Tôm Việt Nam chuẩn bị ''hầu kiện''
14:10' 29/12/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Có tin, Liên minh Tôm Miền Nam của Mỹ (SSA) sẽ chính thức đệ đơn kiện các nước xuất khẩu tôm vào 30/12 tới. Ngoài việc lựa chọn đơn vị tư vấn pháp lý, theo Tổng Thư ký VASEP Nguyễn Hữu Dũng, yếu tố quan trọng khác là phải xây dựng được sự hợp tác giữa các DN, tạo thành khối đoàn kết để giải quyết vấn đề của cả cộng đồng.

Chế biến tôm xuất khẩu.

TS. Nguyễn Hữu Dũng cho biết, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cùng với các DN chế biến thủy sản đã chuẩn bị biện pháp đối phó vụ kiện từ hai năm qua. Các DN đã được học về luật chống bán phá giá của Mỹ, với hơn 10 cuộc tập huấn ở các mức độ khác nhau. Một trong những công việc gấp rút khác là tìm hiểu kỹ nguyên đơn, đồng thời, xây dựng hệ thống lý lẽ để chứng minh DN Việt Nam hoàn toàn không bán phá giá.

Các DN xuất khẩu tôm và Ủy ban Tôm thuộc VASEP cũng đã tư vấn, tham khảo một số công ty luật để tìm đối tác đại diện cho mình, nghe họ trình bày về phương án đối phó vụ kiện. Song, đến nay, chưa có quyết định chính thức về công ty được chọn.

Để khởi tố vụ kiện chống bán phá giá tôm, nguyên đơn phải cung cấp bằng chứng xác thực về việc các nhà sản xuất nước ngoài bán sản phẩm tại thị trường Mỹ thấp hơn mức giá họ bán sản phẩm cùng loại trong nước, hoặc tại nước thứ ba lớn nhất và đại diện nhất.

Đến nay, ngành sản xuất tôm nội địa của Mỹ chưa đưa ra được bằng chứng xác thực về việc bán phá giá, dù chỉ là của một nhà sản xuất ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới, chưa nói tới tất cả các nhà sản xuất ở 16 nước khác nhau có sản phẩm đa dạng về loài (tôm sú, tôm nâu, tôm he, tôm chì... ), xuất xứ (nước lạnh, nước ấm), kích cỡ (con/kg, con/pound), dạng chế biến (sống hay chín, nguyên con hoặc bỏ đầu, còn vỏ hay lột vỏ... ) xuất khẩu sang Mỹ.

(Theo Shirmp Outlook 2003)

- Thưa ông, vậy kinh phí dự kiến mà các DN chuẩn bị để đối phó vụ kiện tôm này là bao nhiêu?

- Theo tôi, sẽ cần 1,2-1,5 triệu USD, cao hơn so với vụ kiện cá tra, basa (500.000 USD). Chúng tôi đã tiến hành vận động tài chính cho vụ kiện, với số tiền thu được khoảng 70.000 USD, nhưng bản thân các DN sản xuất tôm phải tự lo là chính. VASEP đã hình thành cơ chế để các DN phối hợp với nhau cùng chia sẻ số tiền này.

- Nếu vụ kiện xảy ra, xuất khẩu tôm của Việt Nam có bị ảnh hưởng ngay không, nhất là trong trường hợp chúng ta bị kết luận có tình trạng khẩn cấp?

- Vụ kiện sẽ kéo dài khoảng một năm do các bên cần thời gian và thủ tục xem xét vụ kiện. Trong thời gian này, các DN xuất khẩu tôm của Việt Nam chưa bị ảnh hưởng. Chỉ khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đưa ra mức thuế sơ bộ, bắt đầu thu tiền đặt cọc của các DN nhập khẩu tại Mỹ, lúc đó, công việc xuất khẩu của DN Việt Nam mới bị ảnh hưởng. Nhưng điều bất lợi là vụ kiện sẽ tác động đến tâm lý của nhà nhập khẩu.

Mối đe dọa luôn treo trên đầu DN, bởi nếu xuất khẩu ồ ạt sang Mỹ vào thời gian đầu diễn ra vụ kiện, DN dễ vướng vào chuyện tình trạng khẩn cấp và bị thu tiền đặt cọc sớm hơn. Vì vậy, các DN Việt Nam và đối tác Mỹ cần phải tính toán kỹ, thống nhất với nhau các vấn đề liên quan đến lượng và chủng loại sản phẩm. Mặc dù nói là các DN chế biến, xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ bị kiện, nhưng đến nay, chúng ta vẫn chưa biết họ sẽ kiện dạng, chủng loại nào.

- Trong vụ kiện này, yếu tố thị trường được xem xét như thế nào? Liệu chúng ta có bị kết luận là có nền kinh tế phi thị trường như trong trường hợp cá tra, basa?

- Việc xem xét Việt Nam có nền kinh tế thị trường hay không hoàn toàn là vấn đề chính trị. Nó phụ thuộc không chỉ vào yếu tố kỹ thuật (5 yếu tố như lương lao động, việc chuyển đổi đồng tiền... ), nhưng việc xem xét bao giờ cũng phải theo một quy trình. Trong vụ kiện tôm tới, DOC có thể tiếp tục nói hoa mỹ rằng Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng thị trường, nhưng chắc chắn là họ vẫn phạm sai lầm họ đã phạm, tức là cho rằng kinh tế Việt Nam chưa theo thị trường.

Mấu chốt mà vụ kiện cá tra, basa bị áp với mức thuế cao là họ không áp dụng việc tính toán theo quy trình khép kín của Việt Nam; đồng thời, lấy mức giá của nước thứ ba là Bangladesh để so sánh. Việt Nam đã kiện lại DOC về việc đó và hiện nay, Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ đang xem xét lại vụ kiện.

Đối với vụ kiện tôm, Việt Nam không phải là nước duy nhất bị kiện. Trong số đó có cả thành viên WTO, có quốc gia được công nhận có nền kinh tế thị trường như Thái Lan. Rõ ràng là trong trường hợp xấu nhất, giá tôm Việt Nam được xem xét cũng tương đương mức giá các nước bị kiện khác. Mỹ sẽ phải xem xét vụ kiện trong mối quan hệ đa dạng, tính đến nhiều yếu tố khác nhau do họ có nhiều bạn hàng. Song, nếu cá tra, basa khi bị áp thuế ở Mỹ có thể bán sang các thị trường khác, thì với tôm khó khăn hơn. Tôm ở đâu cũng vậy, chúng ta khó có thể tăng xuất khẩu sang các thị trường khác, cũng không phải vì vụ kiện này mà mọi người biết đến tôm Việt Nam. Tôi chắc chắc mức thuế đánh vào tôm, nếu có, cũng không thể cao như đối với cá tra, basa.

- Sau những rủi ro vào Mỹ, ông có thể cho biết, thủy sản Việt Nam có chiến lược như thế nào về xuất khẩu sang thị trường này?

- Thị trường Mỹ là hết sức rộng lớn, chúng ta phải cố gắng khai thác. Có điều tôi cho rằng, thị trường này còn tồn tại Tu chính án Byrd, mà Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã lên tiếng phản đối, đề nghị Mỹ loại bỏ. Nội dung của đạo luật là cho phép người đi kiện được nhận tiền từ thuế chống bán phá giá thu được - hóa ra lại khuyến khích công việc kiện tụng, trái với quy định của WTO. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ vẫn muốn duy trì Tu chính án Byrd để lấy lòng giới công nghiệp trong nước. Chính vì vậy, việc sử dụng các biện pháp phi thương mại để điều chỉnh thị trường nhằm bảo hộ ngành công nghiệp nội địa là vấn đề nổi cộm ở Mỹ. Nhưng tôi cho rằng, cân bằng cung - cầu vẫn là yếu tố quyết định.

Một cáo buộc xác thực về việc bán phá giá ít nhất phải có bản tính toán chi tiết biên bán phá giá liên quan đến nhà sản xuất và sản phẩm đại diện ở tất cả các nước. Điều này nguyên đơn chưa làm được vì đây là công việc phức tạp, mất nhiều thời gian, tiền của, công sức.

Tuy nhiên, hầu hết mọi chuyện ở Mỹ đều liên quan đến chính trị. 2004 là năm hết sức nhạy cảm, vì đây là thời điểm bầu cử tổng thống. Tất cả các thế lực chính trị tại Mỹ, bằng mọi cách, đều muốn dành phiếu của người tiêu dùng. Vụ kiện thép là một điển hình. Song, trước sức ép của dư luận trong nước và những thiệt hại có thể xảy ra đối với hàng xuất khẩu của Mỹ, Chính phủ nước này bắt buộc phải loại bỏ thuế đánh vào thép nhập khẩu. Đây là một cuộc chiến thực sự.

Nếu chúng ta đối mặt với các thách thức và tìm cách vượt qua nó, như với trường hợp cá tra, cá basa, thì rõ ràng các biện pháp trên không thể hủy diệt hoặc phá hoại được nền sản xuất trong nước.

- Một bài học kinh nghiệm là các DN phải đa dạng hóa mặt hàng và đa dạng hóa thị trường?

- Sau vụ kiện cá tra, basa, hiện rất nhiều DN thủy sản Việt Nam bị kiện đang xây nhà máy chế biến khác. Điều đó cho thấy sự vững mạnh của họ nhờ tìm được thị trường mới, chế biến sản phẩm không thuộc đối tượng bị kiện.  Nhiều thị trường dù khó tính với cá nước ngọt, cũng bắt đầu mua cá tra, basa Việt Nam, với khối lượng ngày càng tăng. Ví dụ như Nhật Bản, họ vốn chỉ ăn cá biển, nay cũng rất hoan nghênh cá tra, basa.

Vụ kiện cá tra, basa đã giúp từng DN cũng như hiệp hội cần có sự phân bố hợp lý về thị trường theo hướng rộng . Ví dụ, tỷ trọng xuất khẩu vào Mỹ của một mặt hàng vượt quá 40% đã hết sức lo ngại. Theo tôi, mỗi thị trường chỉ nên chiếm tỷ trọng 20-25% thì sẽ thích hợp hơn trong bối cảnh các biện pháp phòng vệ và bảo hộ ngành sản xuất trong nước bị chính trị hóa như hiện nay.

  • H.Y
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Đến năm 2010 phát triển 550.000 - 600.000 ha cao su (29/12/2003)
Vietsovpetro khai thác trên 13 triệu tấn dầu (28/12/2003)
Thông xe cầu Tân An (27/12/2003)
DN khai thác cơ hội từ Tết Giáp Thân (26/12/2003)
DN được phép khai thác cảng biển có thể mở cảng biển (26/12/2003)
Thu 5.000 tỷ đồng/năm từ kinh tế VAC (26/12/2003)
Sẽ có dữ liệu để ĐBSCL phòng chống lụt bão (25/12/2003)
Xuất khẩu thủy sản sắp về đích (25/12/2003)
Quy định chức năng, nhiệm vụ của Cục Hàng không (24/12/2003)
Phải trả phí thông tin tài nguyên nước (24/12/2003)
Chuyển quyền sử dụng đất sẽ phải nộp thuế thu nhập cao (23/12/2003)
Tập huấn về thanh tra, kiểm tra cho DN (23/12/2003)
Cảng Sài Gòn mới sẽ gồm ba cảng chuyên biệt (22/12/2003)
Giải quyết 1.700 tỷ đồng nợ thủy lợi như thế nào? (18/12/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang