|
Thu hoạch lúa thu-đông. |
Giá lúa hàng hóa ở ĐBSCL hiện đang ở mức 1.950-2.100 đồng/kg. Nhiều doanh nghiệp có mạng lưới thu mua rất mạnh, nhưng cũng thiếu lúa để mua; giá một số mặt hàng nông sản khác cũng tăng cao bất thường làm nông dân khấp khởi mừng, nhưng lại ảnh hưởng lớn đến hoạt động mua bán tại các chợ đầu mối và hoạt động xuất khẩu.
Giá các loại nông sản đồng loạt tăng cao
Tỉnh Cần Thơ có diện tích lúa thu-đông cao nhất khu vực ĐBSCL (trên 100.000ha). Cuối tháng 10/2003, nông dân đã thu hoạch xong, năng suất đạt 3,7 tấn/ha, tương đương 370.000 tấn lúa, nhưng ở thời điểm này, lúa hàng hóa chẳng còn bao nhiêu. Công ty Mekong có 6 điểm thu mua lúa đặt ở 6 địa bàn đều không có hàng để mua. Nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là thời điểm giáp hạt, lúa hàng hóa rất "hẻo". Ngoài ra, năm nay nguồn gạo và các phụ phẩm được giá do miền Bắc và miền Trung tiêu thụ một lượng gạo rất lớn ở ĐBSCL; vùng bán đảo Cà Mau diện tích trồng lúa giảm mạnh, do nông dân chuyển đất lúa sang nuôi tôm đã làm cho nhu cầu tiêu thụ gạo tăng mạnh từ năm 2001 đến nay.
Ở một số địa phương thuộc 2 tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp, giá lúa tăng đến 2.100 đồng/kg, nhưng các doanh nghiệp cũng không thu mua được lúa. Tại Nhà máy Xay xát Út An thuộc huyện vùng sâu Long Mỹ, Cần Thơ, giá lúa mua tại nhà máy là 1900-1.950 đồng/kg (tùy theo lúa hè - thu hay thu - đông), cao hơn hồi đầu vụ 300-350 đồng/kg. Các chủ nhà máy xay xát như Út An là kênh trung gian tiêu thụ lúa hàng hóa ở ĐBSCL. Sau khi thu mua và xay xát, doanh nghiệp này bán gạo lại cho thương lái giá 2.700 đồng/kg. Với giá này phần lãi nằm ở phụ phẩm tấm, cám. Giá tấm cám hiện nay là 2.500 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với hồi tháng 9/2003. Theo ông Út An, giá heo hơi tăng cao đã làm phong trào nuôi heo tăng mạnh, giá tấm, cám theo đó cũng leo thang! Các doanh nghiệp xay xát vừa và nhỏ thời điểm này có nhiều đầu ra: bán gạo nguyên liệu lại cho doanh nghiệp xuất khẩu, bán cho thương lái chở đến bán lại ở các chợ vùng bán đảo Cà Mau, lấy chêch lệch 300-400 đồng/kg gạo, tùy theo đoạn đường vận chuyển hàng hóa. Giá gạo xuất khẩu năm nay tăng khoảng 10-15 USD/tấn so với năm ngoái đã kích thích thị trường tiêu thụ lúa – gạo rất lớn. Có thể nói thắng lợi trong sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao vừa qua là Nông trường Cờ Đỏ – Cần Thơ. Trên 5.000ha lúa chất lượng cao, lúa thơm của nông trường được các đối tác tiêu thụ với giá rất cao 1.900-2.100 đồng/kg. Điều này cũng tác động rất mạnh đến phong trào sản xuất lúa hàng hóa ở ĐBSCL. Giá lúa hàng hóa bình quân từ đầu năm đến nay ở ĐBSCL là 1.650 đồng/kg, nông dân có thể lời 800-900 đồng/kg lúa. Đây là thắng lợi lớn, lợi nhuận của nông dân được tăng cao. Song, dự báo xuất khẩu gạo năm 2004 sẽ có nhiều thách thức cho Việt Nam vì các loại vật tư nông nghiệp như lúa giống, phân bón, thuốc trừ sâu, giá xăng đều tăng, sẽ làm chi phí và giá thành sản xuất lúa của nông dân đội lên rất cao.
Trong khi đó, tại chợ Trần Chánh Chiếu TPHCM, giá đường, đậu, bắp và các loại hoa màu đều tăng. Hiện giá mè tăng 3.500-5.000 đồng/kg so với tuần trước. Giá mè trắng hiện ở mức 23.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg), mè đen 21.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg), mè vàng 17.000 đồng/kg (tăng 500 đồng/kg). Đây là đợt tăng giá đột biến kể từ 2-3 năm nay. Nhiều mặt hàng nông sản khác cũng tăng giá. Lượng đậu về chợ ít, khoảng 70-80 tấn/ngày (giảm 10 tấn/ngày so với tuần trước), giá tăng từ 200-1.400 đồng/kg so với tuần trước. Hiện đậu xanh hột 7.800- 9.200 đồng/kg (tăng 1.400 đồng/kg), đậu đen 7.800-8.200 đồng/kg (tăng 200 đồng/kg)... Hiện nay, nông dân huyện Chợ Mới (An Giang) đang thu hoạch kiệu trái mùa, năng suất 25-30 tấn/ha. Giá mua của thương lái tại ruộng 3.600 đồng/kg (kiệu lá), nông dân lợi nhuận 6–7,5 triệu đồng/công. So thời điểm này năm trước, giá kiệu tăng 2.000 đồng/kg. Giá dưa leo cũng tăng vào những ngày gần đây. Giá mua thương lái tại ruộng 1.900 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so tuần trước. Được biết, các thương lái tập trung thu mua xuất về thị trường Hà Nội.
Nguyên nhân nào - mừng hay lo?
Vì sao đột nhiên nông sản tăng giá và hút hàng đến nỗi ở chợ Trần Chánh Chiếu buổi chiều vắng hoe, hoặc không có hàng để bán? Một số thương lái cho biết, nguyên nhân là do một số mặt hàng đang được các mối gom xuất khẩu qua Trung Quốc nên thị trường hút hàng. Thế nhưng, xuất khẩu qua Trung Quốc là xuất khẩu tiểu ngạch, hàng hóa không được đánh giá chất lượng đúng mức như xuất khẩu chính ngạch, đó là chưa kể hàng xuất khẩu thuần nguyên liệu, chưa qua chế biến. Điều này sẽ ảnh hưởng gì đến hoạt động sản xuất của nông dân và ảnh hưởng như thế nào đối với hoạt động xuất khẩu, nhất là xuất khẩu gạo? Theo Bộ Thương mại, chỉ tiêu xuất khẩu gạo năm 2003 của Việt Nam là 4 triệu tấn; đến đầu tháng 11 đã xuất khẩu được 3,2 triệu tấn. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL… tìm mua nguyên liệu rất khó khăn. Bà Phan Thị Tước – Vụ phó Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT) cho báo chí biết, sở dĩ xảy ra tình trạng tăng giá trên là do xuất khẩu tiểu ngạch đang thuận lợi, đây là tin vui đối với bà con nông dân vì nông sản tiêu thụ được, giá cao. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy rằng sự phát triển của công nghiệp chế biến còn chậm hơn sản xuất. Để khắc phục, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa công tác khuyến nông nhằm áp dụng rộng rãi tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bà Tước cho biết: "Với tình hình nông sản hiện nay ở nước ta, chúng ta phải đi bằng 2 chân: xuất khẩu nông sản khối lượng lớn đã qua chế biến, bằng con đường chính ngạch; còn xuất khẩu hàng tươi, thuần nguyên liệu thì phải đi bằng con đường tiểu ngạch, có như vậy mới giúp bà con tiêu thụ được hàng hóa, an tâm sản xuất".
(Theo SGGP)
|