Lỗ hổng ''hậu'' đăng ký kinh doanh
09:01' 10/11/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Luật Doanh nghiệp là một ''bà đỡ mát tay'', tạo điều kiện khai sinh các DN mới. Tuy nhiên, sau khi ra đời, nhiều DN đã gặp phải các trường hợp ''dở khóc dở cười'' khi có đến hàng chục DN trùng tên nhau. Một số trường hợp đã phải chịu sự can thiệp hành chính từ phía cơ quan Nhà nước. Ngay cả việc chuyển từ ''tiền kiểm'' sang ''hậu kiểm'' cũng khó thực hiện được khi chỉ có chưa đầy 20% số DN báo cáo tài chính theo quy định.

Công ty cổ phần Khách sạn Hữu Nghị từng chịu sự của thiệp hành chính.

83 DN có tên ''Bình Minh''

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, hiện tượng tên DN gây nhầm lẫn hoặc trùng hoàn toàn ngày càng nhiều. Cả nước có 8 DN có tên là ''Công ty TNHH Phương Đông'', 6 DN có tên ''DNTN Phương Đông'', 12 DN có tên ''Công ty TNHH Bình Minh'' và có tới 83 DN có từ Bình Minh trong tên đã đăng ký... Quản lý của Nhà nước ban đầu ở công tác đăng ký kinh doanh còn thể hiện yếu kém khi Tổng cục Thuế mới đây đã phát hiện ở TP.HCM có 1 cá nhân đã thành lập và đăng ký kinh doanh tới 6 DN ở TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương. Hay một đối tượng có lệnh truy nã về tội lạm dụng tín nhiệm ở tỉnh Hải Dương đã thành lập được 1 DN ở Gia Lai.

Ông Liên cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là quản lý đăng ký kinh doanh mới chỉ dừng ở các địa phương. ''Các loại nghiệp vụ này phải được xét ở tầm quốc gia nhưng với cách tổ chức cơ quan đăng ký kinh doanh như hiện nay thì ngay phạm vi cấp tỉnh cũng không đủ thông tin để bảo đảm chính xác các nội dung đã đăng ký'' - ông Liên nói.

Những tồn tại này tạo nên tranh chấp, khiếu nại giữa DN với cơ quan đăng ký kinh doanh, giữa các DN với nhau, nếu tiếp tục kéo dài thì số lượng tranh chấp ngày càng nhiều, môi trường kinh doanh bị rối loạn, gây tốn kém về thời gian và chi phí cho các DN. Theo ông Liên, nếu việc quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh không đủ thẩm quyền để tác động nghiệp vụ thì hoạt động đó chỉ mang tính chất tư vấn.

Ông Nguyễn Đình Cung, Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp cho biết, đến thời điểm hiện nay, cả nước mới có khoảng 1.000 cán bộ làm công tác đăng ký kinh doanh, trong đó 5 cán bộ ở trung ương, khoảng 280 ở cấp tỉnh và 700 ở cấp huyện. Với 3-4 cán bộ thuộc Phòng Đăng ký kinh doanh (thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư) không thể nắm được đầy đủ các thông tin về nhân thân của người thành lập và quản lý DN trong cả nước. Tất cả những vướng mắc đó đã được phê phán nhiều nhưng chưa chỉ ra được chủ thể đủ thẩm quyền để trực tiếp phối hợp với cơ quan đăng ký kinh doanh giải quyết. Chẳng hạn, vấn đề nhân thân đòi hỏi sự phối hợp của nhiều cơ quan ở trung ương và địa phương như toà án, công an, tư pháp, y tế trong đó phải có một đơn vị đứng ra điều phối chung.

Vừa buông lỏng, vừa can thiệp quá mức

Ông Nguyễn Đình Cung cho biết, sau hơn 3 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp, số DN báo cáo tài chính theo quy định chỉ chiếm khoảng 15-20% tổng số DN. Các báo cáo tài chính gửi đến cơ quan đăng ký kinh doanh để công khai hoá thường sơ sài, hình thức, số liệu thường thiếu chính xác và không đầy đủ. Đã thế, quy định thời gian xử lý là ''sáu tháng'' quá dài vì khi phát hiện DN vi phạm pháp luật thì đã quá muộn.

Cho đến nay, theo ông Cung, vẫn chưa có quy định hướng dẫn về phát hành chứng khoán ra công chúng (không niêm yết) để huy động vốn, về quản lý phát hành và giao dịch đối với loại chứng khoán đó. Một số công ty cổ phần đã phát hành cổ phiếu một cách ''vô tội vạ'', không có công bố báo cáo tài chính của công ty, mục đích sử dụng vốn huy động, báo cáo tài chính không được kiểm toán... Vì thế, người mua cổ phiếu mù tịt thông tin và sẽ chịu rủi ro rất lớn khi công ty ''có chuyện''. Nhiều vấn đề nhức nhối ''hậu cổ phần hoá'' thời gian gần đây như tranh chấp mua bán cổ phần, quyền quản lý công ty của cổ đông, công khai tài chính... cho thấy luật đang buông lỏng ở ''sân chơi'' này.

Ông Nguyễn Tuấn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, một số cán bộ ở các sở ngành chưa hiểu đúng về quản lý Nhà nước đối với DN. Có người cho rằng không lấy ý kiến các sở, ngành hữu quan là buông lỏng chức năng giám sát của Nhà nước đối với DN. Một số khác cho Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ quản của DN.

Chính vì quản lý buông lỏng, đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng DN thành lập để mua bán hoá đơn, lừa đảo... sau đó thì mất tích không thấy ''sủi tăm''. Một biện pháp mà ông Nguyễn Tuấn Minh đưa ra để cho nhiều tỉnh thành khác có thể tham khảo là hàng quý, Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với cơ quan thuế thực hiện đối chiếu số DN đang còn hoạt động có nộp thuế với số DN đã đăng ký kinh doanh trên địa bàn. Từ đó, để loại ra số DN có đăng ký kinh doanh nhưng không nộp thuế, tức không hoạt động kinh doanh và xác minh số DN đã ngưng kinh doanh một năm liên tục không khai báo để xử lý. Một vấn đề khác liên quan đến việc DN mất tích là trình tự thủ tục giải thể, hay phá sản chưa quy định cụ thể, rõ ràng, thiếu tính khả thi nên có DN ''chết'' nhưng không thấy có ''cáo phó''.

Một trong những bức xúc của các DN hiện nay là sự can thiệp mang tính chất hành chính vào hoạt động của DN, đặc biệt đối với các DN Nhà nước đã cổ phần hoá. Điều này vừa thể hiện thói quen của một số cán bộ đối với DN Nhà nước, đồng thời cũng thể hiện sự ''kém hiểu biết'' đối với Luật Doanh nghiệp. Gần đây có trường hợp một phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký một số văn bản, yêu cầu đình chỉ đại hội cổ đông Công ty cổ phần Khách sạn Phan Thiết, can thiệp hành chính trái pháp luật vào nội bộ DN. Hay ở Công ty cổ phần Khách sạn Hữu Nghị, UBND TP. Hà Nội đã có kết luận chung chung về tình hình hoạt động nội bộ công ty này.

Một số chuyên gia nhận xét: ''Luật Doanh nghiệp mới thực hiện được vai trò bà đỡ. Nhưng sau khi DN chào đời hay hoạt động theo Luật Doanh nghiệp thì vẫn còn nhiều lỗ hổng trong quản lý Nhà nước cũng như về khung pháp lý cho hoạt động của DN''. Tiếp nhận vấn đề này, tại Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp vừa diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã nói: ''Phải sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, qua thực tiễn 4 năm thi hành cần có những điều chỉnh cần thiết. Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội đẩy nhanh hơn việc thông qua Luật Doanh nghiệp mới''.

  • Thanh Minh
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Mở lại đường bay Jakarta - Singapore - TP.HCM (08/11/2003)
"Thay máu" cho nông, lâm trường quốc doanh (08/11/2003)
Chưa xem xét thời điểm tăng giá điện (08/11/2003)
Sẽ không xảy ra "sốt" gas vào dịp cuối năm (08/11/2003)
Sẽ xuất tự động hàng dệt may vào EU năm 2004 (08/11/2003)
Giá lúa gạo và một số loại nông sản tăng “kỷ lục” (07/11/2003)
Xóa nợ cho HTX phi nông nghiệp đã giải thể (07/11/2003)
Nhà nước định giá đất sát với giá thị trường là phù hợp (07/11/2003)
Giá lốp xe máy, ôtô tăng mạnh (07/11/2003)
Giá phân bón sẽ còn diễn biến phức tạp (06/11/2003)
DN chế biến tôm "học" luật chống bán phá giá (06/11/2003)
10 liên doanh nước ngoài kiện ngành điện (06/11/2003)
Vàng và USD lại giảm, VND thắng thế (06/11/2003)
Người chăn nuôi gà vịt... có hiệp hội (05/11/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang