Đây là một hình thức gian lận mới của một số doanh nghiệp trong khi làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hoá đã bị Cục Hải quan TP.HCM phát hiện, trong đó điển hình là Chi nhánh Công ty Cơ khí xây lắp điện và phát triển hạ tầng (TP.HCM) đã 4 lần làm giả văn bản giải toả cưỡng chế thuế cho 10 lượt tờ khai.
Từ lô hàng lưỡi lam nhập khẩu
|
Hải quan TP.HCM đã phát hiện nhiều vụ giả mạo giấy tờ để xuất nhập khảu hàng hoá. |
Ngày 5/11/2003, Chi nhánh Công ty Cơ khí xây lắp điện và phát triển hạ tầng (thuộc Tổng công ty Cơ khí xây dựng), quận 1, TP.HCM, đến Chi cục Hải quan Sài Gòn khu vực 2 làm thủ tục nhập khẩu lô hàng lưỡi lam dạng rời. Lô hàng này gồm có những 1.550 thùng carton lưỡi lam, có xuất xứ từ Malaysia. Theo quy định Chi nhánh Công ty Cơ khí xây lắp điện và phát triển hạ tầng đang nợ thuế xuất nhập khẩu, quá hạn không nộp thì bị cưỡng chế, không cho làm thủ tục nhập khẩu hàng hoá. Tuy nhiên khi làm thủ tục đăng ký đại diện Chi nhánh công ty này đã xuất trình văn bản số 67/NV-CC về tạm giải toả cưỡng chế thuế từ ngày 20/10 đến 10/11/2003 số thuế đang nợ trên 172 triệu đồng thuộc tờ khai Hải quan số 2890/NKD/KV2 do lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM ký. Văn bản tạm giải toả cưỡng chế này là bản photocopy được đóng dấu sao y bản chính và do Giám đốc Chi nhánh Công ty cơ khí xây lắp điện và phát triển hạ tầng Phạm Ngọc Hữu ký. Chính từ văn bản tạm giải toả cưỡng chế này, cán bộ Hải quan Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 2 đã chấp thuận cho Chi nhánh Công ty Cơ khí xây lắp điện và phát triển hạ tầng làm thủ tục nhập khẩu lô hàng nói trên.
Sau khi lô hàng được thông quan, cán bộ Đội thủ tục kiểm tra lại hồ sơ thấy nghi vấn văn bản tạm giải toả cưỡng chế này có "vấn đề", nên đã xác nhận tại Phòng Nghiệp vụ, Cục Hải quan TP.HCM. Qua kiểm tra, phát hiện văn bản giải toả cưỡng chế số 67/NV-CC ngày 7/5/2003 do Cục Hải quan TP.HCM ký là tạm giải toả cưỡng chế thuế cho Chi nhánh Công ty Xuất nhập khẩu Tổng hợp 1, (TP.HCM) chứ không phải cấp cho Chi nhánh Công ty Cơ khí xây lắp điện và phát triển hạ tầng. Như vậy văn bản số 67/NV-CC mà Chi nhánh Công ty Cơ khí xây lắp điện và phát triển hạ tầng nộp cho cơ quan Hải quan để giải toả cưỡng chế là giả mạo.
Báo động về nạn giả mạo Chứng từ giải toả cưỡng chế
Qua sự việc xảy ra tại Chi nhánh Công ty Cơ khí xây lắp điện và phát triển hạ tầng, Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 2 đã cho kiểm tra lại tất cả các bộ hồ sơ nhập khẩu gần đây của Chi nhánh Công ty này. Điều ngạc nhiên hơn, Chi nhánh Công ty Cơ khí xây lắp điện và phát triển hạ tầng đã 4 lần làm giả văn bản giải toả cưỡng chế của Cục Hải quan TP.HCM cho 10 lượt tờ khai, có lần số thuế nợ đang cưỡng chế lên tới hơn 475 triệu đồng. Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 2 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Chi nhánh Công ty Cơ khí xây lắp điện và phát triển hạ tầng về hành vi giả mạo chứng từ, hồ sơ Hải quan, chuyển Cục Hải quan TP.HCM xem xét xử lý.
Mới đây Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1, trong khi tiếp nhận hồ sơ xin đăng ký tờ khai hải quan của Chi nhánh Công ty Thăng Long, đã phát hiện văn bản tạm giải toả cưỡng chế thuế với số thuế trên 154 triệu đồng của đơn vị này là giả mạo. Trong khi cùng thời điểm ấy, Chi nhánh Công ty Thăng Long đang nợ hơn 700 triệu đồng tiền thuế xuất nhập khẩu trên toàn quốc.
Qua những vụ việc nêu trên, lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM đã có chỉ đạo cho các Chi cục Hải quan cửa khẩu, khi doanh nghiệp nộp văn bản tạm giải toả cưỡng chế thuế, công chức Hải quan phải yêu cầu DN xuất trình bản chính để đối chiếu.
Hình thức gian lận văn bản giải toả cưỡng chế thuế do các doanh nghiệp này thực hiện rất đơn giản, chỉ cần lấy phần đầu và phần cuối (có chữ ký, đóng dấu của cán bộ Hải quan) dán vào phần giữa văn bản tự tạo (tên công ty, số thuế đang nợ, thuộc tờ khai nào...), rồi photocopy, ký và đóng dấu công ty đề sao y bản chính là xong! Việc làm này của DN rõ ràng là giả mạo chứng từ, hồ sơ Hải quan, gian lận trong hoạt động xuất nhập khẩu, cần phải được xử lý nghiêm theo luật pháp.
(Theo Hải Quan)
|