(VietNamNet) - Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2003 vừa khai mạc sáng nay (1/12) với sự đánh giá khá khả quan so với năm trước từ cả hai phía: Chính phủ Việt Nam và đại diện các tổ chức cũng như cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, gọi là ''hài lòng'' thì chưa hẳn...
|
Các đại biểu đang thảo luận về môi truờng kinh doanh tại Việt Nam. (Ảnh: Nguyên Vũ ) |
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam là hoạt động thường niên trong khuôn khổ Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ Việt Nam 2003. Phó thủ tướng Vũ Khoan, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh của Bộ Thương mại, Thứ trưởng Đặng Hùng Võ của Bộ Tài nguyên môi trường, Thứ trưởng Trương Chí Trung của Bộ Tài chính, ông Klaus Rohland - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, ông Deepak khanna, Giám đốc khu vực của IFC, ông Jean Michel Caldagues - Quyền chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Euro Cham)... đại diện các quốc gia cùng các đại diện tổ chức Quốc tế và đông đảo giới doanh nghiệp đang tiếp tục thảo luận về các vấn đề liên quan đến môi truờng kinh doanh tại Việt Nam.
''Việt Nam hài lòng về năm qua''
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh: ''Nay chúng ta có thể hài lòng về những gì đã làm được trong một năm đầy thử thách. Các chỉ tiêu kinh tế xã hội của Việt Nam đều đạt mức cao hơn dự kiến, GDP tăng khoảng 7,2-7,3 mức cao thứ hai trong khu vực châu Á''. Phó thủ tướng cho rằng thành tựu đó có sự đóng góp không nhỏ của các DN trong và ngoài nước, sự hỗ trợ của các nước và cá tổ chức quốc tế liên chính phủ và phi chính phủ đối với Việt Nam.
Ông Vũ Khoan cũng nhấn mạnh những nỗ lực lớn của phía Việt Nam trong việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, giúp các DN kinh doanh thuận lợi. Riêng trong năm nay, Quốc hội đã thông qua và sửa đổi 17 đạo luật, trong đó 11 đạo luật liên quan trực tiếp đến kinh tế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 7 pháp lệnh và 18 nghị quyết có quy phạm pháp luật và trong đó 5 văn bản liên quan trực tiếp về kinh tế. Chính phủ cũng thông qua 142 Nghị định và 253 nghị quyết phần lớn liên quan đến kinh tế. Trong năm 2004 sẽ có 17 luật và 16 Pháp lệnh sẽ được thông qua.
Chính phủ cam kết sẽ có nhiều biện pháp khác để hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng tạo dựng mặt bằng bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, xoá bỏ độc quyền kinh doanh, thu hẹp mạnh mẽ những biểu hiện bao cấp, bảo hộ... Theo ông Vũ Khoan, Chính phủ đã thống nhất những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới: cải thiện môi trường kinh doanh, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả đầu tư, tạo các bước phát triển mới trong quan hệ kinh tế đối ngoại, xuất nhập khẩu, đầu tư trực tiếp, tiếp nhận viện trợ...
Đại điện cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đã đánh giá tổng quan về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam và những giải pháp chính sách của Chính phủ. Ông cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung vào lành mạnh hoá tài chính và tăng vốn điều lệ cho các Ngân hàng thương mại, nghiên cứu việc cho phép ngân hàng phát hành cổ phiếu để thu hút vốn trong dân, có biện pháp thích hợp giảm mức lãi suất tín dụng đang cao hiện nay, tiếp tục cải cách hệ thống thuế, hỗ trợ các biện pháp cho DN giảm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, chất lượng lao động, tiếp tục huy động nguồn vốn trong nước để phát triển kinh tế, đẩy nhanh việc giả ngân ODA, tháo gỡ vướng mắc cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)...
Giảm nguồn nhân lực nước ngoài sẽ bất lợi cho chuyển giao công nghệ
Đánh giá cao những nỗ lực từ phía Việt Nam, nhất là từ các doanh nghiệp trong nước, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài chưa hết những băn khoăn. Ông Jean Michel Caldagues - Quyền chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Euro Cham) đã đưa ra một loạt kiến nghị. ''Trước hết, Chúng tôi e rằng Nghị định 105 của Chính phủ sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư hiện nay. Đặc biệt là trong hoàn cảnh cải tổ nhằm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc giảm nguồn nhân lực là người nước ngoài sẽ giảm đáng kể việc chuyển giao công nghệ và nguồn đào tạo. Việc ra một nghị định như vậy sẽ vấp phải nhiều khó khăn vì các nhân viên người nước ngoài thực sự là cần thiết trong mọi lĩnh vực. Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ việc đệ trình xin một cơ cấu giảm thuế cho các lĩnh vực đào tạo và xây dựng cho các tổ chức nước ngoài''.
Bên cạnh đó, ông Jean Michel Caldagues cũng cho rằng Nghị định 88 của Chính phủ là một tiến bộ nhưng lại không áp dụng cho các Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài. ''Trong Diễn đàn hôm nay chúng tôi muốn một lần nữa khẳng định lại đề nghị của chúng tôi rằng các Hiệp hội phải được coi như các tổ chức phi chính phủ (NGO) kể cả về khía cạnh tài chính. Chính phủ Việt Nam nên quan tâm và ủng hộ các Hiệp hội Doanh nghiệp hơn nữa bằng cách miễn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cho các nhân viên và miễn giảm thuế phí hội viên''.
Các thành viên của Eurocham cũng rất quan tâm đến vấn đề tạo sân chơi bình đẳng cho các loại hình DN tại Việt Nam. Với việc chuẩn bị gia nhập WTO, các Công ty châu Âu sẽ được đối xử bình đẳng như các công ty đã tham gia ký Hiệp định Thương mại. Tuy nhiên, một số công ty đã bắt đầu nhận thấy sự bất bình đẳng, đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thông và ngân hàng.
Về việc giám sát thực hiện các điều luật và nghị định, Eurocham đề cập đến đệ trình trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ và Doanh nghiệp tại TP HCM tháng 3/2003. Mặc dù Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp thông qua Diễn đàn Doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực và cố gắng, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc thực hiện các quy chế và luật pháp. Các doanh nghiệp châu Âu cho biết, họ muốn đệ trình việc lập ra một tổ chức đại diện giữa chính phủ Việt Nam và các Hiệp hội Doanh nghiệp để giám sát việc thực thi các nghị định và điều luật mới.
Cho đến hết tháng 9/2003, đã có 72.601 DN đăng ký theo Luật Doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong khi đó, chỉ có khoảng 45.000 DN đăng ký trong thời kỳ từ 1991 đến 1999 theo Luật Công ty và Luật DN tư nhân tại Việt Nam. |
|