Mục tiêu tăng xuất khẩu 18,5 tỷ USD là khả thi
16:37' 04/03/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Trong bối cảnh quốc tế tiếp tục có những biến động bất lợi đối với Việt Nam, Bộ Thương mại vẫn đưa ra mục tiêu xuất khẩu năm nay cao hơn cả mức Quốc hội đề ra (khoảng 12%).

Gia công hàng may mặc xuất khẩu

Trao đổi với VietNamNet, Thứ trưởng Bộ Thương mại Lê Danh Vĩnh khẳng định, Bộ Thương mại đã nghiên cứu rất kỹ các điều kiện để thực hiện mục tiêu trên. ''Những tiến bộ đáng kể của hoạt động xuất khẩu trong thời gian cuối năm 2002 là cơ sở để tin tưởng rằng, xuất khẩu năm nay có thể tăng khá. Nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng cao. Mặt khác, kinh tế thế giới dần hồi phục nên sức mua năm nay sẽ được cải thiện'' - Thứ trưởng nhận định.

Thực tế diễn biến hoạt động xuất khẩu hai tháng đầu năm cho thấy, nhận định trên của Bộ Thương mại cũng có cơ sở nhất định. Kim ngạch hai tháng đầu năm khá hơn năm 2002 rất nhiều, một phần là nhờ tác dụng của các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu được đề xuất cuối năm 2002. Mặt khác, giá xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực tiếp tục được giữ ở mức cao, điển hình là thủy sản, gạo, cà phê, cao su, nhân điều, hàng dệt may, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ... Hai tháng qua, lượng cà phê xuất đi chỉ bằng 60% hai tháng đầu năm 2002, nhưng giá trị bằng 128%; tương tự đối với cao su là 130,6% và 196,9%; chè là 115,6% và 126,3%... Đặc biệt, giá dầu thô xuất khẩu tăng tới 51,4%. Nếu giá cả thị trường thế giới vẫn biến động có lợi như vậy thì việc hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu cả năm không phải là quá khó khăn.

Riêng với mặt hàng gạo, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhận định, nếu chiến tranh Iraq xảy ra thì các nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ gặp một số khó khăn nhất định. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của VietNamNet, bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, Giám đốc Nông trường Sông Hậu cho biết, đầu năm nay, các tổng công ty và các đầu mối xuất khẩu gạo đã ký được nhiều hợp đồng với giá tốt. Do đó, nhà xuất khẩu Việt Nam không lo bị thương nhân nước ngoài ép giá. ''Nếu thị trường Iraq có biến động thì ảnh hưởng cũng không lớn vì chúng tôi đã ký được nhiều hợp đồng lớn với các thị trường khác. Mặt khác, nhu cầu gạo của thị trường thế giới không thay đổi nhiều, trong khi lượng dự trữ lại giảm, nên giá gạo khó có thể xuống thấp'', bà Sương khẳng định.

Về phía các doanh nghiệp, sự tích cực trong việc thực hiện các hợp đồng đã ký từ năm 2002 và ký kết các hợp đồng mới cũng khiến kim ngạch xuất khẩu tăng đáng kể.

Không lo thị trường Mỹ bất lợi

Thị trường Mỹ vừa qua có những động thái không có lợi cho Việt Nam. Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam không cần quá lo lắng. ''Các tranh chấp thương mại là không thể tránh khỏi, nhưng Việt Nam không hoàn toàn yếu thế trong những vụ việc như vậy. Việc Việt Nam thắng trong vụ kiện bán phá giá giày chống thấm vào Canada năm ngoái là một thí dụ. Thêm nữa, thị trường này chỉ chiếm một tỷ trọng nhất định, Việt Nam còn có khả năng khai thác nhiều thị trường trọng điểm khác'', Thứ trưởng khẳng định.

Theo dự báo của Bộ Thương mại, ba trung tâm kinh tế lớn là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2002: Hoa Kỳ tăng 3% (năm 2002 là 2,5%), EU tăng 2,25-2,75% (năm 2002 là 1%), Nhật Bản tăng 0,75 - 1,25% (năm 2002 giảm -0,5%). Nhật Bản, bạn hàng lớn nhất của Việt Nam, có thể vẫn thực hiện chính sách thương mại theo hướng giữ tỷ giá đồng yên yếu để tăng cường xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, thu hút FDI.

Thực tiễn hoạt động xuất khẩu hai tháng qua cho thấy, Việt Nam đang đẩy mạnh một cách khá tích cực việc xuất khẩu sang nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Á (kim ngạch xuất hàng sang Indonesia, Thái Lan, Lào đều tăng 3-5 lần so với cùng kỳ năm 2002), Bắc Mỹ, EU... Ngay cả tại thị trường Mỹ, hàng Việt Nam cũng có mức tăng trưởng kỷ lục (khoảng 470%). Theo dự báo của Bộ Thương mại, trong quý I, xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng nhanh vào các thị trường như Bắc Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hi Lạp, Phần Lan, ASEAN... Một số thị trường khác có thể kém khả quan hơn là Nam Phi, Thụy Sĩ, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Singapore... Tuy vậy, năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam có ý thức xúc tiến thương mại tích cực và chủ động hơn, lại được Chính phủ hỗ trợ đáng kể thông qua các chương trình xúc tiến rộng rãi nên có khả năng khai thác thêm nhiều thị trường mới, đặc biệt là châu Phi và Trung Đông.

Về xuất khẩu hàng dệt may - một mặt hàng nhạy cảm được nhiều người quan tâm, Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh khẳng định, chừng nào Mỹ chưa áp dụng hạn ngạch thì doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể phát huy các lợi thế của mình. ''Thêm vào đó, bạn hàng lớn của Việt Nam là EU thì vừa tăng 50-75% hạn ngạch các mặt hàng nhạy cảm cho Việt Nam, mở ra cơ hội mới cho các công ty dệt may trong nước''.

Xuất khẩu đang tăng nhanh hơn nhập khẩu

Trong khi xuất khẩu hai tháng đầu năm nay tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2002, thì nhập khẩu chỉ tăng 25,1%. Do đó, nhập siêu đứng ở mức tương đối thấp (5,5%).

Kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước lại tăng khá nhanh (49%), chủ yếu do tăng nhập khẩu máy móc thiết bị và nhiên liệu phục vụ sản xuất. Có thể nhìn nhận rằng, hiện tượng này hứa hẹn một triển vọng tốt, bởi năng lực sản xuất của các doanh nghiệp sẽ tăng đáng kể, khiến xuất khẩu có thể được đẩy mạnh vào cuối năm nay và nhiều năm sau.

  • Trịnh Hằng
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Đã ký hợp đồng xuất khẩu 1,2 triệu tấn gạo
300-400 DN xuất khẩu thực phẩm phải đăng ký với FDA
Xuất khẩu cá chuồn sang Mỹ
Giá gạo xuất khẩu có thể giảm trong tháng 3
Xuất khẩu 2 tháng tăng 44,2%
Xuất khẩu thuỷ sản tăng gần 40%
CÁC TIN KHÁC:
Tăng thuế để giảm hút thuốc lá (04/03/2003)
Báo động tình trạng "rút ruột" bình gas (04/03/2003)
Thủ tục nhập cảnh và hải quan sẽ được cải tiến tối đa (04/03/2003)
Giá bán xe máy xuống bằng giá niêm yết (04/03/2003)
Philippines nhập thêm 300.000 tấn gạo nếu chiến tranh Iraq xảy ra (04/03/2003)
DOC giảm thuế, cổ phiếu AGIFISH giá tăng kịch trần (04/03/2003)
Xác minh hóa đơn trên mạng (04/03/2003)
Vì sao hàng Trung Quốc có thể ''xâm lược'' cả thế giới? (03/03/2003)
''Tự tăng giá thép là hành động dại dột'' (03/03/2003)
"Vụ kiện tôm sú" có dấu hiệu thuận lợi hơn (03/03/2003)
Sẽ có 3 kho chứa gas ở 3 miền? (03/03/2003)
Ta đối phó với... ta (03/03/2003)
Phải công bố rõ thông tin đấu giá quyền sử dụng đất (03/03/2003)
''Yếu tố quyết định vẫn là thị trường'' (01/03/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang