Hôm qua (10/2), 35 công ty bán lẻ và chế tạo lớn của Mỹ trong đó có Nike, Gap và K-Mart đã gửi một bức thư đến Đại diện thương mại Mỹ Robert Zoellick yêu cầu Chính phủ không nên áp dụng hạn ngạch nhập khẩu đối với hàng dệt may của Việt Nam.
|
Công ty may Đồng Thịnh |
Trong bức thư, các công ty trên nói rằng việc Chính phủ Mỹ "vội vã áp dụng hạn ngạch sẽ rất phiền phức" và có thể gây ra sự thiếu hụt về nguồn cung. Bức thư viết: "Chúng tôi kêu gọi chính phủ không hạn chế hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam. Việt Nam là một nguồn hàng cực kỳ quan trọng đối với chúng tôi, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục bất ổn, tình hình an ninh đầy biến động và thế giới có xu hướng bãi bỏ các hệ thống hạn ngạch. Nếu phải áp dụng bất cứ mức hạn ngạch nào đó, chúng tôi đề nghị việc áp dụng này được giới hạn đối với các sản phẩm về cơ bản đã được sản xuất ở Mỹ, và với mức độ phản ánh thực sự tiềm năng của Việt Nam".
Theo các công ty này thì việc chính quyền Mỹ chịu sức ép của các công ty dệt may trong nước để nhanh chóng kết thúc một hiệp định dệt may với Việt Nam là rất "đáng lo ngại".
Các nhà nhập khẩu dệt may Mỹ đưa ra dẫn chứng rằng hàng dệt may Việt Nam chỉ chiếm 1,6% trong tổng số hàng dệt may nhập khẩu của Mỹ, rằng con số gia tăng hàng xuất khẩu dệt may sang Mỹ năm 2002 chỉ là một dấu hiệu nhỏ trong tiềm năng bao la của Việt Nam. Hơn nữa, việc bình thường hoá kinh tế Việt Nam và Mỹ mới chỉ diễn ra thực sự từ năm 2001, vì vậy các công ty bán lẻ và các nhà nhập khẩu Mỹ mới chỉ xúc tiến các đơn đặt hàng từ nửa cuối năm 2002. Như vậy, theo họ, áp đặt hạn ngạch dệt may đối với Việt Nam lúc này là thực sự không công bằng.
Một điều quan trọng nữa là 35 công ty trên cho rằng việc các công ty Mỹ tăng cường nhập khẩu hàng từ Việt Nam và từ bỏ dần các nhà cung cấp khác của châu Á và Trung Đông là một bước đi chiến lược. Do vậy việc này không dẫn đến sự gia tăng nói chung của hàng dệt may nhập khẩu vào Mỹ và không ảnh hưởng tới các công ty trong nước của Mỹ.
Các nhà nhập khẩu và bán lẻ này nêu rõ quan điểm xem Việt Nam là một thị trường thiết yếu trong việc cung cấp hàng dệt may và họ quyết tâm tập trung vào thị trường này trong thời gian tới trong bối cảnh các hạn ngạch của các thị trường nhập khẩu truyền thống đã đóng băng. Họ đánh giá Việt Nam như một thị trường "mở" vì khả năng cung cấp mặt hàng dệt may ít nhất là đến năm 2004 - năm mà họ đánh giá Mỹ sẽ thiếu nguồn nhập khẩu hàng dệt may trầm trọng.
Cuối cùng, các công ty này khẳng định thị trường nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam là sự lựa chọn quan trọng tương đương với Trung Quốc và yêu cầu Chính phủ không áp dụng hạn ngạch đối với Việt Nam về mặt hàng này.
(Theo Thanh Niên, Econet, AFP) |