|
Xe máy lại có thể bị ''sốt'' nếu các DN xe máy chậm nhập khẩu linh kiện. |
(VietNamNet) - Theo Công văn số 475/TCHQ-KTTT của Tổng cục Hải quan, từ ngày 1/3, DN xe máy nợ thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hoá năm 2001 sẽ bị cưỡng chế việc làm thủ tục nhập khẩu hàng nếu không đến cơ quan Hải quan để thống nhất kế hoạch trả nợ. Cơ quan Hải quan có trách nhiệm thông báo số thuế truy thu DN phải nộp.
Tổng cục Hải quan đề ra mục tiêu đến ngày 28/2 phải hoàn thành việc truy thu thuế đối với tất cả các DN xe máy nợ thuế theo tỷ lệ nội địa hoá.
Một quan chức Tổng cục Thuế cho biết, việc cưỡng chế việc làm thủ tục nhập khẩu và hàng hoá nhập khẩu cũng sẽ được áp dụng đối với các DN xe máy chưa thực hiện ký biên bản quyết toán thuế năm 2001 với đại diện Bộ Tài chính. Tổng cục Thuế yêu cầu các DN liên quan khẩn trương ký biên bản quyết toán thuế để có cơ sở giải toả cưỡng chế hàng xuất nhập khẩu.
Cuối tháng 12/2002, Tổng cục Thuế đã đề nghị Tổng cục Hải quan hoàn thành ngay việc truy thu thuế đối với DN xe máy nợ thuế dưới 5 tỷ đồng, xong trước 30/6 năm nay đối với DN nợ thuế từ 5 tỷ đồng đến 15 tỷ đồng; và hết năm 2003, phải thu xong nợ thuế trên 15 tỷ đồng của DN. Tuy nhiên, việc truy thu thuế nói trên đang gặp khó khăn do một số DN xe máy không chấp nhận số thuế phải nộp nên không ký vào biên bản quyết toán thuế, hoặc DN chưa đưa ra kế hoạch trả nợ thuế và cam kết thực hiện. Đặc biệt, một số DN không được sản xuất, lắp ráp xe máy do không đáp ứng được các tiêu chuẩn về kỹ thuật, quản lý chất lượng..., thì việc truy thu thuế càng khó khăn hơn.
Số thuế truy thu nói trên xuất phát từ chính sách ưu đãi thuế theo tỷ lệ nội địa hoá và DN xe máy đã khai man tỷ lệ nội địa hoá để giảm thuế. Tổng số tiền thuế phải truy thu của các DN xe máy năm 2001 lên đến 720 tỷ đồng, trong đó DN nợ thấp nhất là 200 triệu đồng, cao nhất lên đến 80 tỷ đồng. Mới đây, Bộ Tài chính đã chính thức bãi bỏ ưu đãi thuế theo tỷ lệ hoá, đồng thời Chính phủ đã chỉ thị cho các bộ ngành hữu quan thắt chặt quản lý đối với các DN sản xuất, lắp ráp xe máy.
|