăn, bất lợi càng tăng gấp bội. Vận hành theo cơ chế “nhà nước không ra nhà nước, tư nhân không hẳn tư nhân” của DN cổ phần đang tiềm ẩn đầy rẫy rủi ro.

Năm 2001, dù không có tiền ứng trước, công trình cửa cống Chà Và tại Cầu Ngang (Trà Vinh) vẫn hoàn thành kịp thời để phục vụ dân sinh, nhưng khối lượng thanh toán vẫn còn “kẹt” hơn 55% giá trị. Cũng năm đó, công trình đê bao Vĩnh Hưng (Long An) bảo vệ 150ha với 5.400 dân đã hoàn toàn thoát lũ, nay cuộc sống và sản xuất phát triển ổn định, song, tiền công vẫn chưa được thanh toán hết. Trong năm 2002, Công ty 40 đã triển khai thi công 34 công trình thuỷ lợi, đã hoàn thành và bàn giao sử dụng 10 công trình trọng điểm, cấp bách như cống Bình Giang II, cống Luỳnh Quỳnh, kênh và nền khu dân cư Hà Giang (Kiên Giang), mái kênh và nền khu dân cư Bảy Xã (An Giang). Nhưng đến nay, nguy cơ phá sản đang treo lơ lửng trên đầu DN do số nợ phải thu từ các công trình, với tổng dư nợ phải trả 54 tỷ đồng (hơn 45 tỷ đồng là nợ ngắn hạn).

Tương tự, ba đơn vị khác là Tổng công ty Xây dựng số 4, Công ty Thi công Cơ giới thuỷ đầu tư và xây dựng, Công ty Xây dựng thuỷ lợi Tiền Giang cũng mắc kẹt số nợ phải thu 1.229 tỷ đồng. Đó là chưa kể tám đơn vị khác cũng tham gia xây dựng thuỷ lợi, mỗi DN cũng bị kẹt hàng chục tỷ đồng.

Trong đó, chỉ riêng 15/18 dự án thuộc địa bàn do BQL 419 quản lý, được triển khai trong năm 2002 và phải xong trước cuối mùa khô đã nợ 152,9 tỷ đồng. Qua năm 2003, nợ mới chồng lên nợ cũ và đến cuối tháng 9, số nợ đã thành hơn 225 tỷ đồng. Nhiều khả năng cho thấy, số nợ này vẫn khó được trả vì kế hoạch vốn 2004 (dự kiến) không được ghi vào danh mục. Chủ trương phát hành trái phiếu Chính phủ ít nhiều nhem nhóm hy vọng cho nhiều người, nhưng tìm trong danh mục phân bổ nguồn vốn này, không thấy ghi tên các công trình thuỷ lợi ở ĐBSCL.

Trước tình trạng “nợ đồng lần” trên, những người trong cuộc cho rằng, nếu Chính phủ kiểm soát nghiêm ngặt các chương trình đầu tư phát triển và “ráp nối” chặt chẽ với khả năng ngân sách, thì ngành kế hoạch - tài chính sẽ chủ động điều tiết được tình hình. Khi những chương trình, dự án đầu tư phát triển không hội đủ điều kiện để triển khai thực hiện thì mạnh dạn cắt bỏ, hoặc ghi danh mục trong năm sau. Với những trường hợp “cấp bách”, đã quyết tâm triển khai thì phải dành ưu tiên hợp lý và kiên định tới cùng, chứ không thể vì ai đó, hay vì một lý do nào đó, mà để cho “hạt bụi” rơi vào guồng máy, làm phát sinh hiệu ứng đôminô - “nợ đồng lần”! 

  • Huy Bình
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Tập trung giải phóng mặt bằng đường dây 500kV Phú Mỹ - Nhà Bè - Phú Lâm (31/10/2003)
Tổng cục Du lịch đang làm khó các doanh nghiệp (31/10/2003)
Mở dịch vụ gọi 171 cho điện thoại di động (31/10/2003)
Tiếp thị đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai tại Thượng Hải (31/10/2003)
Vàng đang đứng ở mức 738.000 đồng/chỉ (31/10/2003)
Linh kiện máy tính: giá nào cũng có (31/10/2003)
Công nghệ thông tin Việt Nam tiếp cận thị trường Mỹ (31/10/2003)
Xuất khẩu có khả năng về đích sớm (31/10/2003)
Pepsi chuyển sang bán Trà Lipton (31/10/2003)
Văn bản không rõ, doanh nghiệp ngành thép lao đao! (31/10/2003)
Hải Phòng giải ngân nhanh vốn cho đóng tàu (31/10/2003)
Khởi động dự án Nhà máy cấp nước quy mô lớn nhất Việt Nam (31/10/2003)
Sư Tử Đen "phun" dầu (31/10/2003)
EU chưa tăng hạn ngạch dệt may cho Việt Nam (31/10/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang