(VietNamNet) - "Luật không chỉ là của nhà nước mà còn phải là của dân, càng là của dân thì luật càng dễ đi vào cuộc sống và mang tính khải thi cao. Vai trò của người dân không chỉ thể hiện ở nội dung về quyền mà còn ở cả cách diễn đạt những quyền ấy”. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, ông Mai Ái Trực, đã nói như vậy về tư tưởng trọng dân của Luật Đất đai ngay sau khi Quốc hội thông qua dự luật quan trọng này.
|
Bộ trưởng Mai Ái Trực |
Dự án luật "9 tháng 10 ngày"
- Là người được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo và trình Quốc hội Dự án Luật Đất đai, Bộ trưởng có cảm tưởng như thế nào khi Luật Đất đai được Quốc hội thông qua?
- Vui. Vui nhiều. Vì cuối cùng thì "mẹ tròn con vuông".
- Mẹ tròn con vuông? ý Bộ trưởng nói về việc thông qua Luật Đất đai?
- Tôi nói ví von ấy mà. Số là thế này, tính từ ngày 27/1/2003 - ngày Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Ban soạn thảo Dự án Luật Đất đai đến ngày Quốc hội biểu quyết thông qua Luật này thì vừa tròn 9 tháng 10 ngày, trùng với thời gian thai nghén để cho ra đời một đứa trẻ.
- 9 tháng 10 ngày là quá ngắn để cho ra một đạo luật quá khó và phức tạp như Luật Đất đai, có phải vậy không, thưa Bộ trưởng?
- Quả là ngắn. Nhưng bù lại, trước khi bắt tay xây dựng dự thảo Luật, đã tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật Đất đai (1993) và đặc biệt là có định hướng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ bảy Khoá IX về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
- Chủ trì soạn thảo Luật Đất đai, Bộ trưởng đã thường lưu ý Ban soạn thảo những điều gì?
- Lưu ý nhiều việc nhưng có ba việc quan trọng: một là, thể hiện đúng quan điểm và những định hướng chính sách của Đảng về đất đai; hai là, bám sát thực tế cuộc sống để tháo gỡ những vướng mắc đang đặt ra, đồng thời dự báo những vấn đề về quản lý và sử dụng đất đai trong thời gian tới và ba là, phải thể hiện tư tưởng trọng dân, dân chủ, đề cao vai trò người dân trong Luật.
- Tư tưởng trọng dân ấy được thể hiện thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Luật không chỉ là của Nhà nước mà còn phải là của dân, càng là của dân thì luật càng dễ đi vào cuộc sống và mang tính khả thi cao. Vai trò người dân không chỉ thể hiện ở nội dung về quyền mà cả cách diễn đạt các quyền ấy. Chẳng hạn, khi thể hiện điều nói về Trưng dụng đất có thời hạn (bây giờ là Điều 45 của Luật) lúc đầu viết "Hết thời hạn trưng dụng đất, người sử dụng đất được trả lại đất và được bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra", nhưng sau phải sửa lại là "Hết thời hạn trưng dụng đất, Nhà nước trả lại đất và bồi thường thiệt hại cho người sử dụng đất do việc trưng dụng đất gây ra". Hoặc khi diễn đạt điều nói về Giải quyết trường hợp Nhà nước đã mượn đất của hộ gia đình, cá nhân (hiện nay là Điều 116), lúc khởi thảo viết là người có đất cho Nhà nước mượn làm "đơn xin lại quyền sử dụng đất" nhưng sau viết lại là người sử dụng đất có "đơn yêu cầu trả lại quyền sử dụng đất". Xét về thực chất thì nội dung như nhau, nhưng cách thể hiện ban đầu, người sử dụng đất ở thế bị động, lép vế. Đành rằng đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, nhưng đã giao quyền sử dụng cho người dân rồi thì tại sao họ còn phải được, phải xin.
Sát giá thị trường là phù hợp
- Trong quá trình xây dựng Luật Đất đai, rất nhiều ý kiến tham gia, trong đó không ít ý kiến trái ngược nhau. Bộ trưởng có thấy khó xử trước những ý kiến đó?
- Ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau là chuyện bình thường bởi cuộc sống đâu phải chỉ có một chiều. Những ý kiến đóng góp, dù là không tán thành điều này, khoản nọ trong dự thảo cũng đều xuất phát từ mong muốn để có một Luật Đất đai tốt hơn. Rất nhiều ý kiến đã được tiếp thu, kể cả những ý kiến đề nghị bỏ một số quy định trong dự thảo. Như vậy thì không có gì là khó xử cả.
- Thưa Bộ trưởng, mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề định giá đất, nhưng Luật Đất đai vẫn quy định: nhà nước định giá đất sát với giá thị trường. Vì sao Ban soạn thảo lại giữ quan điểm này?
- Giá đất là một vấn đề phức tạp và đang có nhiều mâu thuẫn. Một mặt, chúng ta muốn giá đất phải sát giá thực tế để phù hợp với nền kinh tế thị trường. Nhưng mặt khác lại không muốn giá đất Nhà nước quy định chạy theo giá thị trường. Luật Đất đai quy định giá đất do nhà nước định phải theo nguyên tắc sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường, tức là không chấp nhận yếu tố bất thường, yếu tố đầu cơ. Quy định như thế là phù hợp với nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Như vậy, không có nghĩa là giá thị trường đến đâu thì giá nhà nước phải theo đến đó và cũng không phải là để giá đất do Nhà nước quy định hoàn toàn thoát ly giá thị trường.
- Nhiều ý kiến lo ngại rằng giá đất do Nhà nước quy định sát với giá thị trường có thể làm cho giá đất leo thang không thể lường trước được, Bộ trưởng có thể chia sẻ sự lo ngại này?
- Leo thang hay không còn tuỳ thuộc vào việc quản lý của chúng ta. Vừa qua giá đất do Nhà nước quy định thấp xa so với giá thị trường mà giá đất vẫn leo thang đấy thôi. Tôi nhớ hồi chúng ta chuyển từ cơ chế hai giá, thậm chí ba giá, sang cơ chế một giá theo giá thị trường, rất nhiều người lo ngại giá sẽ tăng không kiểm soát được nhưng thực tế lại khác. Tất nhiên là do đã có sự quản lý tốt.
- Nhà nước định giá đất sát giá thị trường, vậy sẽ giải quyết thế nào về đất ở đối với những người nghèo, người có thu nhập thấp, thưa Bộ trưởng?
- Trong Luật có hẳn một điều nói về miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trong đó có việc miễn giảm tiền sử dụng đất ở đối với người có công với nước, hộ gia đình nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, đất xây dựng chung cư cho công nhân các khu công nghiệp... Ngoài ra, trong việc giải quyết nhà ở tại các đô thị, sẽ tăng quy mô xây dựng nhà chung cư để bán hoặc cho thuê. Như Hà Nội vừa qua đã quy định chính sách bán căn hộ chung cư cho người hiện có diện tích ở quá thấp. Phải đa dạng hoá các hình thức giải quyết nhu cầu nhà ở chứ không chỉ có giao đất cho từng hộ xây nhà. Đây cũng là một cách thể hiện vai trò quản lý của nhà nước: giá quy định thì sát thị trường nhưng đối với người nghèo thì có chính sách riêng.
"Một cửa" là cú sổ đỏ
- Bộ trưởng từng nói rằng, nếu như việc cấp sổ đỏ được làm tốt thì có nhiều cái lợi. Thứ nhất, về mặt quản lý sẽ thuận tiện hơn. Thứ hai, góp phần phát triển kinh tế xã hội vì người dân vẫn ở trên mảnh đất đó nhưng lại có thể mang sổ đỏ thế chấp để vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Liệu Luật lần này có đổi mới để đẩy nhanh việc cấp sổ đỏ?
- Có nhiều đổi mới đấy, như bỏ việc phải đóng 20% tiền sử dụng đất đối với đất sử dụng ổn định trước ngày 15/10/1993 mà không có giấy tờ, hoặc bỏ việc người sử dụng đất phải chi tiền cho việc đo vẽ địa chính nếu chưa có bản đồ địa chính. Trong Luật Đất đai lần này có một chương về thủ tục hành chính quy định rõ hồ sơ, thời hạn thực hiện các thủ tục hành chính theo nguyên tắc "một cửa".
- Chủ trương là như vậy, nhưng con người thực hiện chủ trương đó mới là quan trọng. Cá nhân Bộ trưởng có từng nghe ở đâu đó về những lời phàn nàn kiểu như qua mỗi khâu lại phải mất một số tiền "bôi trơn" nào đó?
- Không chỉ nghe ở đâu đó mà nhiều người còn trực tiếp phản ánh với tôi về tình trạng này. Chúng ta nên tập thói quen làm theo pháp luật. Đừng theo kiểu chạy "cửa sau", chỉ tạo điều kiện cho bọn tiêu cực tham nhũng. Nếu không có ai chạy "cửa sau" thì làm gì có việc "bôi trơn". Các thủ tục hành chính trước đây quy định trong các nghị định nhưng nhiều người dân đâu có điều kiện đọc nghị định. Lần này, người dân chỉ cần cầm luật, họ biết rằng tôi đi giải quyết việc này, hồ sơ cần những giấy tờ gì, ông nhận và hẹn bao lâu sẽ trả lại kết quả cho tôi. Còn nếu không giải quyết, không làm đúng thì người sử dụng đất có quyền gửi đơn đến thủ trưởng cơ quan quản lý đất đai hoặc chủ tịch UBND cùng cấp để yêu cầu giải quyết.
Định hạn mức tích tụ đất nông nghiệp
- Bộ trưởng cũng từng khẳng định rằng chúng ta khuyến khích việc tích tụ đất đai trong nông nghiệp nhưng sẽ có giải pháp để hạn chế tối đa tình trạng chuyển nhượng đất đai dẫn tới nghèo đói. Những giải pháp nào có thể thực hiện được mục tiêu này, thưa Bộ trưởng?
- Vấn đề này cũng đang có mâu thuẫn. Chúng ta vừa muốn đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá, phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá có quy mô lớn, đưa nước ta trở thành nước công nghiệp lại vừa muốn đảm bảo cho người nông dân có đất sản xuất. Giải quyết mâu thuẫn này bằng cách nào? Cách tốt nhất chính là đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn, tạo ra việc làm ở nông thôn bằng phát triển công nghiệp, dịch vụ. Ở những nơi chưa làm được việc này hoặc trong thời gian chưa làm được thì phải có quy định chặt chẽ về tích tụ ruộng đất.
- Chính vì vậy lần này Quốc hội đã quyết định về hạn điền, thưa Bộ trưởng?
- Không phải hạn điền mà là hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Nói theo kiểu của người dân thường dùng là mức đất nông nghiệp tối đa mà mỗi hộ gia đình, cá nhân được mua. Mức bao nhiêu sẽ do Uỷ ban TVQH quyết định theo nguyên tắc vừa khống chế tích tụ đất nông nghiệp ở mức hợp lý vừa không làm cản trở quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
Thực thi luật: không nhân danh từng bước để chần chừ
- Thưa, với tư cách là Trưởng ban soạn thảo dự án luật, Bộ trưởng kỳ vọng gì ở Luật Đất đai vừa được Quốc hội thông qua này?
- Hy vọng sẽ thực hiện được "ba xoá, ba xây". Ba xoá là xoá bao cấp về giá đất; xoá cơ chế ban phát về đất đai; xoá tiêu cực trong quản lý và sử dụng đất. Còn ba xây là xây dựng trật tự quản lý đất đai; xây dựng thị trường bất động sản lành mạnh và xây dựng lòng tin của nhân dân vào việc thực thi pháp luật đất đai. Tất nhiên để đạt được những điều đó, phải làm từng bước, từng bước một cách tích cực chứ không phải nhân danh từng bước để trì trệ. Cái gì làm được thì làm ngay, không chần chừ.
- Xin được hỏi câu cuối cùng, thưa Bộ trưởng, 10 năm qua chúng ta đã ba lần sửa đổi Luật Đất đai. Dự án luật được thông qua lần này đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, được sự đóng góp của nhiều cơ quan và đã đưa ra trưng cầu dân ý. Theo Bộ trưởng, dự án luật có đủ sức tháo gỡ những vướng mắc về đất đai hiện nay và liệu có phải sửa đổi nhanh như các lần trước?
- Có thể nói, những vấn đề nào vướng mắc, bức xúc trong quản lý và sử dụng đất đai mà chúng ta đã thấy đều đã được đưa vào luật. Kể cả những vẫn đề chưa diễn ra nhưng do tiên liệu được nên cũng đã đưa vào luật như khu kinh tế mở chẳng hạn... Tất cả những người tham gia xây dựng, thẩm tra, góp ý cho dự án luật đều hết sức cố gắng để hạn chế tình trạng luật vừa làm xong lại phải sửa.
Chủ tịch xã có quyền buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép
Bộ trưởng Mai Ái Trực nói: Luật Đất đai kỳ này giao cho chủ tịch UBND xã quyền buộc người xây dựng trái phép phải đình chỉ việc xây dựng và khôi phục tình trạng của đất trước khi vi phạm, cũng có nghĩa là buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép. Đây là vấn đề rất quan trọng. Vì nếu không giao cho xã, đợi cấp xã báo cáo lên cấp huyện để có quyết định cưỡng chế thì công trình xây dựng trái phép hoàn thành hoặc đến mấy tầng rồi. Hơn ai hết, chính quyền cấp xã biết rất rõ từng động thái trên địa bàn của mình. Ai chuẩn bị vật liệu, ai xây chỗ nào, lúc nào họ đều biết cả. Đây cũng là một chế tài, chủ tịch xã có trách nhiệm quản lý đất đai trên địa bàn, nếu để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép sẽ phải chịu trách nhiệm. |
|