(VietNamNet) - Gặp gỡ với các quan chức và doanh nghiệp (DN) tại hội nghị thương mại toàn quốc, Thủ tướng Phan Văn Khải nêu rõ, liên kết ngang giữa các DN thông qua hiệp hội ngành hàng ngày càng chứng tỏ ý nghĩa quan trọng của mình.
|
Thủ tướng Phan Văn Khải phát biểu tại hội nghị |
Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế cạnh tranh ngày càng gay gắt, hiệp hội sẽ tạo điều kiện cho các DN giúp đỡ nhau hiệu quả hơn. ''Ở các nước phát triển, hiệp hội rất mạnh vì Chính phủ không can thiệp sâu. Hiệp hội ở Việt Nam cũng phải phấn đấu như vậy, bởi Chính phủ không thể đứng ra làm thay mãi được''.
Cần một nghị định về hoạt động của các hiệp hội
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển khẳng định: ''Không một DN nào, dù tiềm lực to lớn đến đâu, có thể tự mình giải quyết mọi vấn đề. Hợp tác là cần thiết để xác định phương hướng của sự phát triển, tránh lãng phí các nguồn lực, bảo vệ quyền lợi của chính DN. Mô hình cơ bản của liên kết ngang là hiệp hội ngành hàng''. Bộ trưởng cho rằng, sở dĩ các hiệp hội hoạt động chưa hiệu quả là do thiếu chế định pháp luật hoàn chỉnh. Do đó, Bộ trưởng nhấn mạnh cần ''sớm ban hành nghị định của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của hiệp hội ngành hàng, phân định trách nhiệm rõ ràng trong công tác quản lý đối với hiệp hội ''.
Không có hiệp hội, khó chấm dứt cạnh tranh thiếu lành mạnh
Không ít DN đã từng là nạn nhân của sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, mà một trong những lý do là ngành hàng chưa có hiệp hội hoặc vai trò của hiệp hội quá yếu.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, Giám đốc Nông trường Sông Hậu rất bức xúc khi kể lại với VietNamNet một ''kinh nghiệm đau thương'' của bà: ''Hồi đó, chúng tôi thỏa thuận được những hợp đồng bán gạo rất lớn với hai ''đại gia'' Tanzania. Ngay sau đó, một đầu mối của Việt Nam biết được và hạ giá xuống chỉ 2 USD/tấn, vậy là giành luôn khách của chúng tôi. Tuy nhiên, họ đã thuê phải một con tàu ma để chở hàng, mất cả chì lẫn chài. Khi tôi cùng lãnh đạo Bộ Thương mại sang ký hợp đồng, đối tác đã phản ứng rất dữ dội và không bao giờ mua gạo Việt Nam nữa''. Bà Sương kết luận: ''Có một hiệp hội ngành hàng mạnh thì không bao giờ có chuyện đó''.
Giải thích về sự yếu kém của một số hiệp hội, ông Trần Văn Giá, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng, ngay trong nhận thức của các cơ quan quản lý, các DN về vai trò của hiệp hội cũng còn nhiều mâu thuẫn. ''Nhiều người chưa hiểu rằng, hiệp hội là điều kiện cần có để các tổ chức, cá nhân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm một cách lành mạnh, chống đầu cơ qua giá...''.
Ông Hồ Ngọc Cầm, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, trong ngành điều, gần như không có DN nào có thể đứng ngoài hiệp hội. ''Hiệp hội có sức mạnh tập thể, nên hạn chế được đáng kể tình trạng mạnh ai nấy làm. Nếu ai không tuân thủ nghị quyết chung mà các thành viên khác cùng thỏa thuận thì hiệp hội sẽ hạ giá bán hàng ra hoặc nâng giá mua nguyên vật liệu để gây sức ép'', ông Cầm nói. Ông Cầm cho biết, trước đây, hiệp hội chỉ có 35 hội viên, nay đã có 80 DN tham gia, trong đó khoảng 5-6 doanh nghiệp có quy mô lớn nhất (chiếm xấp xỉ 80% tổng sản lượng điều cả nước). Từ khi có hiệp hội, hoạt động của ngành điều ổn định hơn trước nhiều.
Đa dạng hóa thành phần kinh tế trong hiệp hội
Phần lớn thành viên của các hiệp hội hiện là doanh nghiệp nhà nước, nhiều người gọi đó là tình trạng ''quốc doanh hóa hiệp hội''. Dự thảo nghị định về hiệp hội lại không cho phép các DN có vốn đầu tư nước ngoài trở thành hội viên chính thức mà chỉ là hội viên liên kết của hiệp hội. Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cho rằng, quy định trên chưa phù hợp với chính sách khuyến khích của Nhà nước đối với thành phần kinh tế này, cũng như bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. ''Tôi cho rằng, các DN có vốn đầu tư nước ngoài cần được tham gia một cách bình đẳng vào hiệp hội để có thể đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế nói chung và xuất khẩu nói riêng''.
Theo kế hoạch của Bộ Thương mại, trong thời gian tới, một số hiệp hội ngành hàng sẽ được xúc tiến thành lập trong các ngành gốm sứ, cao su, thủ công mỹ nghệ...
|