(VietNamNet) - Với những kết quả sút kém trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam năm 2002, không nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận một cách khả quan về tương lai của lĩnh vực này. Nhằm tìm ra một giải pháp hữu hiệu, một hội thảo quốc tế quy mô lớn đang được tổ chức tại Hà Nội.
Hội thảo Bối cảnh kinh tế mới, các dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài với việc phát triển thương mại và thị trường ở châu Á và Việt Nam được tổ chức bởi trường Đại học Thương mại, phối hợp với một số trường đại học lớn của Paris (Pháp) và Cơ quan đại học Pháp ngữ. Hàng trăm chuyên gia cao cấp của Việt Nam, Pháp, Ba Lan, Ấn Độ đến tham dự hội thảo, trao đổi với nhau những kinh nghiệm, trăn trở trong thu hút FDI và phát triển nền thương mại quốc gia.
Khai mạc hội thảo, GS. TS Phạm Vũ Luận, Hiệu trưởng trường Đại học Thương mại nêu rõ, tìm giải pháp thu hút FDI đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà quản lý cũng như giới khoa học Việt Nam. Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự cũng nhấn mạnh: ''Đầu tư trực tiếp nước ngoài có mối liên hệ mật thiết đối với sự phát triển nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đặc biệt coi trọng lĩnh vực này''.
Hãy giảm chi phí cơ hội cho các nhà đầu tư!
Có nhiều nguyên nhân từng được đưa ra để giải thích cho sự giảm sút của dòng FDI vào Việt Nam thời gian qua: kinh tế thế giới suy thoái, khủng hoảng tiền tệ, bất ổn chính trị trên thế giới và trong khu vực. Tuy nhiên, các chuyên gia tham dự hội thảo đều thống nhất rằng, nhân tố chủ quan mới là nguyên nhân chính. So với các nước trong khu vực, lợi thế về nhiều mặt của Việt Nam đang mất dần.
Trong hơn 20 năm qua, dòng FDI tại Trung Quốc chủ yếu chảy vào khu vực phía Đông, nơi mà dân cư tập trung đông đúc và kinh tế phát triển. Từ năm 1999, Chính phủ nước này tuyên bố sẽ áp dụng những biện pháp đặc biệt để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào miền tây và miền trung, nhưng đến nay vẫn chưa có bước tiến đáng kể nào. Số dự án đổ vào miền đông năm 2001 vẫn chiếm tới 80,1%, và số vốn chiếm 86% tổng vốn FDI của nước này. |
Thủ tục hành chính quá phiền hà khiến các nhà đầu tư vừa mất khá nhiều công sức, tốn thời gian, vừa nản lòng. Tất cả các dự án FDI ở Việt Nam đều phải xin cấp phép, trong khi theo TS. Nguyễn Đình Tài (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), nhiều quốc gia thậm chí không yêu cầu giấy phép hoạt động đầu tư nước ngoài ở hầu hết các lĩnh vực.
Hồ sơ xin cấp phép bao gồm rất nhiều giấy tờ, trong đó có những nghiên cứu khả thi về kinh tế - kỹ thuật, những thông tin phân tích thị trường, sản phẩm, kế hoạch sản xuất, mô tả công nghệ, máy móc, thiết bị, thiết kế nhà máy, phân tích và dự báo tài chính... Việc lập một hồ sơ như vậy hiển nhiên không hề đơn giản, trong khi các chỉ tiêu này lại không ngừng thay đổi theo điều kiện thị trường và sự phát triển khoa học công nghệ. Thêm vào đó, nhiều chuyên gia cùng có chung nhận xét, không phải mọi cán bộ xét duyệt dự án của Việt Nam đều có đủ năng lực đánh giá các thông số của hồ sơ. Tình trạng này khiến không ít nhà đầu tư ngần ngại khi vào Việt Nam.
Một trong những thủ tục khiến nhà đầu tư nước ngoài ''ngán'' nhất ở Việt Nam là thuê đất để kinh doanh. Trong suốt quá trình xin cấp phép, thuê đất và một thời gian dài sau cấp phép, nhà đầu tư luôn bị ràng buộc vào một địa điểm nhất định. Khi các điều kiện đầu tư thay đổi, nhà đầu tư có thể vấp phải không ít khó khăn. Một thực tế phổ biến là nhiều dự án FDI tốn 3-4 năm để đền bù, giải tỏa mặt bằng. Cơ hội kinh doanh nào có thể ''chờ đợi'' nhà đầu tư lâu như vậy? TS Nguyễn Đình Tài cho biết: ''Tại các quốc gia phát triển, việc cho phép một doanh nghiệp FDI được thành lập độc lập với địa điểm của doanh nghiệp. Đương nhiên, địa điểm hoạt động phải phù hợp với loại hình doanh nghiệp, nhưng các ràng buộc này được xử lý một cách riêng biệt''.
Trao đổi tại hội thảo, GS. TS Nguyễn Mại (Tổ nghiên cứu kinh tế đối ngoại của Thủ tướng) thẳng thắn nói: ''Đừng có đổ lỗi cho sự cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc hay các quốc gia khác. Hàng năm, tổng vốn FDI của thế giới lên đến 800-1.000 tỷ USD, trong đó chỉ khoảng 100-120 tỷ chảy vào các quốc gia trong khu vực. Vậy tại sao Việt Nam lại không thể nhận 5 tỷ USD/năm?''. Nguyên nhân chủ yếu là do Việt Nam chưa đủ hấp dẫn mà thôi.
Liệu có thể giảm sự mất cân đối trong thu hút đầu tư?
Cũng như phần lớn các quốc gia đang phát triển khác, các nhà lãnh đạo Việt Nam đang phải đau đầu về tình trạng mất cân đối trong phân bổ vốn FDI. Theo số liệu mới nhất của Bộ KH-ĐT, năm 2002, chỉ có bốn địa phương nhận được trên 100 triệu USD vốn đầu tư. Trong khi đó, đa phần các tỉnh, thành chỉ nhận được vài trăm ngàn USD, thậm chí có 20 tỉnh, thành không được một nhà đầu tư nào ''để mắt'' đến.
Đúng như các chuyên gia đã nhận xét, cho dù Chính phủ Việt Nam đã áp dụng rất nhiều biện pháp khuyến khích như giảm thuế, kéo dài thời hạn tín dụng với lãi suất ưu đãi..., nhưng những địa phương khó khăn vẫn không thể trở thành ''miền đất hứa'' trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. ''Vấn đề là ở chỗ, cơ sở hạ tầng và môi trường đầu tư cứng của các địa phương phải được cải thiện triệt để'', TS Lê Đăng Doanh, cố vấn của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT khẳng định.
Địa phương |
Số dự án |
Tổng vốn đầu tư |
Vốn pháp định |
Phần vốn của Việt Nam |
Phần vốn của nước ngoài |
Bình Dương |
152 |
286.258 |
110.190 |
4.031 |
106.159 |
Đồng Nai |
106 |
273.406 |
107.809 |
2.181 |
105.628 |
TP.HCM |
213 |
251.159 |
105.226 |
7.987 |
97.179 |
Hà Nội |
63 |
140.655 |
65.851 |
5.220 |
60.631 |
Long An |
12 |
87.900 |
28.230 |
2.530 |
25.700 |
Vĩnh Phúc |
11 |
44.753 |
26.130 |
1.815 |
24.315 |
Quảng Nam |
5 |
43.975 |
16.980 |
200 |
16.780 |
Đà Nẵng |
5 |
39.360 |
16.060 |
1.553 |
14.507 |
Quảng Ninh |
12 |
39.292 |
30.205 |
6.556 |
23.649 |
Hải Phòng |
22 |
36.654 |
23.446 |
4.508 |
19.063 |
|