(VietNamNet) - Theo Bộ Thuỷ sản, diện tích nuôi tôm đến cuối năm 2002 đã tăng gần gấp đôi so với năm 2000. Cùng với sự gia tăng về diệc tích nuôi tôm, dịch bệnh tôm cũng đang tăng.
|
Nguy cơ lây lan bệnh cũng bắt nguồn từ tôm giống. |
Cả nước có khoảng 500.000ha là diện tích mới chuyển đổi từ trồng lúa, cói, làm muối và đất hoang hoá sang, chủ yếu là để nuôi tôm sú. Thực tiễn quá trình chuyển đổi 3 năm qua cho thấy dịch bệnh tôm đang trở thành rào cản đáng lo ngại, năm nào cũng xảy ra và ở khắp các vùng nuôi.
Nhiễm bệnh tràn lan
Đầu năm 2001, tôm sú đã chết hàng loạt, trên diện rộng ở ĐBSCL, được coi là “đại dịch tôm sú’'. Tại các vùng mới chuyển đổi, đã có 20.854ha bị thiệt hại; một số vùng ở Cà Mau thiệt hại tới hơn 80%.
Nôn nóng chuyển đổi tự phát, không có kỹ thuật, hạ tầng thuỷ lợi chưa có là những nguyên nhân chính làm cho bệnh đốm trắng phát tán và lan tràn. Vụ đầu năm 2002, bệnh tôm lại tái diễn ở ĐBSCL, được xác định là do hạ tầng chưa cải thiện, môi trường nuôi quá xấu. Đến hết tháng 9/2003, số diện tích nhiễm bệnh ở Kiên Giang là hơn 8.000ha, Cà Mau bị hơn 232ha; nhất là miền Trung thất bại nặng nề khi Khánh Hoà, Phú Yên, Quảng Nam, Ninh Thuận có hàng nghìn ha tôm bị nhiễm bệnh. Riêng thiệt hại của Khánh Hoà ước tính 26,6 tỷ đồng, Bình Định 40 tỷ.
Thành công của quá trình chuyển “từ lúa sang tôm’' theo tinh thần NQ 09/2000 của Chính phủ là trong thời gian ngắn đã tăng gấp đôi diện tích NTTS. Sản lượng NTTS cũng tăng nhanh, nhất là tôm sú, đây là nguồn nguyên liệu đáng kể trong chế biến, từ 66.704 tấn tôm xuất khẩu (2000) đến 186.600 tấn (2002). Năm 2003, diện tích nuôi tôm đã đạt 520.000ha, cho hơn 170.000 tấn. Xuất khẩu tôm cũng đã vượt qua 1 tỷ USD, chiếm khoảng 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ngoài lợi ích kinh tế, việc mở rộng diện tích nuôi tôm đã tạo thêm hàng trăm nghìn việc làm cho người lao động ven biển, vùng sâu, bộ mặt nông thôn phần nào được đổi mới, công cuộc xoá đói giảm nghèo cũng bớt đi gánh nặng. |
Đặc biệt, ngoài bệnh MBV, đốm trắng từ những năm trước, năm nay xuất hiện thêm một số bệnh mới ở tôm như teo gan, phân trắng, mà vụ vừa qua đã làm người dân Sóc Trăng một phen khốn đốn. Làm việc với 4 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Thuỷ sản Tạ Quang Ngọc cho rằng, “bệnh dịch vẫn đang là một rủi ro lớn cho NTTS nói chung và nuôi tôm nói riêng do sự chuyển dịch diễn ra quá nhanh, trong khi vốn đầu tư có hạn và công tác quy hoạch chưa theo kịp”.
Quan trọng số một là giống
Khảo sát của Trung tâm nghiên cứu thuỷ sản III (Bộ Thuỷ sản) cho thấy, nếu tôm bố mẹ bị nhiễm bệnh, tôm giống có nguy cơ nhiễm cao, đặc biệt với bệnh MBV. Tôm giống sản xuất trong nước hiện tập trung ở miền Trung, trong đó, riêng Khánh Hoà đã có hơn 1.000 trại, cung cấp khoảng 7 tỷ tôm post cho cả nước. Với mật độ xây dựng trại giống ngày càng dầy, việc tuân thủ quy hoạch và các tiêu chuẩn xử lý thải hạn chế, ấu trùng tôm có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Phòng bệnh học của Trung tâm NCTS III, đã phát hiện 30/54 mẫu kiểm tra tôm bố mẹ nhiễm MBV, với mẫu tôm post bị nhiễm là 40,5%.
Ngoài tôm bố mẹ khai thác tự nhiên, năm 2002, Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi thuỷ sản TPHCM cũng đã phát hiện nhiều lô tôm bố mẹ nhập từ Australia, Singapore bị bệnh và phải tiêu huỷ. Đối với khu vực Quảng Ninh, việc nhập khẩu tôm giống từ Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, chưa qua kiểm soát cũng có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Đã đến lúc vấn đề quản lý, kiểm dịch giống cần được đặt ra cấp thiết.
Yếu tố môi trường
Tôm sú không thể nhiễm bệnh nếu được nuôi trong môi trường tốt, kể cả khi tôm đã có mầm bệnh cũng khó phát tán. Quan trọng hơn, môi trường nuôi tốt sẽ tránh được bệnh lây lan trên diện rộng, điều này đòi hỏi hạ tầng thuỷ lợi và ý thức cộng đồng cũng như kỹ thuật nuôi, xử lý chất thải phù hợp với từng hình thức nuôi cụ thể.
Các chuyên gia thuỷ sản đánh giá, môi trường và bệnh là hai khía cạnh tương hỗ. Các biến động môi trường là nguyên nhân thường gây bộc phát bệnh. Song, trên thực tế hiện nay, môi trường nuôi đang ở mức báo động. Tại Hội thảo môi trường NTTS Việt Nam năm 2003, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về tình trạng môi trường quá tải. "Việc phát triển nuôi tôm ồ ạt thời gian đầu chuyển dịch cơ cấu đã làm suy giảm hệ sinh thái ven biển, ô nhiễm môi trường nặng do chất thải không được xử lý. Trong khi đó, hệ thống thuỷ lợi thiếu trầm trọng, hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường lại chưa được hình thành đầy đủ”.
Vụ nuôi vừa qua, người dân Phú Yên đã gánh chịu hậu quả từ việc quá tải môi trường. Tại vùng Bàn Thạch, nơi có 1.000ha nuôi tôm, chỉ 10% hộ nuôi có lãi. Đã 5-6 vụ qua, người nuôi tôm ở đây thua lỗ, mà nguyên nhân được các chuyên gia thuỷ sản Phú Yên nhận định là do môi trường. Nhưng họ chỉ thấy tôm chết, chậm lớn mà không nhận ra đó là do môi trường đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Lỏng trong quản lý thuốc thú y
Kết luận của một đề tài cấp Bộ đã cho thấy: “Sử dụng thuốc, hoá chất, thức ăn không hợp lý sẽ gây ô nhiễm môi trường, gây chết tôm, đó là chưa kể ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng”. QĐ 17/2002 của Bộ Thuỷ sản đã quy định 326 sản phẩm thuốc thú y được phép và hạn chế dùng trong NTTS. Danh mục thuốc, hoá chất, chế phẩm sinh học được nhập khẩu không phải xin phép cũng đã có. Tuy nhiên, trên thực tế, ngành đã không kiểm soát được đầy đủ các loại thuốc, hoá chất, chế phẩm sinh học đang lưu hành trên thị trường.
Tại miền Trung, một điều tra cho thấy có đến 413 loại thuốc, hoá chất, chế phẩm sinh học được sử dụng, nhưng cơ quan chức năng chỉ quản lý được 150. Chỉ riêng tại Quảng Ninh, đã có hơn 209 loại thuốc, hoá chất đang được dùng, song, trong đó có đến gần 50% xuất xứ từ Trung Quốc (85 loại), và rất nhiều sản phẩm không có tên trong danh mục cho phép. Việc khuyến cáo nhân dân sử dụng các chế phẩm sinh học thay cho thói quen dùng kháng sinh đang là đòi hỏi cấp thiết.
Bài toán phát triển bền vững
Trước hết, cần cung cấp đủ giống có chất lượng và “sạch bệnh”. Muốn vậy, ngành phải kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất giống; đột phá về thuỷ lợi. Về phương diện quản lý vĩ mô, cần nhanh chóng quy hoạch xong các vùng nuôi, ban hành các tiêu chuẩn ngành như chất lượng nước, xử lý chất thải, vùng nuôi an toàn. Hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường cần được gấp rút hoàn thành để giúp người nuôi phòng ngừa dịch bệnh. Song song đó, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức quản lý cộng đồng bảo vệ môi trường; hướng dẫn lịch thả tôm; có phương thức, kỹ thuật nuôi hợp lý; quản lý và hướng dẫn sử dụng chế phẩm và thuốc thú y thuỷ sản.
|