|
Nhà đầu tư chờ áp dụng tăng số lần khớp lệnh. |
(VietNamNet) - Đến nay, đã hơn 2 tháng so với dự kiến, biện pháp tăng số lần khớp lệnh (2 lần/phiên) trên TTCK Việt Nam vẫn chưa biết bao giờ mới được áp dụng. ''Đầu kỹ thuật'' đã xuôi nhưng mặt pháp lý lại ''chưa lọt''.
Theo ông Đỗ Hữu Phúc, phát ngôn viên chính thức của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán (TTGDCK) TP.HCM, ngày 1/3, Trung tâm đã tổ chức giao dịch thử nghiệm 2 lần khớp lệnh/một phiên và giảm lô giao dịch (từ 100 cổ phiếu xuống 10 cổ phiếu). Dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia Thái Lan, đợt thử nghiệm chuẩn bị này đã hoàn tất. 9 công ty chứng khoán đang hoạt động trên thị trường cũng cho biết, họ đã sẵn sàng.
Tuy nhiên, thực hiện các biện pháp nói trên đồng thời với việc sửa đổi Quyết định 79/2000/QĐ-UBCKNN của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Theo Luật Tổ chức Chính phủ mới sửa đổi, vấn đề này đã vượt ra ngoài thẩm quyền của UBCKNN do đây là cơ quan trực thuộc Chính phủ, nên không có thẩm quyền ban hành văn bản; việc sửa đổi sẽ do Văn phòng Chính phủ (VPCP) xem xét, quyết định. Một quan chức UBCKNN cho biết, nội dung dự thảo sửa đổi Quyết định 79 đã được UBCKNN trình lên VPCP.
''VPCP cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng dự thảo này trước khi đặt bút ký. Cho nên chưa thể biết được sớm hay muộn quy định tăng số lần khớp lệnh và giảm lô cổ phiếu được thông qua'', vị quan chức này nói.
TTGDCK TP.HCM vừa đưa ra hai phương án tăng số lần khớp lệnh khác nhau về thời gian. Theo phương án 1, thời gian giao dịch từ 9 giờ đến 10 giờ 45 phút, thời gian của mỗi đợt khớp lệnh và giữa hai lần khớp lệnh đều là 30 phút. Phương án 2 chỉ khác phương án 1 ở chỗ thời gian của mỗi đợt khớp lệnh và giữa 2 lần khớp lệnh giảm đi 10 phút, còn 20 phút. |
Hơn 2 năm TTCK Việt Nam đi vào hoạt động, chưa có một quỹ đầu tư trong nước nào ''chào đời''. Hai đơn vị xin phép thành lập quỹ đầu tư trong nước đã hoàn tất hồ sơ theo yêu cầu của UBCKNN nhưng đang phải chờ ''bà đỡ'' là Nghị định sửa đổi Nghị định 48/CP về chứng khoán và TTCK. Sửa đổi Nghị định này cũng đang phải chờ Chính phủ xem xét, quyết định.
Qua việc thực hiện một số biện pháp để phát triển TTCK Việt Nam, ai cũng thấy rằng khoảng cách giữa đề ra biện pháp đến thực tế áp dụng khá xa. Nguyên nhân bên ngoài là do sự chậm chạp của nhà quản lý, ''khách quan'' của trình tự, thủ tục pháp lý nhưng có lẽ nguyên nhân sâu xa chính là cách nhìn còn dè dặt, chưa thực sự coi trọng việc phát triển TTCK của các nhà hoạch định chính sách.
|