|
Nông dân đang được hưởng lợi từ các dự án hỗ trợ KHCN của WB. |
(VietNamNet) - Vốn vay cho các dự án phát triển nông nghiệp của Việt Nam từ WB hiện đứng thứ hai thế giới, song mới sử dụng ở mức thấp. Vụ trưởng Vụ Phát triển nông thôn của Ngân hàng Thế giới(WB),ôngMarkWilson, khi trao đổi với phóngviên VietNamNet cho biết, thời gian tới, số vốn này có thể lên 9 tỷ USD, nếu không được sử dụng có hiệu quả, nhiều khả năng Việt Nam chỉ nhận được dưới 5 tỷ USD, mất tới 4 tỷ USD vốn.
Tại Hội nghị thảo luận về các dự án do WB tài trợ thuộc Bộ NN-PTNT, ông Lê Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT), cho biết, kể từ năm 1995, WB đã có 11 dự án phát triển thuộc Bộ NN-PTNT, với tổng số vay cam kết trên 900 triệu USD, vốn không hoàn lại gần 30 triệu USD. Song ông Minh cho rằng, tỷ lệ giải ngân vốn của các dự án thuộc Bộ NN-PTNT chỉ đứng ở mức trung bình, khoảng 51%, trong khi bình quân giải ngân vốn ở tất cả các ngành khác là 53%, cao nhất là giáo dục với 72%.
Theo WB, lĩnh vực nông nghiệp hiện chiếm nhiều nhất trong tổng số vốn vay WB dành cho Việt Nam, với 28%, tiếp đến là năng lượng 21%, giao thông 19%, phát triển đô thị 12%, giáo dục 9%, y tế 7%, quản lý công 2% và tài chính 2%. Với 10 năm ân hạn, lãi suất 0,75%/năm, đây thực sự là nguồn vốn vay có lợi cho các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn. |
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ, việc huy động nguồn vốn phát triển từ các kênh của WB là một trong những ưu tiên của Bộ NN-PTNT. Do vậy, hội nghị là dịp để thảo luận kỹ càng về cơ chế điều phối, năng lực quản lý và cơ chế tài chính đối với các chương trình, dự án.
Về cơ chế điều phối, theo Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, cả Bộ NN-PTNT cũng như WB đều cần phải nhanh chóng cải thiện. Sự phân cấp quản lý giữa các cấp, sự phối hợp quản lý giữa các lĩnh vực khác nhau, như thủy lợi, nông - lâm nghiệp, phát triển nông thôn cần được thể hiện trong cách thức xây dựng và thực thi các dự án.
Về năng lực quản lý, thực tế cho thấy, nếu năng lực quản lý tốt, dự án sẽ được thực hiện suôn sẻ và hiệu quả. Theo Bộ trưởng, WB cần có một chương trình đào tạo nâng cao năng lực quản lý dự án cho các Bộ, ban cũng như tại địa phương. Bộ NN-PTNT mong muốn có nguồn viện trợ không hoàn lại cho chương trình này. Vấn đề quan trọng hiện nay là quy định rõ trách nhiệm cho các ban quản lý dự án. Đặc biệt, cải tiến công tác lựa chọn nhân sự. "Nếu trong vòng 6 tháng, cán bộ dự án làm không tốt, không đảm bảo tiến độ, dự án không hiệu quả sẽ bị thay thế. Đây chính là một trong những lý do khiến cho tiến độ giải ngân thấp, mặc dù theo đánh giá của WB là trung bình", ông Ngọ nói.
Vướng mắc hiện nay về cơ chế tài chính là giữa các nhà tài trợ nói chung và WB nói riêng chưa có sự thống nhất về mặt phân cấp quản lý đầu tư. Phần lớn các khoản vay của WB cho các dự án đầu tư đều lớn, cùng với sự cam kết của các địa phương hưởng lợi. Trong khi đó, cơ chế và các thủ tục ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, đang cần tháo gỡ.
Trên thực tế, những vấn đề liên quan đến thủ tục phê duyệt các báo cáo tiền khả thi và khả thi, kế hoạch đấu thầu của các dự án là một vấn đề bức xúc trong việc chuẩn bị các dự án do WB tài trợ. "Bình quân, thời gian chuẩn bị một dự án của WB cho đến khi ký được Hiệp định vay phải mất hai năm - như vậy là quá dài. Tôi đề nghị nên rút xuống một năm", ông Ngọ nói. Trao đổi với VietNamNet, ông Wilson cũng đồng ý với đề xuất của Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, đồng thời nói rằng, hai bên cần rút kinh nghiệm, tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo chất lượng chuẩn bị, tiến độ thực hiện cũng như giải ngân các dự án.
Theo ông Lê Huy Ngọ, giai đoạn 2004-2005, ngoài mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nông nghiệp Việt Nam sẽ tập trung vào đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, để nông dân tiếp cận nhanh hơn với kinh tế hàng hóa. Bên cạnh đó, nâng cao trình độ KHCN, giống cây trồng, vật nuôi và chất lượng nông sản. Ông đề nghị, trong bản cập nhật về Chiến lược Phát triển nông thôn của WB, cần phải đưa ra được chương trình hành động cụ thể cho từng lĩnh vực, có thứ tự ưu tiên nhằm đạt được mục tiêu xóa đói giảm nghèo một cách bền vững.
|