(VietNamNet) - Sở NN-PTNT TP.HCM vừa có cuộc họp bàn về đề án đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng, phục vụ việc nuôi tôm sú bền vững ở hai huyện Cần Giờ, Nhà Bè. Các Sở ban ngành, cơ quan, cùng nhều nhà khoa học đã tham dự.
Theo Sở Nông nghiệp, từ năm 1998, diện tích nuôi tôm sú ở địa bàn hai huyên đã tăng lên nhanh chóng và hiện nay đã đạt trên 3.600ha, với sản lượng trong năm 2003 là 6.700 tấn. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn, phần lớn số diện tích trên được bà con nông dân nuôi theo dạng tự phát không nằm trong quy hoạch tổng thể dẫn đến việc bệnh tôm phát triển mạnh. Cụ thể vào mùa chính vụ (mùa khô), tôm sú thường bị bệnh đốm trắng và mùa mưa hay bị bệnh phân trắng.
Theo số liệu thống kê, tôm bị nhiễm bệnh chiếm diện tích khoảng 10%/năm chủ yếu là ở những hộ mua tôm giống trôi nổi rồi lây lan ra diện rộng. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho tôm bị chết hàng loạt ở Cần Giờ, Nhà Bè trong những năm vừa qua.
Để giải quyết tình trạng nuôi tôm sú tự phát như hiện nay, tạo cơ sở hạ tầng cũng như các dịch vụ cho việc phát triển nuôi tôm bền vững ở hai huyện, các ý kiến đều cho rằng phải phát triển hệ thống thủy lợi một cách đồng bộ để đưa nước dẫn và nhất là nước thải ở các ao nuôi tôm ra ngoài sao cho hợp lý. Song song đó, cần phải quy hoạch vùng nuôi tôm, lập các trại giống ngay trên địa bàn để sẵn sàng cung cấp giống cho bà con nông dân.
Các nhà khoa học đã khuyến cáo người dân chỉ nên nuôi 2 vụ/năm với thời gian một vụ từ 100 đến 120 ngày. Cũng trong cuộc họp này, vấn đề xử lý bùn đáy ao đã được các thành viên thảo luận rất kỹ vì theo nhiều nhà khoa học thì lượng bùn này là nơi mầm bệnh đã tích tụ nhiều năm để gây ra những bệnh cho tôm.
|