Sơ kết 4 năm thực thi luật DN
''Cán bộ phải tận tâm phục vụ doanh nghiệp''
17:18' 03/11/2003 (GMT+7)
 

(VietNamNet) - Muốn dân giàu, nước mạnh không còn cách nào khác là phải phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế. Cán bộ, công chức phải tận tuỵ  phục vụ DN, không phân biệt đối xử, tạo mọi điều kiện cho DN phát triển, coi đây là lực lượng chủ lực, nòng cốt đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập thắng lợi. Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị sơ kết 4 năm thực thi Luật Doanh nghiệp, khai mạc sáng 3/11, tại Hà Nội.

Thủ tướng gặp các doanh nghiệp sáng 3/11

Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục tháo gỡ và thực thi Luật Doanh nghiệp sẽ bổ sung bằng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Hiện dự thảo chỉ thị này đã gửi tới các DN, các Bộ, Ngành địa phương để lấy ý kiến. Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nội dung của chỉ thị này chia thành 3 nhóm.

Thứ nhất là trong xã hội, trong hệ thống chính trị, cần phải nâng cao nhận thức vai trò  phát triển kinh tế, để dân giàu nước mạnh, công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì không có cách nào khác là phải phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế. Từ nhận thức này mà nâng cao trách nhiệm. Về phía quản lý nhà nước, cán bộ công chức phải tận tuỵ phục vụ nhân dân, phục vụ DN. Không phân biệt đối xử, tạo mọi điều kiện cho DN phát triển, coi đây là lực lượng chủ lực, nòng cốt đẩy công  nghiệp hoá hiện đại hoá, để hội nhập thắng lợi. Mặt khác cũng nâng cao ý chí của DN phải vươn lên làm giàu cho mình và làm giàu cho đất nước. Giải pháp đầu tiên có thể nói gọn ra là nhận thức trách nhiệm, ý chí của toàn dân, toàn hệ thống chính trị trong việc phát triển kinh tế tư nhân, phát triển DN.

Kể từ khi thực hiện Luật Doanh nghiệp năm 2000 đến tháng 7/2003, cả nước đã có 71.500 doanh nghiệp mới được thành lập, với tổng số vốn đăng ký và bổ sung đạt khoảng 9,5 tỷ USD. So với giai đoạn 1991-1999, số lượng doanh nghiệp mới đã tăng gấp 1,6 lần và số vốn đầu tư gấp 4 lần, cao hơn vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng thời kỳ.
(Nguồn: Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp)

Nhóm công việc thứ hai là phải nhanh chóng biến quan điểm chủ trương của Đảng và Nhà nước ta thành những thể chế đi vào cuộc sống từ đó tạo môi trường kinh doanh tốt, hỗ trợ cho DN như đất đai, nguồn vốn, thuế khoá, kiểm tra, thanh tra... Đồng thời với các thể chế này là sửa đổi thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Thực tế đã xuất hiện việc tạo ra những giấy phép con, những quy định không phù hợp... cần được chỉ rõ phải sửa, phải khắc phục.

Nhóm thứ ba là bản thân DN. Nhà nước tạo điều kiện, nhưng DN phải vươn lên, nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ, trình độ quản lý thì mới thành công được. Nhà nước tạo điều kiện nhưng DN không vươn lên thì sức cạnh tranh của DN trong hội nhập, trong cơ chế thị trường hết sức khó khăn. Đến nay có hơn 70.000 DN được thành lập theo Luật Doanh nghiệp nhưng vốn đăng ký chỉ trên 9,5 tỷ USD. Vốn liếng nhỏ, năng lực quản trị kinh doanh kém, công nghệ kém nên sức cạnh tranh của đa số còn thấp. Đi liền đó lại có một bộ phận làm ăn không đàng hoàng, lợi dụng luật pháp để làm sai trái. Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đây là những hạn chế lớn mà Hội nghị sơ kết Luật Doanh nghiệp cần thảo luận để tìm ra giải pháp.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết, Thủ tướng Phan Văn Khải đã khẳng định DN là chủ thể quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế và Chính phủ sẽ tiếp tục tháo gỡ các khó khăn và vướng mắc, thúc đẩy thực thi và hiệu quả của Luật Doanh nghiệp. Thủ tướng cũng giao cho các Bộ, Ngành giải quyết những vướng mắc mà DN nêu về đăng ký kinh doanh, mua hoá đơn và nộp thuế, về đất đai và vay vốn ngân hàng, thanh tra, kiểm tra... ''Cần xác định được chúng ta phải làm gì, vướng mắc cụ thể ở đâu, ai chịu trách nhiệm. Phải có cơ chế chính sách rõ ràng'', Thủ tướng nói.

Băn khoăn của Thủ tướng đặt lên vai DN là tăng trưởng sản xuất của Việt Nam rất cao nhưng quy mô sản xuất nhỏ bé. Sản xuất trong nước mỗi năm đạt khoảng 40 tỷ USD, thua rất nhiều lần một tập đoàn xuyên quốc gia lớn. Quy mô sản xuất nhỏ bé, năng lực cạnh tranh thấp đang là hạn chế đối với nền kinh tế Việt Nam. Thủ tướng nói vui: ''Nhiều người nói nền kinh tế Việt Nam là con hổ ở châu Á nhưng tôi thấy con hổ còn nhỏ''.

4 năm thi hành Luật Doanh nghiệp, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, đã mang đến cho công dân quyền được tự do kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm, giải phóng tư duy và sức sáng tạo về ý tưởng kinh doanh. Đặc biệt, Luật Doanh nghiệp đã tạo ra sự thay đổi tích cực trong quan niệm của xã hội về doanh nhân và DN, địa vị của doanh nhân trong xã hội ngày càng được nâng cao. Kết quả là số DN tư nhân đến tháng 9/2003 đã tăng lên 120.000 DN, với vốn đăng ký 145.000 tỷ đồng, đóng góp gần một nửa kim ngạch xuất khẩu (không kể dầu thô) và tạo ra 1,8 triệu việc làm cho người lao động. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Phúc cho rằng, tuy lớn về số lượng nhưng quy mô của mỗi DN tư nhân còn nhỏ, yếu kém về năng lực quản lý, vẫn còn bị phân biệt đối xử đang là những rào cản chính đối với khu vực kinh tế năng động này.

  • Thanh Minh
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Hãy gõ, cửa sẽ mở (03/11/2003)
Căn hộ chung cư được rao bán nhiều, ít khách mua (03/11/2003)
"Luật Doanh nghiệp giúp doanh nhân tự tin lập nghiệp" (03/11/2003)
Buôn lậu tại Hà Nội tăng hay giảm - ai biết? (03/11/2003)
Chưa có một hệ thống Du lịch mua sắm (03/11/2003)
Giá bông tăng (03/11/2003)
6 bài học kinh nghiệm về nhập bò sữa (03/11/2003)
Vàng và USD rủ nhau hạ nhiệt (03/11/2003)
Đầu tư 2.400 tỷ đồng cho ba dự án thuỷ lợi lớn (03/11/2003)
Điện thoại di động ngoài luồng tăng giá mạnh (02/11/2003)
29 dự án nhận được viện trợ, cho vay từ Nhật Bản (02/11/2003)
Còn 5 giải pháp hỗ trợ kinh tế tư nhân chưa thực hiện đúng lịch trình (02/11/2003)
Tổng kiểm tra điện thoại di động.... ''mô hình''? (01/11/2003)
Nhiều loại nông sản tại TP.HCM tăng giá (01/11/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang