|
Con dấu của các liên doanh trên đơn kiện. |
Một chuyện hy hữu vừa xảy ra: lần đầu tiên, 10 DN có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh khách sạn, toà nhà cho thuê trên địa bàn Hà Nội đã cùng ký vào một văn bản kiến nghị gửi Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan thông tin đại chúng xung quanh việc hoàn trả vốn đầu tư xây dựng công trình điện ngoài hàng rào cho DN.
Từ cam kết của Thủ tướng...
Ông Lưu Xuân Tiếp, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tòa nhà trung tâm (31 Hai Bà Trưng, Hà Nội), nói vẫn nhớ như in một ngày tháng 3/1998 tại TP.HCM, các nhà đầu tư nước ngoài đã vô cùng ấm lòng và phấn khởi khi Thủ tướng Phan Văn Khải nhắc lại cam kết với các DN có vốn đầu tư nước ngoài rằng các DN sẽ được Chính phủ hỗ trợ hoàn trả vốn cho các công trình điện ngoài hàng rào như một biện pháp khuyến khích và hỗ trợ nhà đầu tư. Và Thủ tướng Chính phủ cũng đã luật hóa cam kết này tại nghị định số 10/1998/NĐ-CP.
“Cần nhớ rằng ngành điện 10 năm trước không hề đủ khả năng tài chính để cung cấp các công trình điện đến chân hàng rào các công trình của chúng tôi", ông Tiếp nói. "Chúng tôi buộc phải chọn giải pháp là "cắn răng" tự bỏ tiền ra để đầu tư đường cáp điện nối từ trạm biến áp gần nhất tới hàng rào công trình. Điều này là cực chẳng đã vì chúng tôi đã đầu tư cả chục triệu để xây tòa nhà, chẳng lẽ lại không đưa vào sử dụng vì lý do vô duyên là không có điện?".
Tất cả các DN liên doanh trên địa bàn Hà Nội chỉ có con đường duy nhất là tự bỏ tiền ra đầu tư công trình điện ngoài hàng rào "để được mua điện" với hình thức khoán gọn cho Công ty Điện lực Hà Nội.
... đến một thông tư khó hiểu
Mọi rắc rối nảy sinh từ thông tư liên bộ Kế hoạch & Đầu tư, Công nghiệp và Tài chính số 02/2002 ngày 6/8/2002. Ông Mai Thanh Ky, Phó tổng giám đốc Công ty liên doanh Đoàn kết quốc tế (chủ đầu tư tòa nhà 63 Lý Thái Tổ), khẳng định những điều khoản của thông tư hoàn toàn trái ngược với cam kết của Thủ tướng. Theo thông tư, DN phải nộp đủ tám loại văn bản thì mới được hoàn vốn công trình điện ngoài hàng rào, trong đó có nhiều loại văn bản là "vô lý" và "DN không thể có được". Cụ thể là văn bản thỏa thuận tuyến và phương án cấp điện.
Thông tư cũng đòi hỏi DN phải nộp văn bản cấp đất bản gốc trong khi mỗi DN chỉ có một bản gốc duy nhất hoặc đòi trình hợp đồng thuê đất liên quan trực tiếp đến đường dây và trạm mặc dù theo quy định thì công ty liên doanh không hề phải ký hợp đồng thuê đất nên thực tế là chẳng thể tồn tại văn bản này.
Thông tư cũng nói rõ nếu DN không nộp đủ tám loại văn bản thì giá trị hoàn trả sẽ là giá trị gốc được khấu hao trong khoảng thời gian từ khi hoàn thành việc lắp đặt đường điện cho đến khi nộp đủ hồ sơ. "Điều này tạo động lực cho Công ty Điện lực Hà Nội trì hoãn càng lâu càng tốt vì càng kéo dài thì số tiền khấu hao càng lớn, số tiền phải hoàn trả càng ít đi. Có lẽ chúng tôi thua thôi, đợi được đến lúc làm rõ vấn đề thì số tiền nhận về chắc bằng... không", ông Trần Vinh Sỹ, Phó tổng giám đốc thứ nhất Công ty liên doanh Khách sạn Sunway, ngậm ngùi nói.
Ông Phùng Quang, Phó giám đốc Công ty liên doanh Trung tâm dịch vụ báo chí Việt Nam (tòa nhà Press Club), nói: "Đa phần các DN chúng tôi đều đang lỗ nên Bộ Tài chính đâu có khấu hao... Khi chúng tôi vay tiền đầu tư thì vay USD, cụ thể đường điện của chúng tôi năm 1997 hết 582 triệu đồng, tương đương 45.617 USD. Lại nhùng nhằng chờ đợi khấu hao nữa thì coi như hết, khấu hao thế thì khác gì khấu hao luôn lòng tin!".
Nhiều DN cũng khẳng định trong việc tiến hành hoàn trả hiện đang tồn tại nhiều tiêu cực. Cụ thể là khi vừa có Thông tư liên tịch, các đơn vị tư vấn (ngành điện) lập tức tìm đến ngay "xin việc". DN tự nộp hồ sơ lên thì bảo thiếu cái này, cái kia. Nhưng cứ đưa cho tư vấn làm (với giá 2.000-2.500 USD) sẽ xong ngay. Hiện nay trên địa bàn Hà Nội, trong rất nhiều DN kinh doanh khách sạn, toà nhà cho thuê, mới có khoảng hơn 10 DN đã được hoàn trả, ít nhiều đều phải "nhờ" tư vấn.
Bất bình với trả lời của Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam
Sau khi tiếp nhận đơn kiến nghị của các DN, ông Đào Văn Hưng, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam, đã trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề này (31/10). Trả lời của ông Tổng giám đốc Đào Văn Hưng không những không xoa dịu được ấm ức của các liên doanh mà còn gây thêm bất bình:
Ông Vũ Đại Dương (Phó tổng giám đốc liên doanh Đại Chân Trời): "Tôi nghĩ rằng cần phải xác định rõ ngành điện tiến hành hoàn trả vốn cho nhà đầu tư với tư cách một nhà kinh doanh hay với tư cách là người thực hiện chỉ thị của Thủ tướng. Nếu với tư cách một nhà kinh doanh, không có gì khó hiểu khi ngành điện gây khó dễ cho DN để làm sao càng giảm giá trị hoàn trả DN càng tốt. Nhưng với tư cách đơn vị thừa hành chỉ thị Thủ tướng, đáng lẽ ngành điện cần có những kiến nghị cụ thể lên Bộ Tài chính để có phương án hoàn trả hợp lý và đúng với tinh thần hỗ trợ nhà đầu tư.
Ông Phùng Quang nói: "Tôi không hiểu ông Tổng giám đốc Hưng khi nói "đừng bắt ngành khác phải chịu trách nhiệm" nghĩa là gì? Chính ngành điện là người mượn tiền của chúng tôi để đầu tư hạ tầng nhằm bán điện cho chúng tôi".
Ông Mai Thanh Ky thì phát biểu: "Ông Hưng khẳng định chỉ hoàn trả DN theo hội đồng thẩm định. Chúng tôi đầu tư 500m cáp, vậy mà ngành điện sau khi tự đi đo thực tế để thẩm định phán rằng chỉ có 410m. Họ không tính những chỗ cáp phải đi vòng qua gốc cây, mối nối... Chẳng biết họ thẩm định và tính khấu hao thế nào mà chỉ chấp nhận hoàn trả tòa nhà trung tâm 50% vốn, tòa nhà 63 Lý Thái Tổ... 25% vốn".
Theo các đại diện Việt Nan trong các liên doanh, điều khiến các DN và nhà đầu tư ấm ức nhất không phải là DN sẽ được hoàn trả tiền nhiều hay ít mà chính là ở việc một chỉ thị của Thủ tướng đã không được thực hiện.
Khi trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề này, ông Đào Văn Hưng - Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam, nói:
Đã là một DN khi xây dựng dự án đầu tư phải tính đến yếu tố khả thi. Nhà nước chỉ phê duyệt dự án khi dự án đó có hiệu quả. Vậy tính khấu hao như thế nào để đầu tư có hiệu quả là việc của DN. Đừng bắt các ngành khác phải chịu trách nhiệm. Nếu như bây giờ một nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào đây mà nói rằng tôi không tính khấu hao trong giá thành của sản phẩm, như thế là vô lý. Mà tính khấu hao tức là anh đã thu vốn mang về quốc gia của anh rồi. Tuy nhiên cân nhắc nhiều yếu tố để hỗ trợ các DN có vốn đầu tư nước ngoài, Chính phủ đã quyết định hoàn trả vốn cho các DN đầu tư nước ngoài khi đầu tư lưới điện đến chân hàng rào công trình.Chúng tôi đã tiến hành hoàn trả cho một số DN.
DN không thoả mãn khi giá trị hoàn trả thấp, nhưng ngành điện sẽ không thể hoàn trả theo đầu tư ban đầu, mà chỉ hoàn trả theo phần giá trị do Hội đồng thẩm định (thành phần gồm đại diện Sở Vật giá, Sở Công nghiệp, Sở Kế hoạch Đầu tư và điện lực các địa phương) xác định.
Những giấy tờ chúng tôi yêu cầu mà DN cho là "phức tạp", "không thể có",đều là những giấy tờ bắt buộc, không thừa, nhưng cũng không thể thiếu được. Đây là cơ sở quan trọng tiến hành chi trả. Tài sản phải có hồ sơ gốc. |
(Theo Tuổi Trẻ, Lao động) |