|
Nông dân cảm thấy bất tiện khi phải chở lúa đến điểm thu mua. |
Các tỉnh ĐBSCL đang bước vào thu hoạch lúa đông xuân. Tại Đồng Tháp, thương nhân các tỉnh Tiền Giang, Long An đã đổ dồn về tận xã, ấp mua lúa, dù ngay từ đầu vụ các DN đã lên kế hoạch bao tiêu 81.000ha lúa chất lượng cao của nông dân.
Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, cho biết, các DN chỉ ký được hợp đồng trên quy mô 14.000ha lúa, nhưng đến nay chưa mua được kilôgam lúa nào.
Theo ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang, ba công ty chủ lực của tỉnh: Nông lâm sản, Xuất nhập khẩu, Công ty Thương mại, cao lắm cũng chỉ mua được 60% lúa của nông dân tỉnh nhà. Các ghe hàng xáo từ Cần Thơ, Long An, An Giang vẫn len lỏi vào tận các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận mua. Chi phí vận chuyển dù tốn thêm 15-20 đồng/kg nhưng hàng xáo vẫn thích đến tận nơi mua lúa. Nông dân không phải lo phương tiện vận chuyển trong khi nếu bán cho các DN, họ phải chở đến một điểm thu mua nào đó.
Tại Cần Thơ, đến nay, các DN cũng chỉ ký hợp đồng bao tiêu lúa chất lượng cao được 14.564/66.500 ha. An Giang được xem là tỉnh đi đầu trong việc mua lúa hàng hoá của nông dân, vậy mà đến giờ nhiều DN vẫn còn chưa mua được bao nhiêu do tư thương mua tại gốc và nông dân xem đó là "được giá". Sản lượng đông xuân năm nay của tỉnh khoảng gần 1,4 triệu tấn mà chỉ 270.000 tấn lúa trong số này được hợp đồng bao tiêu.
Bà Trần Ngọc Sương, Giám đốc Nông trường Sông Hậu (Cần Thơ), nói: "Chỉ cần bên ngoài thu gom giá nhỉnh hơn (1.400 đồng/kg), nông dân sẵn sàng bỏ cam kết để bán cho bên ngoài. Còn nếu quay ra hướng hỗ trợ các HTX nông nghiệp đủ mạnh để hợp tác - điều nông trường thực hiện 2 năm trước tại huyện Ô Môn (Cần Thơ) thì một số HTX vẫn còn tâm lý bao cấp. Một số xã viên mong đợi vào HTX để được vay vốn, mua nợ vật tư...".
Hợp tác hoá là môi trường tốt cho việc phát huy hợp đồng bao tiêu nông phẩm. Nhiều DN mong muốn như vậy vì DN khó có thể lặn lội đến từng nông hộ bàn việc hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, theo Ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên minh HTX Cần Thơ, trong 118 HTX nông nghiệp của tỉnh chỉ có 5 HTX ký kết làm ăn. Một số HTX không giám thuê kế toán vì không có tiền trả lương, Ban Chủ nhiệm điều hành thiếu kinh nghiệm. Một số HTX có diện tích lớn, điểm giao nhận hàng khó khăn và ngại di chuyển.
Tư thương là lực lượng có nghề, có vốn, có phương tiện và sẵn sàng đi bất cứ nơi nào. Tại sao không coi họ là đối tác có thực lực của DN?
(Theo NNVN) |