Kết thúc Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam:
Các nhà tài trợ cam kết hỗ trợ VN 2,839 tỷ USD
21:05' 03/12/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Trái với dự đoán của nhiều người, năm nay số tiền tài trợ cho Việt Nam tăng đáng kể so với năm ngoái (2,4 tỷ USD). Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là con số viện trợ "cao kỷ lục".

Toàn cảnh Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam.

Trong số hơn 2,8 tỷ này, các nhà tài trợ song phương dành cho Việt Nam 1,605 tỷ, còn các nhà tài trợ đa phương chiếm 1,234 tỷ. Các nhà tài trợ hàng đầu cho Việt Nam vẫn là Nhật Bản ( 91,738 tỷ yên, tương đương 837 triệu USD), EU (528 triệu euro, tăng gần 10%), ADB (300-350 triệu USD), UNDP (61,1 triệu USD). Riêng EU tiếp tục khẳng định truyền thống là nhà viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam với 67% tổng vốn cam kết.  Theo ông Klaus Rohland giiám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt nam, mức tài trợ năm nay tương đối cao là do biến động trong tỷ giá hối đoái và sự sụt giá của đồng USD, nếu loại trừ nhân tố này thì ODA cho Việt Nam trong năm nay tăng xấp xỉ 200 triệu USD.

Phát biểu tại phiên bế mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã nhấn mạnh "Con số viện trợ này nói lên một điều quan trọng, đó là nó thể hiện cam kết của các nhà tài trợ ủng hộ chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, ủng hộ các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của chính phủ Việt Nam".

Chia sẻ ý kiến này, Đồng chủ tịch Hội nghị, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng cho dù có nhiều biến động trong tình hình thế giới nhưng các nhà tài trợ vẫn nhất trí duy trì, hoặc tăng đôi chút mức viện trợ cho Việt Nam là do Việt Nam đã tiến hành thành công chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực xoá đói giảm nghèo.

Sau phiên bế mạc, đại diện một số nhà tài trợ đã dành thời gian trả lời những câu hỏi của báo giới. VietNamNet xin lược ghi nội dung cuộc họp báo.

- VietNamNet: Thưa ông Klaus Rohland, vấn đề giải ngân ODA là một mối quan tâm lớn của các nhà tài trợ. Ông đánh giá như thế nào về tình hình giải ngân ODA của Việt Nam trong những năm qua? Xin ông cho biêt những giải pháp mới mà Hội nghị đã đề cập để thúc đẩy tốc độ giải ngân ODA?

- Ông Klaus Rohland:  Tôi đồng ý với quan điểm của nhiều nhà tài trợ là cần phải cải thiện nhiều hơn tốc độ giải ngân ODA. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý một điểm là mặc dù tốc độ này còn chậm nhưng trong nhiều lĩnh vực quan trọng như y tế, giáo dục,... Việt nam đã có sự cải thiện đáng kể. Về các biện pháp mới nhằm tăng hiệu quả ODA mà Hội nghị đưa ra chủ yếu tập trung vào vấn đề hài hoà hoá các thủ tục và nâng cao năng lực. Việc hài hoà hoá các thủ tục bao gồm hài hoà hoá thủ tục của các nhà tài trợ (làm sao để các nhà tài trợ sử dụng kỹ năng chung, lập quy trình nhanh hơn); hài hoà trong thủ tục của các Bộ ngành đơn giản hơn và sau cùng là hài hoà thủ tục giữa Chính phủ và các nhà tài trợ (Chính phủ tiến hành nghiên cứu các dự án, các nhà tài trợ thẩm định, xem xét). Đối với vấn đề nâng cao năng lực, chúng tôi sẽ có các khoá đào tạo về kỹ thuật giữa Chính phủ và các nhà tài trợ.

- Reuters: Tại sao Nhật Bản quyết định tăng viện trợ ODA cho Việt Nam trong khi hôm qua Chính phủ Nhật đã bày tỏ sự quan ngại đối với tốc độ giải ngân ODA của Việt Nam?

- Đại sứ Norio Hatori: Trước hết cần phải nói rằng, nếu tính theo đồng yên thì ODA của Nhật dành cho Việt Nam vẫn giữ nguyên như năm ngoái. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản quyết định giảm 6-7% mức tổng viện trợ cho các nước đang phát triển thì cam kết này chứng tỏ mối quan tâm lớn của Nhật Bản đối với Việt Nam. Song, tôi cũng muốn nói thêm rằng tốc độ giải ngân vẫn là điều mà chúng tôi quan ngại. Nếu chính phủ Việt Nam không đạt được tiến triển đáng kể nào trong vấn đề này thì ODA của Nhật dành cho Việt Nam trong năm tới không thể tăng đáng kể.

- Thanh Niên: Được biết, trong cuộc họp, Bà Đại sứ Thuỵ Điển đã đề xuất chương trình nghị sự gồm 6 điểm chống tham nhũng. Xin bà cho biết những giải pháp đó là gì?

- 6 điểm đề xuất của tôi là: 1, tạo khuôn khổ pháp lý; 2, thực hiện cải cách hành chính, cải cách nhân sự và tiền lương; 3, tăng cường dân chủ cơ sở, tính trách nhiệm và tính minh bạch; 4, thừa nhận vai trò quan trọng của báo chí trong công cuộc chống tham nhũng; 5, tiếp tục cải cách khu vực tài chính và doanh nghiệp nhà nước; 6, xem xét cho vay chính sách một cách kỹ càng. Rất vui mừng là chính phủ Việt Nam đã tán thành đề xuất này của chúng tôi.

- Saigon Times: Năm nay cũng là lần đầu tiên Việt Nam bắt đầu trả nợ nước ngoài. Liệu Chính phủ có lo ngại rằng sẽ tăng sự phụ thuộc vào các nhà tài trợ?

- Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Ở đây không hề có sự phụ thuộc của Chính phủ vào các nhà tài trợ. Chúng ta không bị bắt buộc phải cam kết theo yêu cầu của các nhà tài trợ mà đây hoàn toàn là cuộc trao đổi ý kiến, chín phủ đưa ra khuôn khổ, cơ chế, chính sách và các nhà tài trợ bình luận. Tôi cũng muốn nói thêm rằng các nhà tài trợ không yêu cầu điều gì khó khăn cho chúng ta cả mà tất cả những khuyến nghị đó đều phù hợp với lộ trình đổi mới của Việt Nam. Nếu chúng ta muốn thực sự đổi mới, muốn gia nhập vào WTO, chúng ta phải thực hiện những điểm đó, còn các nhà tài trợ không đặt điều kiện cho Việt Nam. Chúng ta thực hiện những đòi hỏi theo lộ trình hợp lý, phù hợp với hoàn cảnh của đất nước. 

- Một đại diện ngành ngân hàng: Việc tăng viện trợ là điều đáng mừng nhưng viện trợ không hoàn lại chỉ chiếm 30%. Điều này đồng nghĩa với nợ nước ngoài lớn. Nhiều chuyên gia ước tính tỷ lệ trả nợ nước ngoài của Việt Nam có thể lên tới 5% GDP. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Ông Võ Hồng Phúc:  Tôi xin khẳng định rằng giới hạn vay này nằm dưới mức an toàn cho phép. Các báo cáo của Chính phủ đều chỉ rõ chúng ta hoàn toàn có khả năng trả được nợ.

Ông Klaus Rohland: Tôi cũng muốn nói thêm rằng so với chuẩn mực quốc tế thì mức trả nợ của Việt nam là tốt. 2/3 số viện trợ là dưới hình thức cho vay ưu đãi với mức lãi xuất danh nghĩa. Tuy vậy, cần lưu ý nếu khoản tiền này không được đầu tư thích đáng và không đạt hiệu quả thì sẽ là một thách thức đối với chính phủ Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn VietNamNet, Đại sứ Italia, nước Chủ tịch đương nhiệm EU Luigi Scolari cho biết: "Sở dĩ Liên minh Châu Âu tăng mức viện trợ cho Việt Nam bởi vì chúng tôi muốn giúp đỡ Việt Nam trong cuộc chiến chống đói nghèo và nhằm đạt được sự phát triển tốt. Chúng tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy nhanh tốc độ cải cách pháp lý hướng tới một nền kinh tế thị trường toàn diện hơn. Trong bối cảnh nguồn ODA trên thế giới đang có xu hướng giảm xuống, việc EU tăng mức viện trợ này đã chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của EU trong việc hỗ trợ Việt Nam. Bên cạnh đó, việc duy trì viện trợ cao cho Việt Nam còn có một lý do khác: đó là mối liên kết bền chặt giữa Việt Nam và các nước EU về mặt văn hoá, lịch sử, chính trị. Hơn nữa, điều này khẳng định vai trò quan trọng của EU trong khu vực, chứ không riêng gì Trung Quốc hay Nhật Bản. Năm tới, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Diễn đàn Á-Âu lần 5 (ASEM 5), một hội nghị hết sức quan trọng giữa các nhà lãnh đạo Châu Âu và ASEAN. Vì thế, nói cách khác, điều này thể hiện thiện chí và sự ủng hộ của EU đối với Việt Nam".
  • V.Lâm

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Hoãn cuộc gặp giữa các đại gia xuất khẩu gạo (03/12/2003)
Thăng trầm nghề nuôi cua lột (02/12/2003)
Ngành Dầu khí, Điện lực, Viễn thông cũng cần cổ phần hoá (02/12/2003)
Tiến bộ nhiều, nhưng tồn tại không ít… (02/12/2003)
Khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2003 (01/12/2003)
Bức bối vi phạm hành lang bảo vệ công trình xăng dầu (28/11/2003)
Xuất khẩu đã đạt 99% kế hoạch năm (28/11/2003)
Khai mạc Triển lãm CNTT và Lễ hội phần mềm VN lần 2 (27/11/2003)
Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu tiêu (27/11/2003)
Nông dân được miễn thuế sử dụng đất trong hạn mức (27/11/2003)
Sẽ có nhiều ưu đãi đầu tư vào hạ tầng nông thôn (26/11/2003)
Miễn thuế hàng dưới 500.000 đồng nhập từ Lào, Campuchia, Trung Quốc (26/11/2003)
Trên 1.000 tỷ đồng sẽ được "bơm" vào Hà Tĩnh (26/11/2003)
Hạ Long sẽ là thành phố công nghiệp vào năm 2020 (25/11/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang