(VietNamNet) - Đó gần như là lời kêu gọi của các nhà khoa học và các chuyên viên tư vấn nước ngoài đối với chương trình xây dựng mô hình chính phủ điện tử tại VN.
Trong khuôn khổ hội thảo về “chính phủ điện tử - bài học quốc tế” tại TP.HCM, các diễn giả trong và ngoài nước đều cho rằng cần đẩy mạnh vai trò của nhà lãnh đạo trong quá trình đổi mới cơ chế vận hành của bộ máy hành chính nhà nước.
Cần quy hoạch tổng thể
Trong lời phát biểu của mình, ông Nguyễn Trọng - Chánh văn phòng chương trình quốc gia về Công nghệ Thông tin nhận xét: “chúng ta chỉ có thể đi tiếp với những lãng phí ít hơn nếu khẳng định được vai trò và vị trí của nhà lảnh đạo thông tin (CIO) và văn phòng CIO, đặc biệt cho mỗi địa phương!”.
Vai trò của CIO được các nước đang phát triển CPĐT xem trọng. Chính Hàn quốc, một quốc gia phát triển mạnh về Công nghệ Thông tin cũng rất tiếc vì trước kia đã thiếu chuẩn bị các vị trí CIO cho các bộ ngành, địa phương nên đã mất nhiều thời gian cho việc xây dựng CPĐT. VN chỉ mới bắt đầu thực hiện mô hình CPĐT nên có thể giảm bớt thời gian do rút kinh nghiệm từ các nước đi trước.
Các chuyên gia về Công nghệ Thông tin đều tán đồng với việc VN nên chọn những dự án đơn giản trong lộ trình xây dựng CPĐT. Như kiểu hệ thống đối thoại doanh nghiệp - nhà nước (www.doithoaidn.hochiminhcity.gov.vn) của TP.HCM hiện nay rất dễ dùng và tương đối dễ làm. Sau đó, có thể mở rộng ra ngoài để người dân có thể chất vấn cơ quan quản lý nhà nước các cấp về những việc cần phải điều chỉnh ngay. Thông qua môi trường Internet, công việc hành chính sẽ minh bạch và trôi chảy hơn so với thủ tục giấy tờ trước kia.
Quy trình tổ chức các công đoạn tin học hoá tại nhiều địa phương vẫn còn manh mún, mạnh ai nấy làm. Do đó, các tỉnh thành cần đặt ra một đề án tổng thể, xuyên suốt các ban ngành để có thể phối hợp với nhau. Đây cũng là kinh nghiệm của các quốc gia đi trước; họ đã bắt đầu khá vội nên sau này phải sửa chữa. Còn chúng ta tuy đi sau nhưng lại thấy được những bài học đó để tránh sai lầm.
Việc thiết lập mối liên kết qua mạng máy tính giữa nhân viên, lãnh đạo trong một cơ quan cần được làm ngay để cùng chia sẻ thông tin. Như thế sẽ hình thành một hệ thống dữ liệu và hạ tầng cơ sở cho việc tổ chức mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với nhau, giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp/người dân.
Kinh nghiệm đa quốc gia
Ông Thomas Park, chuyên viên Truyền thông và Liên lạc của quỹ châu Á (Mỹ) đã dẫn chứng một số kinh nghiệm ghi nhận tại nhiều quốc gia. Nhờ thực hiện chứng minh thư điện tử tại Thái Lan, người dân có thể xin cấp chứng minh thư tại bất kỳ tỉnh nào qua Internet mà không cần quay về địa phương cư trú. Hoặc quá trình đăng ký kinh doanh tại Trung Quốc đã được rút ngắn lại nhờ công cụ cấp phép trực tuyến.
Riêng Hàn quốc, có đến 84% người dân truy cập vào trang web của Chính phủ và điều này giúp cho mức độ liên lạc trực tiếp đến các cơ quan hành chính nhà nước giảm đến 57%. Có nghĩa là thông qua mạng thông tin diện rộng của Chính phủ, người dân đã giảm bớt thời gian đi đến cơ quan nhà nước.
Ông Wuttiwong Pongsuwan, cố vấn về Công nghệ Thông tin thuộc văn phòng thủ tướng Thái Lan cho biết: "thông qua trang web giành cho việc khiếu nại của nhân dân (www.rakang.thaigov.go.th), chỉ trong vòng một phút, lời phàn nàn của người dân đã được chuyển lên Chính phủ. Địa chỉ này được xem như tiếng chuông thỉnh cầu điện tử của người dân Thái Lan. Đồng thời, chính phủ đã ban hành một loại thẻ thông minh chứa đựng tất cả các loại giấy tờ như chứng minh thư, hộ chiếu, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bằng lái xe".
Khi chính quyền lên mạng
Theo báo cáo của Liên hiệp quốc về sự phát triển chính phủ điện tử trong quý IV/2003, có 173 nước đã có trang web riêng trên tổng số 191 thành viên. Tuy nhiên, chỉ có 15 Chính phủ các nước chấp nhận ý kiến đóng góp của người dân qua Internet, khoảng 30 Chính phủ chấp nhận các giao dịch qua mạng. Mỹ, Anh, Australia và Singapore là các quốc gia trong nhóm dẫn đầu về chính phủ điện tử. Riêng Việt Nam được xếp thứ 90, trên cả Bangladesh, Thái Lan và một số nước châu Phi. Tất cả 61 tỉnh thành tại VN đã được nối mạng và bước đầu sử dụng các tiện ích của Internet để trao đổi thông tin.
Tại TP.HCM, cổng thông tin "chính phủ điện tử" đầu tiên trên cả nước đã được thí điểm với trang web của UBND TP.HCM (www.hochiminhcity.gov.vn). Một trang web được các chuyên gia về công nghệ thông tin và viễn thông nước ngoài đánh giá rất cao. Riêng Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM đã triển khai dịch vụ công điện tử đầu tiên tại VN - đăng ký kinh doanh trực tuyến. Dịch vụ này trong giai đoạn đầu đã đáp ứng được được khoảng 30 - 40% yêu cầu hàng ngày của các doanh nghiệp.
Nếu như hiểu chính phủ điện tử theo ý nghĩa phục vụ nhân dân 24/24 và suốt 7 ngày trong tuần thì mô hình tin học hoá quản lý hành chính nhà nước tại Q.1 - TP.HCM cũng đáp ứng phần nào. Hiện nay, Q.1 đã ứng dụng tin học hoá để thực hiện quản lý hành chính công theo công thức "một cửa - một dấu". Một quán ăn trên địa bàn quận 1 có thể đăng ký kinh doanh qua Internet, sau đó nhận thông báo đến lấy giấy phép kinh doanh tại uỷ ban quận.
Theo ông Trần Quang Dũng, Giám đốc Trung tâm tin học TP.HCM, quận 1 - TP.HCM hiện nay là địa phương duy nhất trong cả nước đang tiếp cận gần nhất với chính phủ điện tử. Nhân dân quận 1 đang được thụ hưởng những tiện nghi ban đầu của một chính phủ điện tử.
|