(VietNamNet) - Gần 1.040 tỷ đồng sẽ được "bơm" vào Hà Tĩnh thông qua các dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh này. Đó là cam kết mà các đầu tư trong và nước ngoài đã ký kết với chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Đàn ngày 25/11 tại TP.HCM.
|
Ông Đinh Đức Hữu (trái), Giám đốc công ty Công nghệ Việt Mỹ ký kết cam kết đầu tư với chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Đàn. |
Mười lăm dự án của 12 doanh nghiệp đang làm ăn tại Việt Nam (trong đó có cả doanh nghiệp Việt kiều) sẽ tạo nên một giá trị kinh tế và công ăn việc làm cho người lao động của Hà Tĩnh, vùng đất nghèo nàn về kinh tế và kém phát triển về hạ tầng cơ sở.
Công ty Vedan Việt Nam đầu tư dự án trồng và chế biến sắn với số vốn lớn 160 tỷ đồng. Dự án thương mại và dịch vụ của nhóm Việt kiều Quốc tế có trụ sở ở TP.HCM với vốn đầu tư 300 tỷ đồng, là dự án lớn nhất trong số 15 dự án sẽ đầu tư vào Hà Tĩnh. Công ty xây lắp điện III (Đà Nẵng) xây dựng khu du lịch sinh thái văn hóa Hoành Sơn với 130 tỷ đồng vốn đầu tư.
Công ty Công nghệ Việt Mỹ (do doanh nhân Việt Kiều đầu tư) đầu tư 110 tỷ cho ba dự án: trại tôm giống, chế biến thức ăn cho tôm và chế biến thủy hải sản. Công ty này đang thực hiện một số dự án tại Hà Tĩnh và đây là những dự án tiếp theo.
|
Thủy sản, ngành được khuyến khích đầu tư vào Hà Tĩnh. |
Cho đến nay, Hà tĩnh mới có 13 dự án trong nước và nước ngoài đầu tư vào tỉnh với kinh phí khoảng 115 triệu USD. UBND tỉnh đang kêu gọi đầu tư với những chính sách ưu đãi về thuế và đất đai. Tỉnh đưa ra 100 dự án kêu gọi đầu tư; đặc biệt các dự án luyện kim và cán thép được chính quyền tỉnh đặc biệt quan tâm vì tỉnh chủ trương phát triển Hà Tĩnh thành Khu công nghiệp luyện kim và cán thép của khu vực. Một số ngành nghề khác cũng đang được khuyến khích là công nghiệp chế biến, cơ điện - điện tử, hóa chất, cao su - nhựa, cơ khí, dệt - may, giày - da, nông nghiệp, thủy sản và dịch vụ du lịch.
Hà Tĩnh nằm ở Bắc Trung bộ Việt Nam, tiếp giáp với Lào. Đây là nơi giao thương chính giữa Việt Nam và Lào; có thể phát triển sang vùng Đông Bắc Thái Lan.
|