(VietNamNet) - Tin từ Bộ Thủy sản cho thấy, trong năm 2003, thủy sản Việt Nam đã có mặt trên 77 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 17 thị trường mới. Tỷ trọng sản phẩm GTGT cũng tăng thêm 30,5% về khối lượng, gần 74% về giá trị so với cùng kỳ năm 2002.
|
Nguyên liệu sạch là yêu cầu số một để thủy sản VN vào EU. |
Liên tục trong năm, dưới sự chỉ đạo của Bộ, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã cùng các DN tiến hành nhiều hoạt động phát triển thị trường. Đã có nhiều đoàn DN thủy sản đi khảo sát thị trường, tham dự hội chợ và các hội thảo quốc tế. Theo VASEP, thủy sản Việt Nam đã có mặt tại nhiều thị trường mới, như Lào, Papua New Ghine, Sri Lanka, Samoa, Burundi... , chứng tỏ chúng ta đã thực hiện tốt việc đa dạng hóa thị trường.
Song song đó, Bộ Thủy sản cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu thấu đáo các quy định, luật lệ của thị trường nhập khẩu thuỷ sản để hướng dẫn DN có biện pháp hữu hiệu vượt qua các rào cản.
Trong nước, tỉnh Cà Mau đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản cao nhất, ước đạt 410 triệu USD trong năm nay; ngoài ra là các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ, Khánh Hòa. 5 tỉnh này chiếm tới 1/2 kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước. |
Đến nay, cơ cấu thị trường có sự thay đổi đáng kể so với năm 2002. Thị trường Hoa Kỳ tăng nhanh, chiếm khoảng 38% về giá trị; Nhật Bản với 26,4%; Trung Quốc và Hongkong giảm mạnh, hiện chỉ chiếm 6,98% (so với 16,25% của năm 2002). Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản sang Australia tăng 76%; Canada tăng 18%.... Giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản vào EU cũng tăng tới 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây còn là thị trường tiềm năng khi EU dự kiến mở rộng thêm 10 nước trong năm 2004.
Tôm đông lạnh hiện vẫn là mặt hàng xuất khẩu chính, tính đến hết 20/11 đã đạt giá trị 1,115 tỷ USD, chiếm 48,5% giá trị thuỷ sản xuất khẩu, tăng 17,8% về sản lượng và 14,3% về giá trị với cùng kỳ (trong đó, riêng xuất khẩu tôm vào Mỹ ước đạt gần 500 triệu USD, chiếm 65% tôm xuất khẩu). Tiếp sau đó là cá đông lạnh, đạt 453 triệu USD, chiếm tỷ trọng 20,9%, tăng 5,8%. Trong khi đó mực, bạch tuộc đông lạnh và mực khô lại giảm 1,17% so với cùng kỳ, chỉ đạt khoảng 90 triệu USD.
Theo Bộ Thủy sản, riêng 4 thị trường lớn là Mỹ, Nhật Bản, EU và Trung Quốc đã chiếm tới 3/4 giá trị kim ngạch xuất khẩu (khoảng 77,4%), phần còn lại là hơn 60 nước và vùng lãnh thổ.
Một chuyên gia thủy sản nhận định, trong năm 2004, ngành thủy sản nên cân nhắc có nên tiếp tục mở rộng thị trường hay đi vào chiều sâu, như khai thác các mảng trống tại các thị trường lớn và truyền thống, như Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc... và một số nước châu Á khác. Việc mở thêm được thị trường mới là rất quý, nhất là khi xuất khẩu thủy sản đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, trong số các thị trường mới, một số thị trường chỉ ở dạng nhỏ, nhập một vài container có giá trị vài chục nghìn USD - con số không đáng kể so với nỗ lực mà chúng ta bỏ ra. Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc mới đây cũng đã nhận định rằng giá trị kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường mới không bù đắp được giá trị xuất khẩu bị giảm tại các thị trường đã có. Do vậy, Bộ Thủy sản phải có chiến lược về thị trường, về đối tượng xuất khẩu, chẳng hạn như con cá rô phi, đã bàn nhiều trong 2-3 năm lại đây nhưng đến nay vẫn mù mờ về sản lượng cũng như thị trường xuất khẩu; trong khi đó, con tôm càng xanh chưa được chú trọng nhưng lại đang phát triển tốt.
|