Giải quyết 1.700 tỷ đồng nợ thủy lợi như thế nào?
09:50' 18/12/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Được đầu tư 1.772 tỷ đồng cho xây dựng cơ bản ngành NN-PTNT năm 2003, song đến nay, số tiền nợ đọng về thủy lợi cũng gần tương đương. Để trả được số nợ trên mà vẫn đảm bảo tiến độ các công trình trọng điểm, kế hoạch xây mới, đang làm lãnh đạo ngành đau đầu.

Thứ trưởng Phạm Hồng Giang.

VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phạm Hồng Giang xung quanh vấn đề này.

- Theo tính toán của Bộ NN-PTNT thì nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngành lên tới 5.000 tỷ đồng, trong khi Chính phủ chỉ đồng ý cấp 1.672,8 tỷ đồng, vì sao lại có sự chênh lệch này?

- Đó là do nguồn thu của Nhà nước có hạn. Chính phủ phải cân đối các nhu cầu và từ đó, phân bổ cho các ngành, tùy theo mức độ. Đối với các công trình thủy lợi lớn, vừa qua, Chính phủ đã rất quan tâm thông qua phát hành trái phiếu, tạo điều kiện để triển khai các công trình thủy lợi trọng điểm rất có ý nghĩa về kinh tế - xã hội.

- Tại sao chúng ta lại để xảy ra tình trạng nợ nhiều như vậy đối với các công trình thủy lợi, thưa Thứ trưởng?

- Đặc điểm thứ nhất của công trình thủy lợi là đã làm dở thì phải làm cho xong, không bỏ giữa chừng được vì khi gặp lũ sẽ trôi  hết những gì làm được trong mùa khô. Do đó, chúng ta phải làm cố. Nếu làm cố, làm sớm lên một năm chẳng hạn, thì sẽ cho hiệu quả sớm. Nước thì năm nào cũng thế, mình không dùng nó sẽ chảy đi hết. Giữ nước được trong mùa mưa năm nay thì mùa khô năm tới sẽ phát huy hiệu quả, như một số hồ ở Tây Nguyên.

Thứ hai, yêu cầu về thủy lợi ngày càng bức thiết do thiên tai ngày một khắc nghiệt. Thứ ba, việc chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp, trong nền kinh tế cũng đòi hỏi nhiều về nước. Trước đây, chúng ta chỉ phải lo nước cho cây lúa, bây giờ phải lo cho cả thủy sản, mía, các loại cây trồng khác; các KCN, khu đô thị như ở TP.HCM, Hà Nội; cho dân sinh, du lịch... Chính vì nhu cầu bức thiết như vậy, trong khi khả năng của chúng ta có hạn, nên có tình trạng nợ đọng như vậy.

- Vậy thưa Thứ trưởng, biện pháp nào để giải quyết số nợ 1.700 tỷ đồng trên và cung ứng vốn cho các công trình xây dựng cơ bản?

- Trước hết là có nguồn vốn trái phiếu. Tới đây, dự kiến chúng tôi sẽ được bố trí khoảng 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn này. Nhưng đặc điểm của nguồn vốn này là chỉ ưu tiên cho các công trình lớn. Chúng tôi cũng đang cố gắng hết sức để thu hút nguồn vốn ODA. Đây là hai nguồn vốn cơ bản. Giải pháp cho các công trình còn lại là giãn tiến độ xây dựng hoặc hoãn lại, chưa triển khai. Những công trình nào bức thiết phải làm thì sẽ có báo cáo trình Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo.

- Thứ trưởng nhận xét như thế nào về việc vẫn có các công trình xây dựng ngoài quy hoạch, trong khi nợ đọng rất nhiều và đã kéo dài nhiều năm?

- Có thể nói là đối với các công trình thủy lợi thì không có công trình nào nằm ngoài quy hoạch. Phần lớn chúng đều đã có trong quy hoạch, hoặc được Chính phủ chỉ đạo trước yêu cầu bức xúc của địa phương.

Nhiều công trình thủy lợi đem lại lợi ích kinh tế - xã hội to lớn.

Tuy nhiên, do khả năng có hạn về vốn của Nhà nước nên phải cân đối. Chúng tôi cũng đang lo giải quyết nợ, vì đó cũng là một gánh nặng. Hiện nay, số nợ này chủ yếu là với các nhà thầu và các địa phương. Đối với nhiều nhà thầu, nếu không giải quyết được khâu nợ thì sẽ phá sản. Còn các địa phương, do công trình xây gấp, vốn Trung ương không có nên địa phương đã đứng ra huy động để cho vay, ví như ở Khánh Hòa, Đăk Lăk, các tỉnh miền Trung như Quảng Trị... bây giờ không trả được cho địa phương thì họ cũng rất khó khăn trong việc cân đối thu chi. Chúng tôi đang tích cực cùng Bộ KH-ĐT kiến nghị Quốc hội xem xét, đối với những công trình mang lại hiệu quả thực sự, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương, đã nằm trong quy hoạch thì phải có biện pháp để giải quyết số nợ này. Trong trường hợp khó khăn thì sẽ phải trả dần, hoặc tranh thủ từ nguồn vốn ODA, vốn trái phiếu. Đây là giải pháp tình thế để xử lý nợ hiện nay.

- Năm nào chúng ta cũng đặt vấn đề xây dựng các công trình thủy lợi, vậy mà hạn hán vẫn diễn ra, còn các hồ đập thì đáp ứng được rất nhỏ?

- Điều hòa được tài nguyên nước là một công việc lâu dài. Đến nay, chúng ta đã đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu về nước. Tuy nhiên, hiện vẫn khó khăn vì tại nhiều vùng, hạn hán thường xảy ra nghiêm trọng, nhất là ở miền Trung và Tây nguyên, mùa khô rất dài. Hầu hết diện tích đất đã được triển khai trồng các cây có giá trị. Khi làm hồ, tiền đền bù cũng rất lớn. Nhiều công trình hiện đang nằm trong dự án nhưng chưa thể triển khai do không có vốn đền bù. Hơn nữa, hơn một thập kỷ lại đây, khí hậu toàn cầu thay đổi làm mùa mưa, mùa khô đều gay gắt hơn.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng.

  • H.Y (thực hiện)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Ga Hà Nội ''hờ hững'' với vé tàu Tết (18/12/2003)
Thủy sản Việt Nam có thêm 17 thị trường mới (17/12/2003)
Xây dựng cơ chế khuyến khích nông dân gửi thóc vào kho (16/12/2003)
Hỗ trợ 1,125 triệu USD cho kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam (15/12/2003)
Đan Mạch viện trợ 6,7 triệu USD hỗ trợ môi trường (14/12/2003)
''Chơi'' mùa Giáng sinh và năm mới (13/12/2003)
Phát hiện giếng Sông Đốc - 1X có dầu (12/12/2003)
Tăng 50%-75% cat. nóng hạn ngạch dệt may vào EU (11/12/2003)
Gỗ cứng Mỹ sẽ vào Việt Nam nhiều hơn (10/12/2003)
Đẩy mạnh sản xuất và đầu tư xây dựng cơ bản (10/12/2003)
90% nông sản xuất khẩu VN phải mang tên nước khác (07/12/2003)
Báo động đỏ về bệnh tôm nuôi (05/12/2003)
Bộ Tài chính ban hành tem hàng miễn thuế mới (04/12/2003)
Nợ xây dựng cơ bản tồn đọng: ''Quýt làm... quýt chịu'' (04/12/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang