Đầu tư ra nước ngoài: Thành công nhiều, thất bại không ít
10:38' 13/02/2003 (GMT+7)

Đã có 19 dự án của các doanh nghiệp tại TP.HCM được cấp phép đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 15,34 triệu USD, đa số chủ đầu tư là doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần. Trong số họ, có nhiều người thành công, nhưng cũng không ít người thất bại.

Phải có nhiều vốn khi muốn đầu tư ra nước ngoài là một yếu tố khiến các doanh nghiệp phải cân nhắc.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán y khoa TP.HCM (Medic), rất lạc quan khi nói về thành công bước đầu của dự án Medic tại Campuchia. Dự án Medic Phnom Penh Medical Center, có tổng vốn đầu tư khoảng 1 triệu USD, là liên doanh giữa Cục Quân y Campuchia (góp mặt bằng) và Medic (góp vốn), hoạt động từ tháng 5/2000. ''Mỗi ngày có khoảng 50 bệnh nhân đến chẩn đoán bệnh tại đây'', ông Hải cho biết.  

Hiệu quả của việc mở trung tâm ở Phnom Penh, theo ông Hải, là thu hút được một lượng bệnh nhân Campuchia thường xuyên sang Medic tại TP.HCM để chẩn đoán và khám chữa bệnh. Từ năm 2001 đến nay, mỗi ngày có khoảng 10-15 bệnh nhân thuộc diện này. ''Trang thiết bị khám chữa bệnh của Medic tại Việt Nam đầy đủ hơn, phí dịch vụ rẻ hơn so với tại Thái Lan hay Singapore mà chất lượng vẫn bảo đảm nên đã thu hút các bệnh nhân Campuchia đến ngày càng đông'', ông Hải nói. Giá dịch vụ dành cho người Campuchia được tính bằng giá cho người Việt Nam và đặc biệt họ được ưu tiên chẩn đoán ngay trong ngày.

Trên cơ sở hiệu quả hoạt động của Medic Phnom Penh Medical Center, ông Hải cho biết đang chuẩn bị để trong năm nay có thể mở hai trung tâm nữa tại Lào, một ở Champasak (tháng 5) và một ở Viên Chăn (tháng 12). Medic sẽ không liên doanh với đối tác địa phương mà tự đầu tư. Ngoài chức năng như Medic Phnom Penh, hai trung tâm này còn huấn luyện, giảng dạy về chẩn đoán y khoa cho các y tá, bác sĩ của Lào.

Nói đến các doanh nghiệp có dự án đầu tư ra nước ngoài không thể không nhắc đến Công ty cổ phần Công nghệ thông tin EIS. Năm 2001, EIS đã quyết định đầu tư ba dự án tại Singapore, Thái Lan và Mỹ. Vốn đầu tư của dự án tại Singapore không lớn, chỉ 380.000 USD nhưng lại là dự án thành công ngoài mong đợi của nhà đầu tư.

Theo ông Lưu Tường Bách, Phó Tổng giám đốc EIS, dự án đầu tư tại Singapore mới đi vào hoạt động giữa năm 2001 nhưng doanh số tính đến cuối năm này đã đạt đến 4 triệu USD và năm 2002 đạt 6 triệu USD. Tại Singapore, EIS là một trong các đại lý phân phối thiết bị hệ thống mạng cho Công ty Cisco (Mỹ). ''Chúng tôi đã cung cấp thiết bị Cisco cho rất nhiều khách hàng Singapore lẫn khách quốc tế'', ông Bách nói.

Khó khăn và thất bại

Đầu tư ra nước ngoài không phải bao giờ cũng mang lại nụ cười cho các nhà đầu tư Việt Nam. Ông Đoàn Văn Đức, Giám đốc Công ty Đức Hạnh (Duhaco), buồn bã khi nhắc đến hai dự án đầu tư tại Campuchia. ''Chúng tôi  không lường trước được rằng lao động là yếu tố đưa đến sự thất bại của hai dự án này'', ông Đức nói.

Cuối năm 1999, Duhaco hợp đồng với Bộ Tài nguyên nước và Khí tượng Vương quốc Campuchia về việc nạo vét kênh Tà Tam thuộc huyện Kong Pong Lieu, tỉnh Prey Veng. Trị giá toàn bộ công trình này khoảng 3 triệu USD. Cũng trong năm này, Duhaco đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Rithymexco trong 20 năm để khai thác cát, đá, sỏi, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng... Đặc biệt, trong khuôn khổ hợp tác này, hai nhà đầu tư đã nhận được một hợp đồng thực hiện khai thác một triệu khối cát, sỏi trên sông Mekong trong thời gian hai năm với tổng trị giá hợp đồng 1,8 triệu USD.

''Thế nhưng, đến nay không triển khai được dự án nào vì công nhân kỹ thuật Việt Nam không muốn sang Campuchia làm việc mà thuê lao động địa phương thì tôi không dám do không nắm rõ nguồn gốc'', ông Đức nói. Đến nay Duhaco đã đầu tư gần 4 tỷ đồng cho việc khảo sát, lập thiết kế và lập dự toán công trình.

Tuy rất thành công với văn phòng tại Singapore, song Công ty EIS phải đối phó với nhiều khó khăn của hai dự án tại Thái Lan - chuyên cung cấp các hệ thống bảo mật cho các hệ thống thông tin của ngân hàng, thị trường chứng khoán và trường học, và gia công sản xuất phần mềm tại Mỹ. ''Cả hai dự án này đều chưa mang lại lợi nhuận do cạnh tranh trong kinh doanh công nghệ thông tin ngày càng gay gắt và nhất là việc giảm mạnh của thị trường công nghệ phần mềm tại Mỹ từ năm 2001'', ông Bách nói.

Phải có nhiều vốn khi muốn đầu tư ra nước ngoài là một yếu tố khiến các doanh nghiệp phải cân nhắc. Ông Nguyễn Đức Khanh, Giám đốc Công ty Xây dựng - Kiến trúc AA, cho biết công ty đã mở văn phòng tại Thye Hong Center, Singapore vào năm 1999 nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho việc thi công nội thất một khách sạn tại Colombo, Sri Lanka cũng như tranh thủ tiếp thị sản phẩm gỗ  trang trí nội thất với khách hàng. ''Do chi phí quá cao mà việc thi công dự án tại  Sri Lanka đã xong, chúng tôi quyết định đóng cửa văn phòng này'', ông Khanh nói.

(Theo TBKTSG)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
3 câu hỏi kinh tế lớn dành cho ông Alan Greenspan (13/02/2003)
Nông dân Long An ''không dám'' thu hoạch mía (13/02/2003)
WTO có thể sẽ thắt chặt luật kiện bán phá giá (13/02/2003)
Giá vàng giảm nhưng vẫn có xu hướng tăng (13/02/2003)
Làng hoa Mê Linh nhộn nhịp đón Ngày tình yêu (13/02/2003)
Hà Nội sẽ thêm 3 DN vào ''CLB 100 tỷ đồng'' ? (12/02/2003)
Hội thảo quốc tế về ''Quyền sử dụng nước'' (12/02/2003)
Sẽ trình Thủ tướng Dự án thuỷ điện Sơn La vào quý II (12/02/2003)
Ngân hàng chưa thỏa thuận được định giá bất động sản (12/02/2003)
''Cò shop'' bùng nổ ở TP.HCM (12/02/2003)
Sẽ thực hiện bán đấu giá tại chợ trái cây quốc gia Tiền Giang (12/02/2003)
DN xuất khẩu cà phê chỉ nên ký hợp đồng ngắn hạn (12/02/2003)
Đường xuyên Á sẽ kịp tiến độ? (12/02/2003)
Năm 2005, chấm dứt hoạt động của Tổng công ty Dược (12/02/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang