Trưởng ban Vật giá Chính phủ Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, lương tối thiểu tăng từ 210 nghìn đồng/tháng lên mức 290 nghìn đồng/tháng sẽ không ảnh hưởng lớn tới giá thị trường.
|
Giá cả thị trường những tháng gần đây ổn định. |
Năm 2003, ước tính Nhà nước phải chi 14 nghìn tỷ đồng cho khoản lương tăng thêm này, tương đương 4,6% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch qvụ; trong khi đó tổng mức lưu chuyển dự kiến tăng khoảng 13%.
- Theo quyết định của Chính phủ, từ ngày 1/1/2003, mức lương tối thiểu áp dụng đối với công nhân, viên chức Nhà nước sẽ tăng từ 210.000 đồng/tháng lên mức 290.000 đồng/tháng. Phải chăng quyết định này là một nguyên nhân khiến cho giá cả một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng trong thời gian qua? Ban Vật giá Chính phủ có chuẩn bị gì trong trường hợp giá cả hàng hóa sẽ tiếp tục tăng?
- Trong ba tháng cuối năm 2002, chỉ số giá tiêu dùng mỗi tháng chỉ tăng 0,3%. Chỉ số này trong tháng 1/2003 là 0,9%, trong đó nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 1,3%, 8 nhóm hàng còn lại tăng dưới 1%. Giá vàng tăng 5,5%, giá USD tăng 0,2%.
Nhìn chung, giá cả thị trường những tháng gần đây ổn định, chỉ có giá vàng, giá gas tăng đột biến do tác động của thị trường thế giới. Sở dĩ, trong những ngày gần đây, giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm như: thịt lợn tăng khoảng 1.000-2.000 đồng/kg, gạo ngon tăng 200-500 đồng/kg... là do nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán tăng lên. Tuy nhiên, những hàng hóa dịch vụ khác phục vụ nhu cầu Tết như: vé tàu xe, bánh mứt kẹo, đồ uống... giá cả cơ bản ổn định. Thậm chí, giá một số mặt hàng còn giảm như: đường giảm 200-300 đồng/kg, tivi: 5-7%, quần áo không phải chất lượng cao: 10-15%. Đáng chú ý, lần đầu tiên đã xuất hiện trên thị trường ''phong trào'' đại hạ giá nhiều loại hàng hóa.
Theo tôi, việc Chính phủ tăng lương tối thiểu lên 290.000 đồng/tháng sẽ làm tăng sức mua của xã hội, có thể ảnh hưởng đến giá cả thị trường trong năm 2003, nhưng mức độ ảnh hưởng cũng không nhiều. Vì theo sơ bộ tính trong năm 2003, Nhà nước chi từ ngân sách khoảng 14.000 tỷ đồng cho việc tăng lương. Khoản chi này chỉ tương đương 4,6% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ thị trường xã hội. Tuy nhiên, theo Bộ Thương mại, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ năm 2003 sẽ tăng khoảng 13%. Như vậy, không có tình trạng cầu lớn hơn cung, giá cả có nhích lên nhưng về cơ bản vẫn bình ổn.
- Giá xăng dầu thế giới tăng nhanh trong những tháng gần đây. Trước tình hình này, Chính phủ có biện pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp?
- Trước tình hình giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng, để bảo đảm cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hoạt động bình thường, Chính phủ đã, đang và sẽ có biện pháp xử lý hợp nhất, chứ không riêng gì giải pháp tăng giá bán xăng dầu trong nước. Thời gian qua, Bộ Tài chính đã liên tục giảm thuế nhập khẩu xăng dầu và cho đến nay hầu hết các loại dầu được áp mức thuế 0%, chỉ có duy nhất mặt hàng xăng là còn thu thuế nhập khẩu với tỷ lệ không đáng kể.
Trước việc Mỹ luôn đe dọa đánh Iraq trong nhiều tháng qua, nhiều nước trong đó có Việt Nam đều phải có những biện pháp chuẩn bị ứng phó với tình hình biến động của thị trường dầu thế giới. Cho đến nay, cùng với một số Bộ có liên quan, Bộ Tài chính cũng tham mưu cho Chính phủ các giải pháp điều hành về giá - tài chính đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, nếu chiến tranh Mỹ - Iraq xảy ra.
- Xin Thứ trưởng cho biết công tác điều hành giá của ViệtNam đã và sẽ có những chuyển biến gì phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế của đất nước?
- Theo Pháp lệnh giá đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2002, công tác điều hành giá của Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới để phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế như sau:
Một là, Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh (SXKD) theo đúng pháp luật. Nhà nước sử dụng các biện pháp cần thiết để bình ổn giá, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân SXKD, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.
Hai là, tiếp tục xem xét thu hẹp danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá trực tiếp mở rộng quyền tự chủ về giá của tổ chức, cá nhân SXKD. Theo Pháp lệnh giá, Nhà nước chỉ còn quyết định giá các loại hàng hóa, dịch vụ độc quyền và quan trọng đối với quốc kế dân sinh như: điện, nước sạch, một số dịch vụ bưu chính viễn thông, xăng dầu, xi măng, sắt thép xây dựng, giấy in báo...
Ngoài ra, việc điều hành giá của Chính phủ trong thời gian tới sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo hướng xóa bỏ phân biệt giá giữa người trong nước và người nước ngoài; tăng cường kiểm soát độc quyền, chống bán phá giá; thành lập các DN thẩm định giá thuộc mọi thành phần kinh tế nhằm góp phần hạn chế thất thoát, tiêu cực trong việc mua sắm sử dụng ngân sách nhà nước...
(Theo GĐ&XH) |