TP.HCM
Chưa có một hệ thống Du lịch mua sắm
15:17' 03/11/2003 (GMT+7)

Khách du lịch mua hàng tại các điểm mua sắm ở TP.HCM.

Năm 2003, Việt Nam dự kiến sẽ đón khoảng 2,5 triệu lượt khách du lịch. Bên cạnh việc đầu tư cho những điểm tham quan mới lạ, vấn đề nâng thế mạnh về du lịch mua sắm đặt ra cho TP.HCM nhiều bài toán cần có lời giải cấp bách. Hiện nay, TP.HCM có 46 siêu thị và 20 trung tâm thương mại. Trong số đó, chỉ có khoảng 15 điểm mua sắm du lịch có tên tuổi như Miss Sài Gòn, Miss Áo Dài, XQ, Tây Sơn, Sài Gòn Tourist, thương xá Tax, Zen Plaza...

Chợ, trung tâm thương mại vào cuộc

 

Từ đầu năm 2003 đến nay, hàng loạt các sạp chợ đã thay đổi mặt hàng để đón nhu cầu mua sắm du lịch, rõ nét nhất là ở chợ An Ðông và Bến Thành. Bà chủ sạp số 2 khu hành lang chợ Bến Thành đón thời cơ bằng cách làm thêm một kệ sát tường treo các sản phẩm làm sẵn. Từ các nguyên liệu hoa và hạt, bà cho thợ kết thành các kiểu dây chuyền, lắc, nhẫn trang sức nhiều màu và lạ mắt. Bà cho biết: "Khách Tây đi chợ nhìn thấy màu sắc xanh đỏ bắt mắt, hay ướm thử thấy rẻ và đẹp nên mua nhiều lắm".

 

Bà Ngọc Vân bán túi xách khu vực đường Lê Lợi đã thay toàn bộ các loại sản phẩm túi dù, valy, cặp táp... bằng các mặt hàng hiệu LV, Prada, Chanel... nhập từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Hàng hoá luôn có catalog giới thiệu, bảng giá tiếng Anh và nhân viên bán hàng cũng giỏi tiếng Anh. Ðến hơn 80% khách hàng người nước ngoài, bà Vân cũng tự tin là mình đã đầu tư đúng.

 

Về phía các trung tâm thương mại, Zen Plaza đã chuyển hướng kinh doanh từ phục vụ trong nước sang mua sắm du lịch. Bà Triệu Thị Hương Giang, Phó giám đốc trung tâm cho biết: "Công ty đang đàm phán với các đơn vị kinh doanh du lịch cho ra đời loại hình giải trí thư giãn kết hợp mua sắm. Khách sẽ được xem các chương trình biểu diễn giới thiệu mẫu thời trang mới của các nhà thiết kế nổi tiếng Việt Nam, được phục vụ bữa ăn hương vị truyền thống, xem ca nhạc...".

 

"Cò" shop nuốt "cò" chợ

 

Ông Phạm Văn Tân, Phó ban quản lý chợ Bến Thành cho biết, nạn "cò" đòi chi hoa hồng là một thực tế rất khó dẹp, các chủ sạp hàng sẵn sàng chi để có khách. Từ trước năm 2000, Ban quản lý chợ Bến Thành đã đưa ra vấn đề này và nhiều lần tổ chức các đợt "dọn dẹp", kết quả "cò" ít dần mà doanh thu các sạp cũng không tăng.

 

Ông T. chủ shop Song Nguyện cho biết: "Cách đây chừng một năm, có thời điểm phải chi hoa hồng cho "cò" lên tới 40% khi dẫn khách Nhật, 20-30% khách châu Âu đến mua hàng". Cò chợ ngày càng có nhiều cách để ăn chia lợi nhuận với sạp chợ. Cách chia phần trăm phổ biến nhất là chia trên hoá đơn với chủ sạp hoặc tiền "tip" khi dắt khách đến, dù khách không mua cũng phải trả. Ông T. cho biết: "Họ còn có cách tính khác, chia phần trăm trên số lời, thông thường là 40%. Ví dụ như khách mua 1 triệu đồng, mức lời của sạp là 300.000 đồng thì "cò" được 120.000 đồng. Nhưng cách này chỉ có những "cò" chuyên nghiệp, nắm giá mới dám làm vì "ăn" nhiều nhưng rủi ro cũng cao, chủ sạp có thể nói mức lời thấp hơn để thêm lợi cho mình". Ông T. cũng cho biết thêm: "Hiện nay, ngày càng nhiều nơi mở trung tâm mua sắm dạng vừa và nhỏ, rất chuyên nghiệp, ở đó khách vào có thể mua được mọi thứ, cơ sở vật chất tốt. "Cò" chỉ cần dắt khách đến là có tiền "tip" trung bình 200.000 đồng/xe 12-15 chỗ và 300.000 đồng/xe 40 chỗ trở lên, hoa hồng chi thêm 10% khi khách mua. Ðây mới thật sự là mối lo cho tiểu thương ở chợ". Bởi vì, ở những trung tâm mua sắm dạng đó, "cò" được hưởng lợi chắc chắn và bền vững hơn, trong khi ở sạp chợ "cò" chỉ được lợi khi khách đã mua hàng. Khi đó, "cò" bỏ chợ đến cửa hàng. Sạp chợ chỉ còn cách nâng % hoa hồng và đồng thời nâng giá bán.

 

Nếu những sạp bán hàng ở chợ chỉ chi cho các "cò" dắt mối dưới hai hình thức là phần trăm trên trị giá hàng bán được và khoản phí bồi dưỡng mỗi lần đưa khách đến thì các chủ doanh nghiệp mở cửa hàng chuyên doanh hàng lưu niệm chi phí đến 8 khoản khác nhau. Chi trực tiếp cho hướng dẫn viên du lịch, tài xế, người phụ trách công ty du lịch và người thiết kế tour tuyến. Cái khéo của họ là làm sao cho cửa hàng trở thành một điểm đến trong tour, làm sao "khép chặt" khách du lịch để họ không còn khoảng thời gian trống đi dạo phố hay mua sắm ở các nơi khác. Nhiều tour chỉ "thả lỏng" cho du khách ngày cuối cùng thì cũng đã là 17-18h, hoặc chợ cũng đóng cửa, hoặc khách mua sắm hầu như đã gần xong.

 

Hãng lữ hành cũng ra quân

 

Một ngày mua sắm của du khách nước ngoài tại TP.HCM thường bao gồm: đến các cửa hàng sơn mài, ra chợ Bến Thành, chợ An Ðông rồi lang thang ở phố Ðồng Khởi, Hai Bà Trưng... Ông Nguyễn Tấn Em, Giám đốc Công ty Du lịch Mikeland nói: "Chúng ta chưa có hệ thống mua sắm quy mô như Thái Lan, Singapore, du khách chỉ mua sắm lặt vặt, lẻ tẻ".

 

Chưa có sự đầu tư cho hệ thống các cửa hàng mua sắm phục vụ du lịch hay nói một cách chính xác hơn, các cửa hàng mua bán phục vụ du lịch chưa được kết thành một hệ thống. Chuyện không ít các cửa hàng tăng giá bán hàng cho du khách để chi hoa hồng cao đến mức 30-40% cho các hướng dẫn viên là chuyện khá phổ biến. Ðối với một du khách nước ngoài, việc bị nói thách giá hay mua phải hàng giả được xem là chuyện bị lừa gạt. Họ sẽ phản ánh chuyện này đến các nhà tổ chức du lịch bên nước họ và các đối tác này sẽ bắt các công ty trong nước bồi thường thiệt hại theo hợp đồng. Không chỉ là thiệt hại về tiền bạc, các công ty du lịch còn bị ảnh hưởng về uy tín và khả năng bị mất những hợp đồng lớn, chưa kể hình ảnh du lịch của đất nước cũng xấu đi.

 

Ông Lý Tất Vinh, Trưởng phòng Phát triển của Công ty Du lịch Chợ Lớn,nói: "Cách tốt nhất để các công ty bảo vệ mình là ký hợp đồng hẳn hoi với các cửa hàng". Chợ Lớn Tourist có liên kết với những điểm mua sắm có uy tín như Thái Bình Dương, Ðông Phương, sơn mài Tây Sơn, Lam Sơn... để bảo đảm được chất lượng và giá cả cho du khách của mình. "Chỉ cần có một vị khách phàn nàn về một cửa hàng nào đó là lập tức chúng tôi loại khỏi hệ thống liên kết  ngay". Hướng dẫn viên, đều phải đưa khách đi đến đúng các cửa hàng mà công ty đã quy định. Bằng sự quản lý khá chặt chẽ này, 4-5 năm qua, công ty chưa từng bị buộc phải bồi thường cho một hợp đồng nào.

 

Không thể không liên kết 

 

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, hàng thời trang tơ lụa khá mạnh nhưng lại không tham gia kinh doanh nội địa vì tâm lý chán nản trước phí hoa hồng quá cao. Thậm chí muốn đăng ký kinh doanh tại trung tâm thương mại cũng không được vì họ mới chỉ là nhà sản xuất tốt mà chưa có thương hiệu kinh doanh mạnh. Các chương trình hợp tác du lịch và thương mại để cùng nhau thu hút du khách mua sắm vẫn chưa có.

 

Lỗ hổng lớn nhất của người bán lẻ hiện nay là thông tin, nhìn bề nổi tiểu thương có vẻ nhanh nhạy nắm thời cơ, nhưng thực chất là họ chuyển đổi hàng hoá theo kiểu "may rủi". Do vậy, phát triển du lịch mua sắm, nên có một tổ chức đại diện các nhà bán lẻ để hỗ trợ các chủ cửa hàng thông tin từ mạng, nghiên cứu sách báo, tạp chí tiếng nước ngoài có thể hiểu và nắm được các sở thích, thị hiếu khách du lịch. Ðồng thời giúp các nhà sản xuất làm hàng thời trang, lưu niệm đúng gu của khách, tranh thủ tiếp thị ra nước ngoài từ những khách đã mua hàng để có thêm nhiều khách mới. Tổ chức này sẽ là người thiết kế các chương trình, tổ chức khuyến mãi, tiếp thị quy mô lớn, hợp nhất các chương trình bán hàng ưu đãi của tất cả các hệ thống từ cửa hàng, sạp chợ đến siêu thị... để tạo thành tiếng vang chung đủ sức thu hút khách .

 

Trong điều kiện hiện nay nếu Sở Du lịch và Sở Thương mại TP.HCM bắt tay với nhau hỗ trợ cho việc này ắt hẳn diện mạo kinh doanh mua sắm phục vụ du khách của thành phố sẽ nhanh chóng đổi mới.

 

Tour chợ: sản phẩm ăn khách

 

Cách đây chừng 3 năm chợ Bến Thành chưa có tiểu thương nào nghĩ đến cách bán hàng chuyên nghiệp: từng gian hàng là một showroom, mỗi người phụ việc là nhân viên bán hàng. Nhưng nay, khả năng lớn mạnh của ba ngôi chợ Bến Thành, An Ðông, Bình Tây đã thật sự gây ấn tượng với du khách. Ở đó người ta có thể bắt gặp chỉ trong vòng khoảng 3m2 như sạp Hà Lợi (Bến Thành) là cả đội ngũ vừa thiết kế, bán hàng, làm xuất khẩu.

 

Thói quen có từ rất lâu của người đi du lịch là phải ghé chợ để được nhúng mình trong cảnh mua bán tấp nập, mưu sinh của người dân trong vùng. Chợ Bến Thành với lợi thế kề cận phố mỹ nghệ Ðồng Khởi, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn nên lấy đó là "bàn đạp" cho ngành này vươn xa. Bà Phan Thu Thuỷ, Giám đốc một công ty mỹ nghệ phân tích: "Tiểu thương mỹ nghệ chợ Bến Thành có nhiều lợi thế ngoài chuyện giá thuế, nhân công, cơ sở vật chất, nhà kho rẻ hơn shop. Và bao giờ cũng vậy, không khí mua bán chợ dễ làm người ta thoải mái móc túi hầu bao hơn". Trong khi đó, hàng dệt may và thuỷ hải sản khô là hai ngành hàng khách du lịch "nuôi sống" nhiều sạp hàng của chợ An Ðông và Bình Tây. Bình Tây từ lâu nổi tiếng với chuyện bán buôn, xuất khẩu mạnh nhưng nay dần chuyển sang một bước tiến khác: gia tăng hộ bán lẻ.

 

Ông Tô Văn Lộc, Phó chủ nhiệm Nghiệp đoàn xích lô quận 1 cho biết, khách có hai dạng: mới đến Việt Nam lần đầu đòi đi chợ Bến Thành, An Ðông, Bình Tây vì cả 3 địa điểm đều có nhiều thông tin trên các sách hướng dẫn du lịch. Nhưng nhiều khách quay lại lần thứ hai, ba hay có được sự bảo nhỏ của người thân, bạn bè thì đòi đi chợ chuyên. Ðích nhắm của họ là các ngôi chợ trước giờ chuyên doanh một vài mặt hàng như chợ vải Soái Kình Lâm, hàng quân đội Dân Sinh, thuỷ hải sản khô quận 5, chợ đông dược...".

 

(Theo SGTT)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Giá bông tăng (03/11/2003)
6 bài học kinh nghiệm về nhập bò sữa (03/11/2003)
Vàng và USD rủ nhau hạ nhiệt (03/11/2003)
Đầu tư 2.400 tỷ đồng cho ba dự án thuỷ lợi lớn (03/11/2003)
Điện thoại di động ngoài luồng tăng giá mạnh (02/11/2003)
29 dự án nhận được viện trợ, cho vay từ Nhật Bản (02/11/2003)
Còn 5 giải pháp hỗ trợ kinh tế tư nhân chưa thực hiện đúng lịch trình (02/11/2003)
Tổng kiểm tra điện thoại di động.... ''mô hình''? (01/11/2003)
Nhiều loại nông sản tại TP.HCM tăng giá (01/11/2003)
ADB hỗ trợ thực hiện "Sáng kiến thị trường trái phiếu châu Á" (01/11/2003)
Doanh nghiệp trong cuộc chiến truyền thông (01/11/2003)
TP HCM: bắt đầu thu thuế trước bạ nhà đất tại quận, huyện (01/11/2003)
Cuối năm, buôn lậu và gian lận thương mại gia tăng (01/11/2003)
Tìm biện pháp nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế (01/11/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang