(VietNamNet) - Trong bản đánh giá Theo dõi kinh tế Châu Á (Asia Economic Monitor - AEM) tháng 2 ADB vừa công bố, Việt Nam là nước duy nhất cải thiện được tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2003 so với dự đoán của AEM tháng 10/2002. ADB cho rằng, cầu nội địa tăng mạnh nhờ đầu tư tư nhân và chính sách tài chính mở rộng của Chính phủ là yếu tố tích cực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Trong 12 nước được xem xét (gồm 10 nước ASEAN, Trung Quốc và Hàn Quốc), dự đoán của ADB về tăng trưởng GDP tại Campuchia, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia và Indonesia đã tỏ ra bi quan hơn trước đó ba tháng, đáng chú ý nhất là Campuchia giảm 1% (từ 6,0% xuống 5,0%) và Singapore giảm 0,9% (từ 4,7% xuống 3,8%). Trong khi đó, dự báo về Trung Quốc, Thái Lan, Philippines và Lào không có thay đổi gì lớn. Trung Quốc và Việt Nam vẫn là hai nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong năm 2004.
Kể từ AEM tháng 10/2002, bối cảnh bên ngoài biến chuyển không thuận lợi cho kinh tế Đông Á khi những nền kinh tế đầu tàu chưa có dấu hiệu khả quan và các rủi ro thì đang tăng lên, nhất là nguy cơ chiến tranh tại Iraq. Theo dự đoán mới nhất của ADB, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2003 của khu vực sẽ đạt 5,6%, thay vì 5,9% (AEM tháng 10/2002).
Chiến tranh Mỹ - Iraq (nếu nổ ra) sẽ có tác động thế nào tới kinh tế Đông Á, điều đó còn phụ thuộc vào quy mô và độ dài của cuộc chiến. Một chiến dịch quân sự ngắn ngày sẽ ít khả năng tác động tiêu cực. Nhưng một cuộc chiến lâu dài thì có vì giá dầu sẽ lên tới 100 USD/thùng và giữ ở mức cao trong một thời gian dài. Tuy nhiên, ADB cũng cho rằng kịch bản này khó xảy ra.
Hiện tại, những căng thẳng xung quanh vấn đề Iraq đã làm tăng độ bất ổn trong nền kinh tế thế giới, làm tăng giá dầu (khoảng 30% so với tháng 6/2002) và sự do dự của nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng.
ADB cho rằng các nhà hoạch định chính sách Đông Á nên cắt giảm lãi suất, tiếp tục cải cách, thực hiện chính sách tài chính mở rộng và chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống.
|