|
Thép - mặt hàng luôn bị đe dọa bởi các rào cản thương mại. | ''Các điều luật liên quan đến việc bán phá giá của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nên được thắt chặt hơn nhằm hạn chế những rào cản thương mại''. Quan chức thương mại của 15 nước và vùng lãnh thổ gồm Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hongkong, Singapore, Thailand, Brazil, Chile, Colombia, Costa Rice, Israel, Mexico, NaUy, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ, kiến nghị như vậy tại cuộc gặp ở Geneva hôm 11/2.
Hiện nay, Hoa Kỳ và các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sử dụng biện pháp kiện bán phá giá nhiều nhất. Nếu những năm 1980, trung bình trên thế giới có 138 vụ kiện/năm thì con số này lên 330 vụ vào các năm 1999-2001. Theo hãng tin Reuters, hiện nay có khoảng 1.100 vụ kiện bán phá giá đang trong giai đoạn điều tra.
Các nước đang phát triển bị các nước giàu kiện bán phá giá nhiều nhất, đặc biệt là Mỹ, quốc gia có ''truyền thống'' lựa chọn giải pháp này để bảo vệ hàng nội địa.
Quan chức 15 nước trên, không chỉ gồm Brazil, Hàn Quốc mà cả Nhật Bản, khuyến cáo rằng, việc cắt giảm thuế nhằm tự do thương mại sẽ chẳng có tác dụng gì nếu một số nước tiếp tục sử dụng biện pháp kiện bán phá giá như là một hàng rào thương mại. Điều đáng lưu ý là, công cụ này đã được 144 quốc gia thuộc WTO sử dụng.
Họ cũng lưu ý rằng, trong khi mức thuế nhập khẩu trung bình đối với các nước công nghiệp và các nước sản xuất hàng hóa phi nông nghiệp khác đã giảm xuống còn 5% đối với 4 nước thành viên WTO giàu nhất thế giới, thì tỷ lệ trung bình của các vụ kiện bán phá giá vẫn là 45%.
Hoa Kỳ - quốc gia luôn tự vệ thông qua việc biện pháp này, cho rằng, nếu các đối thủ của Mỹ ngừng được Chính phủ nước họ trợ cấp thì chẳng có lý do gì để kiện bán phá giá tồn tại.
(H.Y. - Theo Seafood) |