(VietNamNet) - "Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra những văn bản trái tư duy đổi mới, gây phiền hà, khó khăn cho DN. Khi phát hiện được nhưng sai sót, phải nhận lỗi công khai và sửa đổi kịp thời, khắc phục tình trạng im lặng, vô cảm trước những khó khăn của DN do chính mình gây ra''. Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp kết thúc chiều qua (4/11).
|
Thủ tướng Phan Văn Khải. |
Doanh nghiệp: ''lính xunh kích" trong thời bình
Thủ tướng Phan Văn Khải đánh giá, so với tất cả các luật đã ban hành ở Việt Nam, Luật Doanh nghiệp được triển khai thực hiện nhanh nhất, thực sự đi vào lòng dân, đạt hiệu quả cao nhất. Có được thành công đó, trước hết là nhờ Luật DN đã thể hiện đúng đắn đường lối đổi mới của Đảng: giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất, khẳng định quyền kinh doanh của người dân trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm. ''Luật Doanh nghiệp đã kích thích chí kinh doanh, tinh thần lập nghiệp của dân ta, thúc đẩy việc hình thành khu vực kinh tế dân doanh - một khu vực kinh tế năng động, sáng tạo, hiệu quả và tính cạnh tranh cao'' - ông Khải nói.
Việc thực hiện Luật Doanh nghiệp đã mang lại những kết quả rất tích cực tại khắp các địa phương trong cả nước: Đó là tạo ra một khối lượng lớn chỗ làm việc, huy động một khối lượng lớn vốn cho đầu tư phát triển, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, tăng nguồn thu cho ngân sách, đóng góp đáng kể vào xuất khẩu...
Thủ tướng đã hoan nghênh và biểu dương những địa phương như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Thái Nguyên,Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu... đã vận dụng tốt Luật Doanh nghiệp, sáng tạo, có nhiều cách làm hay, nhất là cải tiến thủ tục hành chính, trực tiếp giải quyết những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của DN, phát triển nhiều DN (như tỉnh Vĩnh Phúc, số lượng DN mới thành lập trong 4 năm đã gấp 10 lần thời gian trước), từ đó, góp phần làm cho kinh tế - xã hội địa phương khởi sắc.
Đặc biệt, Thủ tướng biểu dương các DN và đội ngũ DN trong cả nước, những người đã hưởng ứng và nhiệt tình thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, đem vốn liếng và tài năng, trí tuệ đầu tư phát triển DN, đã kiên trì khắc phục nhiều khó khăn, kiên nhẫn trên bước đường kinh doanh, thực sự là ''lính xung kích thời bình'' trên thị trường.
''Dành thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn cho DN''
Thủ tướng phát biểu: ''Trong việc soạn thảo và ban hành các văn bản pháp quy, vẫn còn không ít trường hợp cơ quan nhà nước chủ trì soạn thảo chưa xuất phát từ yêu cầu của người dân, của DN, mà chủ yếu làm theo tư duy, mong muốn chủ quan của mình, níu kéo cơ chế xin - cho, cố ý dành thuận lợi cho mình và đẩy khó khăn cho DN. Trong khi thực hiện, có những cơ quan chức năng lại còn tuỳ tiện bày vẽ thêm nhiều thủ tục hành chính phức tạp, phiền hà, làm mất thời gian, gây tốn kém thêm cho DN. Có nhiều việc DN và công luận đã phát hiện, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến nhưng vẫn trì trệ, kéo dài. Có việc cơ quan chức năng đã thấy sai, đã sửa, nhưng sửa chữa quá chậm, gây nhiều thiệt hại cho DN và xã hội''.
Có trường hợp do không kiểm soát được hành vi gian lận của một số DN đã đưa ra những quy định gò bó, phức tạp, trói buộc tất cả các DN khác làm ăn đứng đắn, đúng pháp luật. Không ít cán bộ, công chức hoặc do tư duy, năng lực yếu kém hoặc do lợi ích cá nhân, cục bộ đã gây khó khăn, nhũng nhiễu DN.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và chính quyền địa phương phải kiên quyết sửa chữa, các cơ quan chức năng phải nghiêm túc kiểm điểm, phải thải hồi những cán bộ kém năng lực, thiếu tinh thần trách nhiệm, gây nhũng nhiễu, tiêu cực; có kỷ luật đích đáng, kể cả việc bồi thường về vật chất đối với những cá nhân cán bộ công chức đã tuỳ tiện gây ra những phiền hà, trái với tư duy đổi mới của Luật Doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy mức độ phát triển kinh tế của địa phương thường tỷ lệ thuận với số lượng DN. Hiện nay, cả nước mới có khoảng 120.000 DN (trong khi số dân trên 80 triệu người), theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, như vậy là quá ít so với tiềm năng về vốn trong dân, cũng như so với các nước xung quanh. Thủ tướng chỉ đạo, trong các năm tới, cần tạo môi trường thuận lợi để mỗi năm có số DN mới đăng ký tăng gấp đôi hiện nay, để đến năm 2010, kết thúc Chiến lược 10 năm 2001-2010, khi đó dân số khoảng 88-89 triệu người, nước ta phải có ít nhất 500.000 DN làm ăn hiệu quả.
Ban hành văn bản phải lấy ý kiến DN
Hiện nay, tuy đã có nhiều thay đổi so với trước, nhưng thủ tục và chi phí gia nhập thị trường của một DN vẫn còn rất phiền hà tốn kém, qua 4 bước mất trên 60 ngày với chi phí gần 2 triệu đồng. Đây là một trong những rào cản hạn chế việc đăng ký kinh doanh của DN. Thủ tướng Phan Văn Khải chỉ đạo các cơ quan chức năng phải hoàn chỉnh văn bản hướng dẫn, nhất là đối với những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, đơn giản hoá các thủ tục, rút bớt thời gian và giảm chi phí hơn nữa cho DN; phải tiến hành ngay việc củng cố và hình thành hệ thống đăng ký kinh doanh từ Trung ương đến địa phương để thực hiện tốt việc đăng ký kinh doanh của DN.
Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ phải soát lại toàn bộ các văn bản pháp quy liên doanh đến hoạt động kinh doanh của DN, nhất là các văn bản về chế độ ưu đãi đầu tư, thủ tục và thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư, cấp đất và cho thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hạch toán chi phí, tính thuế, thu thuế, hoàn thuế nhập khẩu cho các DN làm hàng xuất khẩu... Do đó, cần sớm loại bỏ những văn bản không còn phù hợp, xây dựng tiếp các văn bản pháp quy mới cần thiết cho kinh doanh của DN; cần khắc phục tình trạng một số cơ quan nhà nước thời gian gần đây đã ban hành một số văn bản pháp quy, công văn hành chính chứa đựng những nội dung đi ngược lại với tư duy đổi mới, gây tâm lý e ngại, thiếu tin tưởng trong DN, có tác động không tốt đối với DN.
Thủ tướng yêu cầu cơ quan soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật phải tổ chức một cách nghiêm túc, chân thành và thực sự cầu thị việc lấy ý kiến tham gia của DN. Thực tế đã có những văn bản không tuân thủ quy định đó hoặc có những trường hợp lấy ý kiến một cách hình thức, chiếu lệ.
Thủ tướng cho rằng cần mở rộng đối thoại giữa các cơ quan chức năng với đại diện DN (trên từng địa bàn tỉnh, thành phố về từng chủ đề hoặc giữa bộ với DN có liên quan đến văn bản pháp quy mà bộ ban hành). Qua đó, các bộ có thể tiếp thu thêm những giải pháp mới, sáng tạo của DN và địa phương để bổ sung, hoàn chỉnh các văn bản pháp quy. Đồng thời, qua các cuộc đối thoại có thể giải quyết kịp thời và dứt điểm những vướng mắc trong quá trình thi hành luật pháp và chính sách.
''Phải sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, qua thực tiễn 4 năm thi hành cần có những điều chỉnh cần thiết. Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội đẩy nhanh hơn việc thông qua Luật Doanh nghiệp mới, áp dụng chung cho các loại hình DN thuộc mọi thành phần kinh tế và Luật Khuyến khích đầu tư chung cho đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài'' - Thủ tướng nói.
Cần giải pháp đồng bộ
Giải quyết khâu đăng ký kinh doanh, gia nhập thị trường mới là khâu đầu, quan trọng hơn nữa là bảo đảm cho DN hoạt động có hiệu quả, tiếp tục phát triển cả về quy mô, chất lượng và sức cạnh tranh. Sau đăng ký kinh doanh, nhiều vấn đề đang gây khó khăn làm nhụt chí kinh doanh của DN như không tìm và thuê được mặt bằng sản xuất kinh doanh, khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng... ''Đối với DN, phải tập trung giải quyết hai yêu cầu bức xúc nhất hiện nay là mặt bằng sản xuất và vốn kinh doanh. Chính phủ đã nêu ra trong báo cáo trước Quốc hội, điều cấp bách là hình thành đồng bộ các loại thị trường, quan trọng nhất là thị trường quyền sử dụng đất, thị trường vốn'', Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng cam kết: Công tác quản lý nhà nước về đất đai sẽ được sửa đổi, bảo đảm các DN thuộc mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng và các DN tư nhân được thuận lợi hơn trong việc thuê đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh. Tại các địa phương cần đẩy mạnh quy hoạch các khu, cụm DN nhỏ và vừa và phát triển làng nghề, tạo thuận lợi cho các DN vào đây sản xuất, kinh doanh.
Giải quyết về vốn cho DN, Thủ tướng chỉ đạo xúc tiến thành lập các quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa. Bộ Tài chính cần chủ trì cùng với các cơ quan liên quan xem xét những trở ngại cho việc thành lập quỹ này ở các địa phương, kiến nghị biện pháp thiết thực để xử lý.
Sắp tới Thủ tướng sẽ ban hành Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy mạnh thực thi Luật Doanh nghiệp. ''Có nhiều việc đề ra từ lâu nhưng vẫn chưa thực hiện hiện. Lần này chỉ thị sẽ nêu cụ thể thời gian phải hoàn thành và cơ quan phụ trách, yêu cầu các bộ chấp hành nghiêm chỉnh thời gian đã quy định. Bộ nào không chấp hành đúng thời gian, Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm'' - Thủ tướng nói.
|