|
Mía nguyên liệu đang nằm chờ thu hoạch. | Điều này bắt nguồn từ sự lo ngại trước giá thu mua mía hiện nay của Nhà máy đường Hiệp Hòa và Nagajruna (Ấn Độ) giảm so với giá sàn 100.000-120.000 đồng/tấn, do chữ đường vụ mía năm nay đạt thấp. Trong khi vụ này, năng suất mía của bà con lại đạt cao nhất từ trước đến nay (57,8 tấn/ha).
Bên cạnh đó, 70-90% diện tích mía hiện được bà con áp dụng đưa các bộ giống mới có chữ đường cao, song khi thu hoạch, nhà máy kiểm tra thì chữ đường chỉ đạt bình quân 5-7; số lượng 10 chữ đường chỉ chiếm 5-10% diện tích. Đây cũng là điều bất hợp lý mà người dân phải chịu từ nhiều năm nay, và cứ giảm đi 1 chữ đường thì giá giảm theo 20.000-30.000 đồng/tấn. Với mức giá như vậy, nếu người trồng mía thu hoạch năm đầu bị lỗ 3-4 triệu đồng/ha, năm thứ hai, ba hòa vốn, năm thứ tư tiếp tục lỗ 1-2 triệu đồng/ha (chu kỳ trồng gốc thu hoạch bốn năm mới phá gốc) thì kết quả cả chu trình là lỗ.
Trước tình trạng này, bà con không yên tâm sản xuất. Do vậy, hơn ba tháng kể từ khi vào vụ thu hoạch, nhưng các huyện mới thu hoạch được hơn 4.000ha, chậm 2-3 lần so với vụ trước. Hiện có 70% diện tích mía già tháng bị trổ cờ, chữ đường giảm. Nếu giá mía có tăng, người dân cũng phải chờ hạ cờ xuống mới thu hoạch.
Vụ mía vừa qua, tỉnh Long An trồng được hơn 15.700ha, năng suất bình quân 57,8 tấn/ha, tăng 5 tấn/ha so với năm trước, nhưng bà con không mấy phấn khởi vì giá mía quá thấp (giảm hơn 100.000 đồng/tấn so với vụ trước). Do đó, hiện nay nếu bà con thu hoạch đem bán thì bị lỗ. Nông dân đang trong tình trạng ''thu thì lỗ... chờ thì khổ''.
Mía là một trong những cây mũi nhọn (sau cây lúa) trong cơ cáu phát triển nông nghiệp của Long An. Hiện nay, toàn tỉnh có 15.746ha mía, tập trung tại các vùng chuyên canh rộng lớn ở huyện Bến Lức, Thủ Thừa, Đức Hòa, Đức Huệ. Dự kiến đến 2005, diện tích mái của Long An sẽ lên đến 20.000-25.000ha. |
(Theo NTNN) |