Nợ xây dựng cơ bản tồn đọng: ''Quýt làm... quýt chịu''
15:09' 04/12/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Con số nợ xây dựng cơ bản cả nước hiện đã lên tới 11.000 tỷ đồng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2004, các bộ, ngành, địa phương có nợ đọng phải tự lo cân đối ngân sách để trả nợ.

Đầu tư dàn hàng ngang và kéo dài

Nhiều dự án đầu tư xây dựng kéo dài do vướng giải phóng mặt bằng.

Ông Trần Đình Khiển, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài và kém hiệu quả vẫn còn phổ biến. Năm 2003, số lượng các công trình, dự án nhóm B và C do địa phương bố trí tăng khoảng 40% so với năm 2002 (2.500 dự án). Số vốn các dự án nhóm A chỉ chiếm khoảng 15%, nhóm B chiếm 29%, còn lại 56% số vốn dành cho dự án nhóm C.

Qua khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong năm nay, có khoảng trên 10.000 dự án thuộc nhóm B và C đang thực hiện nhưng chỉ có khoảng 20% kết thúc đầu tư và đưa vào vận hành. Nếu theo quy định, dự án nhóm B phải hoàn thành là 4 năm và dự án nhóm C là 2 năm, thì số dự án nhóm B, C hoàn thành năm nay phải là 38%. Như vậy, ngoài sự bùng phát dự án nhóm B và C thì nhiều dự án đã chậm tiến độ.

Đối với các bộ, ngành trung ương, số vốn dành cho các dự án nhóm C chỉ chiếm 30%. Tuy nhiên việc bố trí vốn dàn trải những năm trước đây đã để lại gánh nặng, đặc biệt là các công trình giao thông, thuỷ lợi.

Nguyên nhân đầu tư dàn trải, kéo dài mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là do công tác quản lý đầu tư của nhiều bộ, ngành, địa phương còn lỏng lẻo. Bên cạnh đó, công tác giám sát đánh giá đầu tư thiếu chế tài quy định trách nhiệm của cá nhân và tập thể. Đầu tư kéo dài còn do vướng giải phóng mặt bằng, giải ngân, thanh toán khối lượng vốn đầu tư, thủ tục thanh toán phức tạp... Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây chỉ là những nguyên nhân ''ngọn'', còn gốc rễ của vấn đề là đầu tư thiếu quy hoạch, không tính kỹ đến hiệu quả. Còn một số chủ đầu tư chỉ nghĩ đến chuyện có dự án là... có tiền.

7.266 tỷ đồng nợ ''ngoài kế hoạch''

Ông Trần Đình Khiển thừa nhận rằng, nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản đang là vấn đề bức xúc hiện nay. Việc thanh toán các khoản nợ này vượt quá khả năng cân đối của ngân sách và khó có thể xử lý dứt điểm trong thời gian ngắn. Số nợ xây dựng cơ bản đã lên tới 11.000 tỷ đồng, bằng 25% tổng đầu tư từ nguồn ngân sách và bằng hơn 50% vốn xây dựng cơ bản từ ngân sách năm 2003. Trong đó, các bộ, ngành trung ương nợ khoảng 3.700 tỷ đồng, chủ yếu là nợ của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Còn lại các tỉnh và thành phố nợ khoảng 7.400 tỷ đồng.

Trong số 11.000 tỷ đồng, tới hơn 66% (khoảng 7.266 tỷ đồng) tiền nợ nằm ngoài kế hoạch, vượt tổng dự toán, không hoàn thành trước năm 2002. Số nợ đọng còn lại là 3.734 tỷ đồng. Trong đó, các tỉnh thành phố, nợ khoảng 2.844 tỷ đồng, các bộ, ngành trung ương khoảng 790 tỷ đồng (Bộ Giao thông Vận tải nợ 604 tỷ đồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 170 tỷ đồng...).

Tự lo trả nợ

Theo ông Trần Đình Khiển, Thủ tướng đã có chỉ đạo, từ năm 2004, các bộ ngành, địa phương không được triển khai vượt khối lượng vốn đầu tư đã được giao. ''Bánh'' ngân sách trung ương sẽ không ''cam chịu'' thanh toán các khoản nợ đầu tư cho các bộ, ngành địa phương mà ''quýt làm thì quýt chịu''. Thanh toán nợ đầu tư xây dựng cơ bản cho các đối tượng này phải lấy từ ngân sách năm sau của chính địa phương đó, ngành đó.

Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương rà soát lại khối lượng nợ đọng thực tế, loại bỏ những khoản ''ngoài kế hoạch'', không có trong dự toán được phê duyệt. Đồng thời, chỉ xem xét, thanh toán khối lượng nợ của các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2000 đến hết năm 2002, không vượt tổng dự toán được duyệt, khối lượng nợ hoàn thành được cơ quan thanh toán vốn xác nhận.

Thủ tướng cũng chỉ đạo hạn chế mức tối đa các dự án khởi công mới nếu xét thấy chưa thật bức bách để tập trung vốn tăng thêm số dự án hoàn thành trong năm 2004. Nếu còn các dự án thuộc nhóm B kéo dài quá 4 năm, nhóm C kéo dài quá 2 năm thì không khởi công thêm các dự án mới.

  • Thanh Minh
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Các nhà tài trợ cam kết hỗ trợ VN 2,839 tỷ USD (03/12/2003)
Hoãn cuộc gặp giữa các đại gia xuất khẩu gạo (03/12/2003)
Thăng trầm nghề nuôi cua lột (02/12/2003)
Ngành Dầu khí, Điện lực, Viễn thông cũng cần cổ phần hoá (02/12/2003)
Tiến bộ nhiều, nhưng tồn tại không ít… (02/12/2003)
Khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2003 (01/12/2003)
Bức bối vi phạm hành lang bảo vệ công trình xăng dầu (28/11/2003)
Xuất khẩu đã đạt 99% kế hoạch năm (28/11/2003)
Khai mạc Triển lãm CNTT và Lễ hội phần mềm VN lần 2 (27/11/2003)
Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu tiêu (27/11/2003)
Nông dân được miễn thuế sử dụng đất trong hạn mức (27/11/2003)
Sẽ có nhiều ưu đãi đầu tư vào hạ tầng nông thôn (26/11/2003)
Miễn thuế hàng dưới 500.000 đồng nhập từ Lào, Campuchia, Trung Quốc (26/11/2003)
Trên 1.000 tỷ đồng sẽ được "bơm" vào Hà Tĩnh (26/11/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang