(VietNamNet) - Thời gian tới, Đông Nam Bộ sẽ tập trung vào một số công trình then chốt như xây dựng thêm Nhà máy Lọc dầu, hoá dầu và phát triển ngành công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm...
|
Nhà máy Xi măng Tây Ninh chủ yếu sẽ phục vụ cho Đông Nam Bộ. |
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ đến năm 2010.
Chính phủ sẽ hỗ trợ
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phan Văn Khải cho biết: Chính phủ sẽ hỗ trợ Đông Nam Bộ để đạt được tỷ trọng giá trị công nghiệp vùng chiếm từ 50% trở lên so với cả nước. Những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động và gây ô nhiễm sẽ không để tại TP.HCM.
Theo Chính phủ, thời gian tới, Đông Nam Bộ sẽ tập trung vào một số công trình then chốt; Xây dựng thêm Nhà máy Lọc dầu, hoá dầu, bên cạnh trung tâm Khí - Điện - Đạm Phú Mỹ - Bà Rịa; giao Tổng công ty Dầu khí nghiên cứu, đề xuất cụ thể về địa điểm xây dựng hai nhà máy này. Ngành công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm cần được phát triển, tạo ra thị trường công nghệ để các doanh nghiệp có cơ hội lựa chọn, ứng dụng những công nghệ hiện đại; chú trọng đến các ngành dịch vụ, trong đó dịch vụ hàng không có ưu thế và cần được đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, Chính phủ đồng ý cho xây dựng Nhà máy Xi măng tại Tây Ninh công suất 1,4 triệu tấn/năm. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì cùng với địa phương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch này.
Một trong những chủ trương Chính phủ tập trung thời gian tới cho Đông Nam Bộ là chỉ đạo quy hoạch của vùng. Quy hoạch cần xây dựng chi tiết để phát huy thế mạnh của vùng, làm rõ những ưu tiên phát triển và các sản phẩm chủ lực... Bộ Kế hoạch Đầu tư sẽ chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng. Bộ Công nghiệp chi tiết hoá quy hoạch công nghiệp vùng và Bộ Giao thông xây dựng quy hoạch liên kết mạng giao thông... Chính phủ đang tiến hành việc mở rộng phân cấp, giao thêm quyền cho các địa phương đối với việc phát triển kinh tế vùng.
Chính phủ nhất trí sẽ bổ sung và điều chỉnh một số tuyến đường theo quy hoạch cho Đông Nam Bộ: Đường 13 giao Bộ GTVT chuẩn bị trình kế hoạch lên Thủ tướng, đường 14, đường 22 (đã ghi nguồn vốn trái phiếu Chính phủ)...
Các tuyến đường bộ khác như đường sắt, đường tàu điện ngầm từ TP.HCM qua Đồng Nai, Bình Dương, đường vành đai 4 (Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh) giao Bộ Giao thông xác định thứ tự ưu tiên và tính khả thi để bổ sung vào Đề án quy hoạch riêng cho Đông nam bộ. |
Quy hoạch chưa tập trung được tiềm lực của Đông Nam Bộ
Đông Nam Bộ là vùng công nghiệp nhưng theo Chính phủ, so với yêu cầu phát triển trong khu vực, quy mô sản xuất của vùng còn nhỏ bé, tiềm lực còn hạn chế, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Quy hoạch chưa trở thành tiền đề để tập trung tiềm lực đầu tư phát triển nhanh sản xuất và dịch vụ.
Do chưa tính toán kỹ và thiếu đồng bộ trong phát triển sản xuất và dịch vụ thời gian qua, phân bố và điều chỉnh của vùng còn nhiều điểm chưa hợp lý, gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, môi trường, nhất là tại các đô thị.
Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất chưa được hiện đại hoá làm chi phí cao và hiệu quả thấp. Nếu không nâng cao sức cạnh tranh, phấn đấu giảm chi phí thì hệ quả sẽ khiến nền kinh tế cả nước cũng phát triển chậm lại và không bền vững.
Hiện, kết cấu hạ tầng của vùng như đường, cảng, sân bay, thông tin nhìn chung chưa thể hiện những yếu tố phát triển; thị trường công nghệ thông tin còn bất cập, chưa gắn nghiên cứu giảng dạy với ứng dụng... Môi trường và nguồn nguyên liệu, dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất.
|